Dự án iFan: Cả bên cung cấp và bên tham gia giao dịch đều vi phạm pháp luật

Trên đây là khẳng định của PGS - TS Nguyễn Quang Tuyến (Phó trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội) khi trao đổi với PV báo Kinh tế & Đô thị về thông tin trên 32.000 người đầu tư 15.000 nghìn tỷ đồng mua tiền ảo.

Rất đông người dân đã kéo đến treo băng rôn trước tòa nhà Vietcomreal sáng 8/4

Thủ đoạn "quái" hơn đa cấp

Trước đó, sáng 8/4 vừa qua, rất đông người dân đã kéo đến treo băng rôn trước tòa nhà Vietcomreal (68 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh) nơi đặt trụ sở của Công ty Modern Tech, tố bị lừa đảo chiếm đoạt hơn 15 nghìn tỷ.
Công ty cổ phần Modern Tech được thành lập vào ngày 31/10/2017 bởi 8 cổ đông sáng lập, trong đó ông Hồ Xuân Văn là đại diện theo pháp luật, với số vốn điều lệ là 100 tỷ đồng.
Theo tố cáo của người dân, Modern Tech có trụ sở tại lầu 9, tòa nhà Vietcomreal nhưng không có bất cứ hoạt động nào. Công ty được thành lập dựa theo ủy quyền của iFan và Pincoin. Đây là dự án (gồm 7 người Việt Nam sáng lập chính) tổ chức các sự kiện tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội nhằm huy động vốn từ chủ đầu tư. Tại các buổi hội thảo quy mô lớn với hàng nghìn người tham gia, iFan được quảng cáo là dự án đến từ Singapore, còn Pincoin đến từ Ấn Độ.
Nguồn tin từ các nhà đầu tư vào iFan cho biết: Modern Tech kêu gọi nhà đầu tư mua đồng tiền ảo iFan, cam kết khi tham gia nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi nhuận thấp nhất 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng. Ngoài ra, nếu giới thiệu được người vào hệ thống sẽ được hưởng thêm 8% số tiền người mới tham gia.
Sau khi ra mắt ứng dụng trí tuệ nhân tạo phát triển mạng xã hội, iFan đã tổ chức các sự kiện có sự hiện diện của những người nổi tiếng nhằm tạo lòng tin cho các nhà đầu tư. Vào thời điểm tháng 12/2017, đỉnh điểm của cơn sốt, iFan được giới thiệu hình thành dựa trên thuật toán ERC20 (trên nền tảng ETH tốt nhất), là chuỗi các khối liên kết với nhau (Blockchain) có thể dùng bằng nhiều ví Eth khác nhau, trong đó có ví Myetherwalet (một loại ví lưu trữ tiền ảo).
Để tăng độ tin cậy với các nhà đầu tư, chuỗi đa cấp thông tin iFan có thể dùng để mua thẻ cào điện thoại, thanh toán phí điện nước, internet… ngoài ra ai sở hữu iFan sẽ làm được thẻ ATM liên kết rút tiền ở Việt nam và thẻ Visa thanh toán, rút tiền bất cứ nơi nào trên thế giới có chấp nhận Visa card.
Khi đồng tiền ảo Bitcoin đang có giá trên thị trường, iFan phát hành các mã token giá tăng dần (giống như một loại cổ phiếu có giá trị) nhằm tạo cơn sốt ảo kết hợp hình thức đa cấp kêu gọi đầu tư, với kế hoạch sẽ kêu gọi vốn đầu tư (ICO) 21 triệu iFan theo từng Block, mỗi đợt ICO sẽ tạo một sự kiện để bán các mã token cho các nhà đầu tư, giá khởi điểm 1 ifan là 1.6 usd (mỗi người chỉ được mua tối đa 1.000 ifan) và Block cuối cùng của 21 triệu ifan giá là 6.5 usd (mỗi người chỉ mua tối đa được 100 ifan).
Bên cạnh làm giá, iFan còn thường xuyên mất ổn định hệ thống, tung ra các thông báo bảo trì... gây hoang mang tâm lý cho nhiều nhà đầu tư. Điều này khiến người chơi bán đổ bán tháo càng nhiều hơn. Tuy nhiên sau khi thu được số tiền lớn iFan tuyên bố quy đổi hình thức trả thưởng bằng cách quy đổi qua các đồng tiền số, quy định giá công bố 5 USD trên một iFan, nhưng giá thực tế của đồng iFan này trên thị trường chỉ là 0,01 USD.

PGS - TS Nguyễn Quang Tuyến

Có dấu hiệu của tội phạm
Theo thông tin từ Công an quận 1, TP Hồ Chí Minh, đến hết ngày 10/4 vẫn chưa có nạn nhân nào trong vụ công ty tiền ảo bị tố lừa đảo đến trình báo, vụ việc được phát tán thông qua các phương tiện truyền thông.
Trao đổi với PV báo Kinh tế & Đô thị, PGS - TS Nguyễn Quang Tuyến khẳng định: Hiện nay, giao dịch tiền ảo là hình thức bị cấm tại Việt Nam, cho nên cả bên cung cấp và bên tham gia giao dịch đều vi phạm pháp luật.
Về chế tài xử lý vi phạm, theo quy định tại khoản 6 Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (như bitcoin, ifan và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt lên đến 200 triệu đồng. Bên cạnh đó hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
“Tuy nhiên để có căn cứ khởi tố vụ án hình sự, trước hết những nạn nhân của iFan cần trình báo vụ việc tới cơ quan chức năng. Trường hợp có đủ dấu hiệu của tội phạm thì các đối tượng đã thực hiện hành vi chiếm đoạt của nhà đầu tư phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Công ty Modern Tech làm đại diện hợp pháp tại Việt Nam được ủy quyền phát hành, giao dịch các đồng tiền ảo như iFan, Pincoin, các cá nhân làm việc tại công ty này đã sử dụng mạng máy tính, phương tiện điện tử để lôi kéo nhà đầu tư theo hình thức đa cấp.
Người chơi đầu tư vào hệ thống bằng cách ký các hợp đồng góp vốn hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh và phân chia lợi nhuận theo tỷ lệ của việc phân tích dữ liệu. Về mặt thực tế, thiệt hại của nhà đầu tư khi góp vốn vào công ty Modern Tech đã xảy ra, tuy nhiên 15.000 tỷ vẫn chưa phải con số chính thức, công ty không thanh toán cho người chơi theo những gì thỏa thuận trước đó.
Khi có đủ chứng cứ chứng minh cá nhân (thuộc pháp nhân kinh doanh tiền ảo) có hành vi gian dối bằng hình thức hợp đồng để huy động tiền từ nhà đầu tư còn có thể bị truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (theo điều 175 BLHS) hoặc tội sử dụng mạng máy tính, mạng thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 290 BLHS)”, PGS - TS Nguyễn Quang Tuyến cho biết thêm.

Bảo Châu

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/du-an-ifan-ca-ben-cung-cap-va-ben-tham-gia-giao-dich-deu-vi-pham-phap-luat-314017.html