Dự án KCN Cầu cảng Phước Đông: Ưu đãi biến thành ngược đãi

Chỉ vì không giải phóng được một bãi vật liệu xây dựng 5.471m2 mà hơn 12 năm qua, một khu công nghiệp cầu cảng hiện đại nhất tỉnh Long An vẫn chưa triển khai được.

Ưu đãi biến thành ngược đãi

Dự án Khu CN Cầu Cảng Phước Đông ( xã Phước Đông, huyện Cần Đước, Long An) có quy mô 144 ha, với tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng. Dự án đã được UBND giao cho Công ty IMG Phước Đông (IMG Phước Đông) làm chủ đầu tư.

Ông Võ Đông Tùng - Thành viên hội đồng quản trị công ty CP IMG Phước Đông cho biết, dự án này là do UBND tỉnh mời gọi doanh nghiệp vào đầu tư để góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế cho địa phương. Cho đến thời điểm này, công ty đã bỏ ra khoảng hơn 600 tỷ đồng vào khu công nghiệp này. Hàng tháng, còn phải trả lãi ngân hàng. Tuy nhiên, đã 12 năm trôi qua, chúng tôi không thể hoàn thành được dự án.

 Bãi tập kết vật liệu của DNTN Thăng Long đang chia đôi khu công nghiệp Phước Đông

Bãi tập kết vật liệu của DNTN Thăng Long đang chia đôi khu công nghiệp Phước Đông

Theo ông Tùng, nguyên nhân của vụ việc này là do UBND tỉnh chưa giải phóng được bãi tập kết 5.471m2 của DNTN Thăng Long. Bãi vật liệu này nằm giữa, chia tách khu đất dự án thành 2 phần, khiến Khu công nghiệp không thể đấu nối được hạ tầng. Sự việc đã kéo dài hơn 12 năm với 105 cuộc họp từ địa phương đến trung ương; Công ty IMG Phước Đông đã gửi đi 59 văn bản và nhận được 48 công văn phản hồi; Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ đã có hai lần chỉ đạo nhưng vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.

"Chúng tôi đầu tư vào khu công nghiệp này với một niềm tin sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương. Nhưng 12 năm qua, điều chúng tôi nhận được chỉ là sự thất vọng" - ông Tùng nhấn mạnh

Được biết, các dự án khu công nghiệp nằm trong diện Nhà nước đứng ra giải phóng mặt bằng và giao đất sạch cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, không hiểu vì sao cá biệt trong trường hợp này, tỉnh Long An lại ra văn bản chỉ đạo chủ đầu tư khu công nghiệp phải tự thỏa thuận bồi thường cho chủ bãi vật liệu là DNTN Thăng Long. Chính vì vậy, DNTN Thăng Long đã đưa ra nhiều “yêu sách” vô lý để “ép” IMG Phước Đông phải đáp ứng.

Cụ thể, phần đất của DNTN Thăng Long chỉ là bãi tập kết cát thô sơ nhưng doanh nghiệp này lại yêu cầu IMG Phước Đông phải thiết kế bãi cạp cát mới đảm bảo xà lan tương đương 1.000 tấn neo đậu, cần cẩu 60 tấn bốc vật liệu, đường dẫn vô bãi đảm bảo cho xe 20 tấn ra vào… Thêm vào đó, DNTN Thăng Long đòi hỏi hỗ trợ gần 4 tỷ đồng tiền đền bù trong khi phương án đền bù huyện Cần Đước phê duyệt chỉ hơn 1.028 tỷ đồng.

Theo yêu cầu của UBND tỉnh, IMG Phước Đông đã phải chấp nhận san lấp mặt bằng gần 10.000m2 đất (gấp đôi diện tích đất phải bồi thường) để hoán đổi đất theo tiêu chuẩn thiết kế của KCN. Thế nhưng, DNTN Thăng Long cũng không chấp nhận và liên tục thay đổi ý định, cố tình trì hoãn không bàn giao mặt bằng.

Văn bản chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ đã không được UBND tỉnh Long An thực thi quyết liệt khiến vụ việc kéo dài.

Tại buổi làm việc với PV, ông Nguyễn Văn Được – Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, quá trình giải phóng mặt bằng dự án chậm nhiều năm nay là do hai bên chưa thỏa thuận xong phương án bồi thường. UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp với hai bên doanh nghiệp nhưng chưa đạt. Hiện, liên quan đến vụ việc này, Thủ tướng chính phủ đã có chỉ đạo. Trước mắt, Tỉnh sẽ yêu cầu hai doanh nghiệp thực hiện việc hoán đổi đất. Trong trường hợp không được, tỉnh sẽ tiến hành cưỡng chế theo quy định của Luật Đất đai.

Tuy nhiên, trước câu hỏi của PV, vì sao trong suốt 12 năm qua, Chính phủ đã 2 lần chỉ đạo nhưng phía chính quyền không kiên quyết cưỡng chế thu hồi đất, để sự việc kéo dài gây tổn thất cho doanh nghiệp?

Vị Phó chủ tịch tỉnh Long An trả lời vòng vo rằng “vụ việc này có rất nhiều “zích zắc” tôi không thể kể hết từ đầu cho phóng viên hiểu được".

Quá trình đi tìm điểm “zích zắc” mà Lãnh đạo tỉnh Long An nói, PV phát hiện nhiều điểm bất thường về bãi tập kết vật liệu này.

Khuất tất bãi vật liệu "chui" được định giá cao bất thường

Theo khẳng định của ông Đặng Hoàng Tuấn - Phó Giám đốc Sở giao thông vận tải tỉnh Long An, bãi tập kết vật liệu của DNTN Thăng Long nằm trong diện quy hoạch nên nhiều năm nay Sở không cấp phép cho doanh nghiệp này.

Kèm theo đó, DNTN Thăng Long đã nhiều lần bị Cảng vụ 3 tại Long An lập biên bản xử phạt và yêu cầu đình chỉ hoạt động bến bãi do không có giấy phép.

Trong khi đó, làm việc với PV chiều ngày 4/4, Phó chủ tịch UBND huyện Cần Đước và Chủ tịch UBND xã Phước Đông đều khẳng định, bãi tập kết vật liệu xây dựng của DNTN Thăng Long có giấy phép. Nhưng không thể cung cấp cho phóng viên được giấy tờ pháp lý của bãi vật liệu này do cơ quan không lưu giữ.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao một bãi tập kết vật liệu lớn như vậy lại có thể vô tư hoạt động trong nhiều năm mà không bị chính quyền địa phương ngăn chặn. Phải chăng chính quyền địa phương đã cố tình bao che, dung túng cho DNTN Thăng Long kinh doanh vật liệu “chui” trong suốt 12 năm qua và cố tình trì hoãn không bàn giao mặt bằng.

Thêm vào đó, bất chấp diện tích đất trên đã thuộc quy hoạch KCN Phước Đông và đang tiến hành thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng, DNTN Thăng Long vẫn mang khu đất 6.071,9m2 làm tài sản đảm bảo vay nợ tại Agribank - chi nhánh TPHCM - phòng giao dịch Rạch Ông. Điều lạ, năm 2010, Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Long Anh vẫn xác thực các văn bản thế chấp cho DNTN Thăng Long.

Còn phía ngân hàng đã định giá khu đất này có giá trị 52,2 tỷ đồng (tương đương 8,5 triệu đồng/m2 trong khi giá đền bù huyện Cần Đước tính chỉ là 108.000 đồng/m2), để duyệt 2 khoản vay có giá trị 26 tỷ cho DNTN Thăng Long. Từ năm 2010 đến nay, DNTN Thăng Long đã không trả được khoản nợ đúng hợp đồng.

Qua xác minh, năm 2013, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TPHCM cũng đã có văn bản gửi Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam về những dấu hiệu bất thường trong việc thẩm định giá và đề nghị phía ngân hàng để thanh tra lại.

Có thể thấy, chỉ hơn 5.000 m2 đất bến bãi không phép mà trong suốt 12 năm qua khu công nghiệp không hoạt động được. Sự việc này đang gây ảnh hướng lớn đến môi trường đầu tư của tỉnh, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, ảnh hướng đến cơ hội làm việc của lao động địa phương. Dư luận đang rất bức xúc trước sự thiếu quyết liệt của chính quyền địa phương nơi đây và trông chờ kết quả giải quyết cụ thể, dứt điểm từ các cấp chính quyền tỉnh Long An.

Khánh An

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/ban-doc/201904/du-an-kcn-cau-cang-phuoc-dong-uu-dai-bien-thanh-nguoc-dai-631047/