Dự án hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam lớn nhất của USAID bắt đầu xét duyệt đợt hỗ trợ thứ 2

Gần 700 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể… đã đăng ký nhận các gói hỗ trợ kỹ thuật của dự án USAID IPSC cho đợt xét duyệt nhận hỗ trợ thứ 2 trong năm 2022. Đợt xét duyệt tiếp theo sẽ bắt đầu từ ngày 1-11-2022. Để sớm nhận được hỗ trợ từ dự án, các doanh nghiệp cần phải đăng ký sớm.

Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID IPSC), với tổng ngân sách 36 triệu đô la Mỹ, hiện là dự án hỗ trợ kỹ thuật dành cho khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam lớn nhất của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19, nâng cao năng lực về quản trị, công nghệ, tiếp cận tài chính, đổi mới sáng tạo, tiếp cận thị trường và thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. IPSC đặt mục tiêu hỗ trợ 5.000 doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng.

Với mục tiêu nâng cao năng lực quản trị, công nghệ, tài chính… cho doanh nghiệp, dự án cung cấp 6 gói hỗ trợ miễn phí chuyên biệt và nâng cao theo thách thức và nhu cầu của từng đơn vị, gồm: gói “Thích ứng & Tăng trưởng”, gói “Mở rộng thị trường”, “Nâng tầm giá trị Việt”, “Tăng cường năng lực tài chính”, “Số hóa hoạt động doanh nghiệp”, gói hỗ trợ “Giá trị Việt Nam – vươn ra thế giới” cho doanh nghiệp tiên phong. Mỗi doanh nghiệp được phép đăng ký tối đa 2 gói hỗ trợ. Trong quá trình tham gia, các doanh nghiệp đều được trực tiếp đào tạo, hướng dẫn bởi các các chuyên gia tư vấn hàng đầu Việt Nam và các công ty tư vấn phát triển doanh nghiệp uy tín trong nước và quốc tế.

Dự án chia thành nhiều đợt xét duyệt nhận hỗ trợ khác nhau trong năm, gồm đợt 1 là trong tháng 4-2022, đợt 2 là tháng 7-2022 và đợt xét duyệt tiếp theo sẽ là tháng 11-2022.

Tính đến ngày 30-6, đã có gần 700 doanh nghiệp Việt đã đăng ký tham gia các gói hỗ trợ của dự án. Trong đó, gói hỗ trợ “Mở rộng thị trường” đã nhận được gần 400 lượt doanh nghiệp đăng ký tham gia, đứng đầu trong mối quan tâm của doanh nghiệp trong thời kỳ hậu Covid. Gần 300 lượt doanh nghiệp đăng ký gói hỗ trợ “Tăng cường năng lực tài chính”; gần 200 lượt doanh nhiệp đăng ký gói “Thích ứng & Tăng trưởng”, 150 lượt doanh nghiệp đăng ký gói “Số hóa hoạt động doanh nghiệp”, và 150 doanh nghiệp quan tâm đến gói hỗ trợ “Nâng tầm giá trị Việt”.

Đặc biệt đã có gần 180 doanh nghiệp quan tâm đăng ký nhận gói hỗ trợ dành cho doanh nghiệp tiên phong, có sản phẩm “Giá trị Việt”, được thiết kế riêng theo nhu cầu và thách thức của từng doanh nghiệp, nhằm đưa sản phẩm Việt Nam ra thế giới.

Các doanh nghiệp tham gia Workshop chuyên đề thương mại quốc tế và dịch vụ logistics, trong khuôn khổ dự án USAID IPSC tổ chức vào tháng 5.

Các doanh nghiệp vượt qua đợt xét duyệt đợt 1 đã và đang tham gia các hỗ trợ liên tục của dự án trong nhiều tháng qua, bao gồm các sự kiện đào tạo và tập huấn cơ bản và nâng cao, thực hành nhóm, hội thảo kết nối các nhà cung cấp giải pháp, phân tích và đối thoại chính sách, tham gia các sự kiện kết nối thị trường. Đặc biệt, tại các buổi tư vấn 1-1, các chuyên gia đã trực tiếp thảo luận, đưa ra tư vấn phù hợp với tình hình và định hướng cụ thế của từng doanh nghiệp.

Anh Nguyễn Hồ Chính Ngư, đại diện Ngư Long fishery JSC, một doanh nghiệp tham gia dự án, chia sẻ: “Thời điểm này, các doanh nghiệp đang thích ứng với bối cảnh sau Covid-19, tập trung vào đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển nguồn nhân lực. Cảm ơn các chuyên gia của dự án đã nhận diện được các vấn đề, đưa ra giải pháp và tư vấn, cùng những hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp tham gia”.

Đơn cử, mới đây nhất, trong khuôn khổ gói hỗ trợ “Mở rộng thị trường” cho các doanh nghiệp Việt, sau khóa đào tạo 5 tuần với chủ đề: “Thương mại điện tử – tính tất yếu trong thời đại 4.0”, dự án đã tổ chức sự kiện Kết nối kinh doanh với sàn thương mại điện tử, mời tới hai đại diện Amazon Global Selling và Shopee. Các chuyên gia Amazon Global Selling, Shopee đã trực tiếp “thăm khám” từng gian hàng của doanh nghiệp, phân tích các chỉ số kinh doanh, từ đưa ra nhận xét và lời khuyên cụ thể, từ chiến lược giá, tiềm năng thị trường, đến thay đổi bộ nhận diện, cách sắp xếp sản phẩm trên trang.

Dự án USAID IPSC cũng thường xuyên tổ chức các hội thảo trực tiếp đến từng địa phương để hỗ trợ, kết nối cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội. Trong hội thảo về phòng tránh rủi ro trong giao kết hợp đồng thương mại quốc tế được tổ chức tại Hải Phòng, Trọng tài viên, Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, ông Ngô Khắc Lễ, và Cố vấn cấp cao của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), ông Nguyễn Tương đã trực tiếp hướng dẫn các doanh nghiệp logistics tại đây các nghiệp vụ vận tải để phòng tránh rủi ro, giải quyết tranh chấp. Hay mới nhất, tập huấn “Cải tiến công nghệ, thiết kế bao bì nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp” được tổ chức tại Đồng Nai với nhiều doanh nghiệp, hiệp hội địa phương tham gia.

Doanh nghiệp hãy tìm hiểu và đăng ký gói hỗ trợ của Dự án USAID IPSC tại http://ipsc.vn.

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/du-an-ho-tro-khu-vuc-kinh-te-tu-nhan-viet-nam-lon-nhat-cua-usaid-bat-dau-xet-duyet-dot-ho-tro-thu-2/