Dự án gang thép nghìn tỉ bị chuyển cơ quan điều tra: TISCO đang phải phải đối mặt với tình trạng tài chính xấu như thế nào?

Do sụt giảm nghiêm trọng năng lực tài chính, niềm tin của các ngân hàng, giảm năng lực cạnh tranh trên thị trường nên hàng tháng TISCO phải đối mặt với một loạt vấn đề tài chính nghiêm trọng. Điều này có nghĩa rằng cánh chim đầu đàn một thời của ngành thép Việt Nam thực sự không còn cánh để bay, hàng nghìn công nhân sẽ lâm cảnh thất nghiệp.

Dự án cải tạo mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2005, giao Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) tổ chức thẩm định, xem xét phê duyệt; Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) là chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư được Hội đồng quản trị VNS phê duyệt là 3.843 tỷ đồng (242,5 triệu USD).

Một hạng mục tại dự án gang thép nghìn tỉ bỏ hoang hóa. (ảnh: HC)

Một hạng mục tại dự án gang thép nghìn tỉ bỏ hoang hóa. (ảnh: HC)

Do dự án bê trễ, cạnh tranh khốc liệt của thị trường thép trong nước, thị phần của TISCO giảm từ 18% xuống còn 14,2% trong giai đoạn từ 2013 đến tháng 6/2018.

Thông tin từ TISCO cho thấy, từ năm 2011 đến nay TISCO đã phải dùng nguồn vốn ngắn hạn để trả lãi và gốc vay của dự án “chết yểu” cho các ngân hàng. Số liệu cho thấy đến thời điểm 31/5/2018 số tiền phải trả gốc và lãi ở dự án sai phạm cho các ngân hàng là 1.313 tỉ đồng.

Báo cáo của TISCO cho thấy từ đầu năm 2017 nợ vay cho dự án (giai đoạn 2) đến hạn trả nợ gốc và lãi mỗi tháng phải trả cho ngân hàng khoảng 47 tỉ đồng.

Hiện tại ngân hàng cho vay vốn ngắn hạn phục vụ sản xuất kinh doanh đã đánh giá khả năng tài chính của TISCO thấp. Do dự án sai phạm chưa có hướng mở nên các ngân hàng đều giảm hạn mức cho vay đối với TISCO. Đơn cử như Ngân hàng TMCP Quân đội giảm 200 tỉ, BIDV giảm 100 tỉ.

Do sụt giảm nghiêm trọng năng lực tài chính, niềm tin của các ngân hàng, giảm năng lực cạnh tranh trên thị trường, cộng với chi phí cao nên hàng tháng TISCO phải đối mặt với một loạt vấn đề tài chính nghiêm trọng như: Phải trả lãi vay vốn lưu động cho các ngân hàng thương mại lên đến 14- 15 tỉ đồng.

Được biết, các khoản vay của TISCO đầu tư dự án giai đoạn 2 từ các ngân hàng Vietinbank và VDB đều đã được tái cơ cấu nhiều lần. Thực tế là đến nay các khoản vay này đều có nguy cơ không trả được nợ khi đến hạn. Đến nay nợ của ngân hàng VDB là 300 tỉ đồng không trả được.

TISCO đang đứng trước nguy cơ bị chuyển sang nhóm nợ 5 bất kỳ lúc nào. Điều tồi tệ này xảy ra cũng đồng nghĩa với việc các ngân hàng dừng cấp tín dụng cho TISCO và doanh nghiệp này không có vốn để sản xuất.

Điều này có nghĩa rằng cánh chim đầu đàn một thời của ngành thép Việt Nam thực sự không còn cánh để bay, hàng nghìn công nhân sẽ lâm cảnh thất nghiệp.

Hà Châu

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/du-an-gang-thep-nghin-ti-bi-chuyen-co-quan-dieu-tra-tisco-dang-phai-phai-doi-mat-voi-tinh-trang-tai-chinh-xau-nhu-the-nao-20190227105116469.htm