Dự án FIRST: Tính ứng dụng cao

Dự án 'Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN)' (FIRST) là dự án đầu tiên do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ cho hoạt động KH&CN ở Việt Nam. Việc triển khai dự án này đã tiếp thêm động lực cho các doanh nghiệp (DN), viện nghiên cứu làm chủ nhiều công nghệ mới, có tính ứng dụng cao.

 Đoàn công tác tham quan một số giống lúa là kết quả của tiểu dự án

Đoàn công tác tham quan một số giống lúa là kết quả của tiểu dự án

Chế tạo nguyên liệu cho ngành điện tử

Mới đây, tại Bắc Kạn, đoàn giám sát, đánh giá kiểm tra của WB tại Việt Nam và Ban Quản lý Dự án FIRST, Bộ KH&CN đã làm việc với Nhóm hợp tác Hương Trà cùng triển khai tiểu dự án "Hoàn thiện quy trình công nghệ, dây chuyền thiết bị sản xuất, chế biến sản phẩm thạch anh dạng tinh thể chất lượng tối ưu dùng cho ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ vật liệu mới từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại Việt Nam" với sự đầu tư của Dự án FIRST.

Ông Hồ Viết Cầm - Giám đốc Công ty Cổ phần Hương Trà - cho biết, dự án được triển khai từ tháng 6/2017, đến nay, đã hoàn thành các mục tiêu đặt ra. Nhóm hợp tác đã làm chủ công nghệ chế tạo bột thạch anh từ nguồn nguyên liệu khoáng thạch anh trong nước. Đồng thời, thiết kế và cải tiến, chế tạo hệ thống dây chuyền thiết bị sản xuất, chế biến sản phẩm bột thạch anh có hàm lượng SiO2 lớn hơn hoặc bằng 99,25% với tổng công suất thiết kế 150.000 tấn/năm; sản xuất thử nghiệm 6.000 tấn sản phẩm/6 dòng modun bột thạch anh đạt tiêu chuẩn ứng dụng trong các ngành công nghiệp sản xuất linh kiện điện tử, vật liệu xây dựng, lọc hóa dầu...

Theo ông Phạm Văn Diễn - Cán bộ phụ trách Tiểu hợp phần 2b - Ban Quản lý Dự án First, với sự đầu tư của Bộ KH&CN và WB, nhóm hợp tác đã xây dựng được 2 nhà máy sản xuất các vật liệu từ đá thạch anh - nguyên liệu rất quan trọng trong sản xuất vật liệu xây dựng và trong lĩnh vực công nghiệp điện tử. Thay vì sử dụng hóa chất và các công nghệ khác, nhóm đã sử dụng công nghệ vi sinh để làm sạch các chất bám trên tinh thể thạch anh và đưa ra 6 loại sản phẩm, đạt được các chỉ tiêu về công nghệ tương đương quặng nhập khẩu của các nước trên thế giới.

Làm chủ công nghệ chọn tạo giống

Đoàn công tác của Ban Quản lý Dự án FIRST cũng đã đến tham quan, đánh giá một số dòng/giống lúa trồng khảo nghiệm tại Nam Định. Đây là kết quả của tiểu Dự án "Nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ công nghệ genom học và công nghệ chọn giống ứng dụng chỉ thị phân tử để chọn tạo các giống lúa kháng đa yếu tố ứng phó với biến đổi khí hậu" do Viện Di truyền Nông nghiệp triển khai dưới sự hỗ trợ từ Dự án FIRST.

Triển khai thực hiện từ tháng 6/2017, đến nay, nhóm nghiên cứu đã làm chủ công nghệ genom học, nghiên cứu toàn hệ gen (GWAS); xác định các gen và phát triển các chỉ thị phân tử liên kết với các gen đích, ứng dụng trong chọn giống lúa; làm chủ công nghệ chọn tạo giống lúa kháng đa yếu tố bằng phương pháp MABC, tích hợp các gen chống chịu vào các giống lúa đang trồng đại trà, nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, đã tạo ra 3 giống lúa quốc gia; 4 giống lúa sản xuất thử và 14 - 15 dòng triển vọng có năng suất cao, chất lượng tốt, được tích hợp các gen kháng với đa yếu tố.

Ông Phạm Xuân Hội - Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp - khẳng định, các giống trên có ưu điểm là mang các gen chịu mặn, hoặc gen kháng bạc lá, chống chịu sâu bệnh và bất lợi của ngoại cảnh, có năng suất và chất lượng cao. Thông qua việc triển khai tiểu dự án do Dự án FIRST đầu tư, Viện đã có cơ hội nâng cao tiềm lực như cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nguồn nhân lực.

Ông Trần Quốc Thắng - nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN, Trưởng Ban Giám sát và đánh giá của Dự án FIRST:
Thành công bước đầu trong việc thực hiện Dự án FIRST đã khẳng định sự lựa chọn, đầu tư đúng đối tượng của dự án, đồng thời khẳng định quyết tâm và năng lực nghiên cứu của các đơn vị.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/du-an-first-tinh-ung-dung-cao-121446.html