Dự án hơn 186ha làm ngược quy trình: Cần làm rõ...

Việc tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng của hơn 100ha đất nông nghiệp có dấu hiệu vi phạm, cần phải điều tra.

Ăn cơm trước kẻng...

Nhắc đến dự án Khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và KĐT thương mại thuộc huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc), có quy mô lập quy hoạch 186,49 ha đều là đất trồng lúa, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện tài chính) cho rằng, đây là dự án khiến cho ông có nhiều băn khoăn và câu hỏi?.

Ông nói rõ: "Đầu tiên là về tên dự án, xây dựng hệ thống kho vận, chợ đầu mối tất nhiên bình thường, nhưng việc xác định sự cần thiết để làm kho vận là quan trọng nhất.

Ở đây khu vực kho vận cần làm rõ chứa hàng hóa gì, trong bao nhiêu lâu, phục vụ cho cái gì, cũng như hệ thống nhà ở phục vụ cho ai. Đã nói đến kho là liên quan đến thiết kế, tính năng cụ thể.

Thực ra ở dự án này, theo tôi được biết, khu vực huyện Vĩnh Tường có sự phát triển kinh doanh buôn bán tương đối lớn, một số thương nhân mua bán mạnh ra bên ngoài để thực hiện việc thu gom hàng hóa xuất khẩu.

Phối cảnh dự án Khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và khu đô thị Thương mại thuộc huyện Vĩnh Tường

Nhưng để nói về sự cần thiết để xây một kho vận lớn, xây dựng khu đô thị thương mại lại là vấn đề khác, cần sự lý giải đầy đủ của các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Nếu xây kho vận với chợ thì là bình thường, như kho vận lại kèm khu đô thị thương mại thì lại là vấn đề khác. Cần làm rõ vì sao lại xây khu đô thị tại đó, phục vụ cho đối tượng nào, hay mục đích thương mại của chủ đầu tư hay còn mục đích nào khác".

Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia trên, khu Vĩnh Tường đất ruộng trồng lúa là chính, tương đối phát triển, nên nhu cầu mua bán đất đai, nhà cửa nhiều.

Nhưng để chuyển đổi từ đất canh tác sang đất đô thị là cả một quá trình cần quyết nghị của các cơ quan có thẩm quyền, nằm trong quy hoạch tổng thể của tỉnh.

Thế nhưng, được biết, từ năm 2017, các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc đã ra hàng loạt quyết định, thông báo thu hồi đất, quyết định giao đất cho nhà đầu tư. Hiện nay, dự án được giao đất đợt 1 với diện tích 12,2 ha/40 ha đã bồi thường GPMB.

Trong khi, mới đây ngày 23/7/2018, Thủ tướng Chính phủ mới có văn bản đồng ý cho UBND tỉnh Vĩnh Phúc chuyển mục đích sử dụng 183,61 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp theo đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trong đó, có 110 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án Khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và KĐT thương mại Vĩnh Tường.

"Đây là điều vi phạm của cơ quan quản lý địa phương, không hợp lệ trong quy trình xin phép để biến đất nông nghiệp thành đất khu đô thị, không phù hợp quy hoạch chung của thành phố.

Quy định chuyển hóa đất nông nghiệp thành đất ở rất chặt chẽ, trong khoảng thời gian năm 2012-2013 Chính phủ đã quy định rõ ràng, việc chuyển đất nông nghiệp thành đất ở ở một giới hạn nhất định, chính quyền địa phương không được phép tự động chuyển hóa.

Cho nên việc để chủ đầu tư giải phóng mặt bằng là không phù hợp quy hoạch; chuyển hóa đất không đúng quy định của Luật pháp. Việc xây dựng với cách thức như vậy rõ ràng tiến hành xây dựng không phép.

Rõ ràng địa phương phải xử lý sai phạm. Nhưng trường hợp này địa phương giải quyết rất khó nên cần tới Thanh tra Chính phủ", ông Thịnh nhận định.

Cần sự vào cuộc của Thanh tra Chính phủ

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề trên, PGS.TS Nguyễn Văn Nam - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thương mại cho rằng, việc làm tổ hợp như vậy hợp với các địa phương là cách hài hòa lợi ích cho chủ đầu tư, lấy cái này bù cái kia.

Hiện trường xây dựng dự án. Ảnh Kinh tế nông thôn

Khu đô thị thương mại xây nhà ở thì ít nhiều cũng có lãi, xây chợ thì sau này quản lý chợ vẫn thu hồi được vốn, nhưng xây kho vận thì chưa chắc, nên họ làm bài toán tổ hợp, dù gì vẫn có lãi.

Đất nông nghiệp theo quy định cứ trên 10ha đất nông nghiệp là phải làm hồ sơ đưa lên Bộ TN-MT sau đó xin ý kiến Thủ tướng mới được phép chuyển đổi mục đích sử dụng, nếu được duyệt thì mới triển khai dự án từ khâu đấu thầu.

"Chủ đầu tư dự án trên hơi vội vã, khi chưa có quyết định của Thủ tướng đã triển khai thu hồi đất, đền bù, dẫn tới vi phạm.

Các cơ quan chức năng địa phương cần phải chịu trách nhiệm về sự cố trên, để xử lý cần sự vào cuộc của Thanh tra Chính phủ", ông Nam khẳng định.

Châu An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/du-an-hon-186ha-lam-nguoc-quy-trinh-can-lam-ro-3362823/