Dự án gây thất thoát hàng ngàn tỷ vẫn được nương nhẹ!

Vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận khẳng định Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) có nhiều hành vi vi phạm pháp luật, tuy nhiên kết luận thanh tra vẫn có ý nương nhẹ khi không quy trách nhiệm cá nhân cũng như không chỉ rõ hậu quả thất thoát nghiêm trọng của từng hành vi…

Ảnh: K.C

Trong suốt 3 tháng cuối năm 2016 và nửa đầu năm 2017, Báo NNVN đã liên tục triển khai nhiều loạt bài điều tra vạch ra những sai phạm gây đội vốn, thất thoát tài sản Nhà nước trên 2.000 tỉ đồng của Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm đoạn Nhổn – Ga Hà Nội.

Chia thầu gây thất thoát 6,5 triệu euro

Để thực hiện Dự án, MRB đã kí hợp đồng Tư vấn trọn gói với Cty Systra, tuy nhiên trong quá trình triển khai đã điều chỉnh tăng giá trị hợp đồng trọn gói thêm 6,5 triệu euro. Viện dẫn lý do để tăng giá trị gói thầu tư vấn MRB cho rằng do số lượng gói thầu từ 4 gói ban đầu đã được chia thành 9 gói thầu khác nhau nên khối lượng công việc của gói thầu tư vấn phát sinh.

Kết luận, Thanh tra Chính phủ khẳng định nội dung này không phù hợp cho việc điều chỉnh tăng chi phí của hợp đồng do phạm vi công việc không thay đổi. Vì việc lập kế hoạch đấu thầu dự án, trong đó phân chia ra bao nhiêu gói thầu là công việc của Tư vấn Systra và đã được quy định rõ trong điều khoản hợp đồng. Việc phân chia các gói thầu của hợp đồng trọn gói đối với hạng mục xây lắp và thiết bị chính của dự án, chia thành 4 gói thầu lớn phù hợp với quy mô kĩ thuật và nguồn vốn đầu tư là Nhà ga Depot, cầu cạn, thiết bị, phần ngầm (riêng gói cầu cạn chia ra không ít hơn 3 gói thầu nhỏ). Ngoài ra còn có gói thầu khác được tính đến trong quá trình thực hiện dự án.

Mặc dù khẳng định lý do MRB đưa ra để gia tăng giá trị gói thầu là không đúng nhưng Thanh tra Chính phủ đã không chỉ ra nguyên nhân cốt lõi làm tăng 6,5 triệu Euro trong giá trị gói thầu là do MRB cố tình “cho” đơn vị tư vấn Systra trong bối cảnh đơn vị này không hoàn thành nhiệm vụ thiết kế kĩ thuật. Việc này trước đó chính UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu giảm trừ khối lượng thiết kế kĩ thuật của tư vấn Systra và đương nhiên phải giảm trừ kinh phí cho nhiệm vụ thiết kế kĩ thuật.

Chưa hết, Thanh tra Chính phủ cũng chưa chỉ ra việc lập, thẩm định và phê duyệt dự toán điều chỉnh cho hợp đồng trọn gói là không đúng quy định của pháp luật. Bởi lẽ, Dự toán điều chỉnh cho hợp đồng trọn gói lại được xây dựng dưới hình thức hợp đồng thời gian và thống kê cả nhân sự đang làm việc tại Paris. Với những nhân sự ở ngoài lãnh thổ MRB không thể quản lý được. Nội dung này, Bộ Xây dựng cũng đã khẳng định đây không thể là dự toán để xem xét cho việc điều chỉnh hợp đồng trọn gói nhưng MRB đã bỏ qua và vẫn tiến hành phê duyệt bất chấp quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho đất nước số tiền tương đương 180 tỉ đồng.

Nhà thầu đòi phạt hợp đồng 40 triệu USD

Ngày 30/10/2015, MRB và Liên danh Huyndai E&C Ghella S.p.A (JV) đã kí Hợp đồng thi công Hầm và các ga ngầm khi chưa có mặt bằng để đảm bảo cho việc thi công theo hợp đồng đã kí với các nhà thầu. Ngày 6/9/2016, Nhà thầu JV có văn bản đề xuất bổ sung chi phí điều chỉnh thời gian hoàn tất là 25.633.800 USD; bổ sung chi phí điều chỉnh thứ tự công việc là 3.727.000 USD; bổ sung chi phí chậm trễ là 11.067.000 USD. Tổng chi phí bổ sung là 40.427.800 USD. Theo Thanh tra Chính phủ, việc kí hợp đồng khi chưa có mặt bằng dẫn đến nhà thầu yêu cầu bổ sung chi phí đã vi phạm khoản 3 điều 64, Luật Đấu thầu và là lỗi của Chủ đầu tư MRB.

Tuy nhiên cơ quan thanh tra chỉ quy trách nhiệm chung chung thuộc lãnh đạo của MRB qua các thời kì, các đơn vị thuộc MRB và tập thể, cá nhân có liên quan mà không chỉ ra bất cứ cá nhân nào phải chịu trách nhiệm chính trong khi riêng khoản thất thoát này lên tới gần ngàn tỉ đồng.

Như Báo NNVN đã từng phản ánh, dự án đường sắt trên cao tuyến Nhổn – Ga Hà Nội gồm 9 gói thầu, trong đó nhiều gói thầu đã và đang liên tục bị đội giá. Mỗi năm TP Hà nội lại ra quyết định điều chỉnh kế hoạch cho các gói thầu, thâm chí có gói thầu điều chỉnh tới vài lần trong một năm. Mỗi lần điều chỉnh lại mất thêm cả trăm tỉ đồng. Tính đến ngày 28/6/2013 tổng vốn đầu tư dự án đã tăng lên thành 1.175,70 triệu Euro so với mức khái toán ban đầu là 783 triệu Euro (khoảng 18.408 tỉ đồng). Chênh lệch đội giá là 392 triệu Euro và nếu quy đổi theo thời giá khi đó: 1 Euro = 27.000 đồng thì số tiền phải bổ sung cho dự án khoảng trên 10 ngàn tỉ đồng. Con số đội giá này chưa tính giá trị phạt hợp đồng của Nhà thầu JV, chưa tính chi phí phải thu hồi thêm đất mở rộng mặt bằng các nhà ga so với thiết kế ban đầu, chưa tính những chi phí sẽ còn phát sinh cho đến năm 2023…

Vi phạm pháp luật là có. Thiệt hại nghiêm trọng do mỗi hành vi vi phạm pháp luật gây ra có khi lên đến hàng ngàn tỉ. Vậy tại sao Thanh tra Chính phủ không chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra?

KIÊN CƯỜNG

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/du-an-gay-that-thoat-hang-ngan-ty-van-duoc-nuong-nhe-post220433.html