Dự án hợp tác Hà Nội – Toulouse tại Hoàng thành Thăng Long: Hướng đi mới cho bảo tồn di sản

Bộ VHTT&DL vừa có văn bản thống nhất với đề xuất của UBND TP Hà Nội trong dự án hợp tác Hà Nội - Toulouse tại di sản Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Dự án chú trọng hỗ trợ triển khai khoa học và văn hóa xung quanh vấn đề phòng trưng bày khu khảo cổ học, phát huy giá trị khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu... Trong khi việc phục dựng các công trình hoàng cung ở Hoàng thành gặp khó, thì dự án là bước tiến mới để khách đến tham quan di sản thế giới tại Hà Nội – Hoàng thành Thăng Long không phải tưởng tượng những điều dưới lòng đất.

Gần 20 năm vẫn chưa thấy hoàng cung

Từ năm 2002 - 2003, cuộc khai quật khảo cổ học lớn được tiến hành tại 18 Hoàng Diệu đã làm xuất lộ một quần thể di tích vô cùng quý giá. Giới khoa học trong nước và quốc tế đồng thuận nhất trí đánh giá cao những phát hiện của khảo cổ học về khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu. Phát hiện đã minh chứng việc ngự trị của các vương triều Việt trong suốt 13 thế kỷ tại Thăng Long – Hà Nội.

Du khách tham quan tại di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội. Ảnh: Linh Anh

Du khách tham quan tại di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội. Ảnh: Linh Anh

Nhưng sự thay đổi từ năm 2004, khi lần đầu mở cửa đón khách thăm quan đến nay vẫn không nhiều. Giới chuyên gia đánh giá, du khách đến với Hoàng thành Thăng Long phải mường tượng quá nhiều, vẫn không thấy đâu là hình ảnh đặc trưng của hoàng cung với quy mô lộng lẫy như sử sách từng ghi.

Vua quan triều Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, rồi Lê Trung Hưng thiết triều ra sao, tiếp đãi ngủ nghỉ ở không gian nào hay cuộc sống của “lầu công chúa” duy nhất còn lại của Việt Nam cũng không rõ ràng. Các phần việc mới chỉ dừng lại ở khảo cổ, phân tích cứ liệu lịch sử. Gần 20 năm, diện mạo của điện Kính Thiên chưa hình thành nên vẫn chưa thể phục dựng, vẫn đang ở bước nghiên cứu dự án.

Nói như PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long, với tiến độ này, không biết bao giờ Việt Nam mới có thể phục dựng điện Kính Thiên. 18 năm, các nhà khảo cổ vẫn đào xới và phát hiện ra một loạt các hiện vật, dấu tích quan trọng của các vương triều. Nhưng đào lên rồi lấp lại, hiện vật cũng chẳng có chỗ để trưng bày.

Chính vì vậy, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Quang Lân cho rằng: 52.000 lượt người đến với di tích năm 2019 tưởng là lớn nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của điểm đến này. Số du khách đến và quay trở lại tham quan di sản Hoàng thành Thăng Long là không nhiều vì ngoài các di tích cách mạng kháng chiến, di tích hoàng cung còn chưa sờ, chưa cảm được.

Chờ đợi thành quả từ Toulouse

Từ năm 2001, TP Toulouse (Pháp) và TP Hà Nội đã liên tục hợp tác trong lĩnh vực bảo tồn di sản. Minh chứng cho sự hợp tác đó là việc chỉnh trang mặt đứng của con phố Tạ Hiện, để rồi cho ra kết quả là giữ gìn được kiến trúc con phố cổ một cách thống nhất, trở thành tụ điểm thu hút sự tham quan của khách nước ngoài.

Bước tiếp theo là dự án hợp tác Hà Nội - Toulouse tại Di sản văn hóa thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội. Hợp phần quan trọng của dự án là hai bên sẽ chuyển giao kỹ thuật ghi chép, lưu trữ và thống kê tư liệu lịch sử - khảo cổ bằng phần mềm chuyên dụng; hỗ trợ triển khai một dự án khoa học và văn hóa tại các vị trí thuộc Hoàng thành Thăng Long, tại khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và phòng trưng bày trong khu khảo cổ học.

Ngoài ra hỗ trợ và tư vấn về kết cấu kiến trúc để phát huy giá trị khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu (nằm ở phía Tây của Hoàng thành Thăng Long)... Tổng vốn dự kiến quá trình hợp tác là 402.000 euro. Hiện nay, UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ VHTT&DL, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính về việc phê duyệt văn kiện về dự án hợp tác, sau đó từng bước triển khai thực hiện.

Để có thể làm sáng tỏ tính tiếp nối thuộc trung tâm quyền lực của các vương triều Việt Nam sẽ còn rất nhiều phần việc, không chỉ phụ thuộc vào mỗi dự án hợp tác của TP Toulouse và TP Hà Nội lần này.

Tuy nhiên, với tính cấp thiết của việc tạo ra các không gian trưng bày, giữ gìn giá trị khảo cổ học, tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn cho du khách và quốc tế, PGS.TS Phạm Mai Hùng – Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng: Rất cần các phần việc để từng bước trưng bày di sản Hoàng thành Thăng Long.

"Cần quan tâm khâu tiếp nhận bàn giao (giao đất) và đặc biệt là bàn giao di vật (nền Nhà Quốc hội và 18 Hoàng Diệu) để sớm triển khai nghiên cứu trưng bày Bảo tàng Hoàng cung Thăng Long tại nhà Vaxuco (cũ)." - Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, TS Nguyễn Văn Sơn

Linh Anh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/du-an-hop-tac-ha-noi-toulouse-tai-hoang-thanh-thang-long-huong-di-moi-cho-bao-ton-di-san-381369.html