Dự án đường ven biển tại địa bàn xã Quảng Xuân: Có hay không việc cản trở thi công?

Lợi dụng sự chưa hiểu hết mặt tích cực của dự án, các đối tượng xấu đã đưa ra thông tin một chiều và ngấm ngầm chỉ đạo kích động người dân tại thôn Xuân Hòa, xã Quảng Xuân (Quảng Trạch) có hành vi cản trở, đưa ra yêu sách nhằm mục đích phản đối việc thi công dự án đường ven biển đi qua thôn Xuân Hòa. Do vậy, đường ven biển đoạn qua địa phương này vẫn chưa thể thực hiện được, nguy cơ chậm tiến độ và tiềm ẩn gây mất an ninh trật tự.

Dự án thành phần 1-đường ven biển thuộc dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, tỉnh Quảng Bình. Đoạn đi qua huyện Quảng Trạch có chiều dài tuyến khoảng 10km, đi qua 3 xã (Quảng Xuân dài 6,4km; Quảng Tùng dài 1km và Quảng Hưng dài 2,6km). Với tổng mức đầu tư là 1.297 tỷ đồng, tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h. Mục tiêu nhằm tạo sự liên kết giữa các tỉnh Bắc Trung bộ; khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên biển và vùng ven biển, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, thu hút đầu tư, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền của đất nước; phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; góp phần giải quyết ách tắc giao thông.

Không cần nói ra thì ai ai cũng hiểu lợi ích khi dự án mang lại, bởi đây chính là cơ hội, là hy vọng cho làng chài Xuân Hòa phát triển giàu mạnh trong tương lai. Những con thuyền cập bến, những chuyến xe chở đầy cá, tôm dọc con đường ven biển đi khắp mọi nơi. Con đường ven biển sẽ như vành đai bao bọc lấy làng trước nắng gió, bão giông; bà con sẽ không phải lo lắng cho thuyền cá không có nơi cập bến, càng bớt thấp thỏm lo âu vì con sóng dữ sẽ lấy mất bãi cát bồi ven làng. Với vẻ đẹp của bãi cát trắng ven biển, hàng dương xanh, du lịch ven biển cũng sẽ chắc chắn mang lại nguồn lợi kinh tế cho con em Xuân Hòa sau này.

Các cấp chính quyền địa phương, ban, ngành và đơn vị liên quan triển khai quyết liệt để dự án sớm được thực hiện, cùng với đó là tạo sự đồng thuận trong nhân dân và bảo đảm quyền lợi của chính những người được hưởng lợi của dự án. Những băn khoăn, nghi ngại về tác động của dự án có nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống, mưu sinh của người dân cũng đã được các cấp chính quyền, cơ quan, ban, ngành và đơn vị liên quan đối thoại, giải đáp rất công khai, minh bạch. Đặc biệt, bản thiết kế thi công dự án vừa bảo đảm tính khoa học, thực tế, vừa thuận tiện cho sinh hoạt của người dân địa phương.

Dự án đường ven biển sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân vươn khơi, bảo vệ tàu thuyền và thu mua hải sản.

Dự án đường ven biển sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân vươn khơi, bảo vệ tàu thuyền và thu mua hải sản.

Người dân lo ngại khi đường được mở sẽ gây cản trở cho việc neo đậu tàu thuyền và khó khăn cho ngư dân trong mỗi lần ra khơi. Tuy nhiên, với giải pháp thiết kế được trình bày cụ thể, người dân công khai tiếp cận để tìm hiểu. Tính thiết thực của kết cấu công trình sẽ thuận tiện cho người dân đi ra biển, neo đậu tàu thuyền, mua bán hải sản. Thiết kế cản sóng của mái taluy sẽ giảm được hiện tượng sóng biển đánh tràn vào mùa mưa.

Để bảo đảm quyền lợi, đề xuất chính đáng của người dân, các ban, ngành và đơn vị liên quan đã tính toán đưa ra nhiều phương án điều chỉnh, giảm bớt những tác động tiêu cực, yếu tố gây ảnh hưởng xấu đến đời sống, sinh hoạt và sinh kế của người dân địa phương khi dự án đường ven biển được triển khai. Điều đó thể hiện rõ tính cầu thị, vì nhân dân của các ngành, các cấp và chính quyền địa phương với quyết tâm để triển khai thực hiện dự án. Tuy nhiên, bằng sự ngấm ngầm chống đối, một số đối tượng đã ép buộc người dân đưa ra những “yêu sách” không khác gì “đánh đố”, cố tình làm khó cơ quan chức năng.

Kể từ khi triển khai thi công (ngày 24/1/2022) đến nay, phần lớn dự án đã được đẩy nhanh nhằm hoàn thành đúng tiến độ. Tuy nhiên, đoạn Nam Roòn-Quảng Phúc có chiều dài 21,9km đang bị ngưng trệ do sự ngăn cản trái phép của người dân thôn Xuân Hòa. Cụ thể, đoạn đi qua địa bàn xã Quảng Xuân với chiều dài 6,4km, ảnh hưởng 4 hộ gia đình và 3 tổ chức, đã kiểm kê, kiểm đếm tài sản cho 2 hộ và 2 tổ chức thuộc thôn Thanh Bình và Xuân Kiều, còn lại 2 hộ gia đình và 1 tổ chức thuộc thôn Xuân Hòa chưa phối hợp kiểm kê, kiểm đếm.

Vì sao một dự án mang tầm quốc gia, phục vụ dân sinh và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương lại vấp phải sự cản trở, chống đối của người dân tại thôn Xuân Hòa? Phải chăng lợi ích đạt được của dự án kinh tế mang tính động lực quốc gia này đi ngược với sự phát triển của địa phương, ảnh hưởng đến quốc kế, dân sinh người dân thôn Xuân Hòa?

Thôn Xuân Hòa vốn dĩ là một làng chài ven biển, cuộc sống người dân gắn với biển cả. Hàng năm, bà con vẫn gồng mình đón gió bão; giao thông vẫn còn khó khăn, mọi hoạt động giao thương, buôn bán cũng vì thế mà hạn chế. Gần đây, một số ít bà con trong làng cũng vì nghề biển bấp bênh nên chọn hướng đi xuất khẩu lao động. Bà con Xuân Hòa trong mỗi câu chuyện thường nhắc đến việc bỏ biển, bởi cái nghề chài lưới nhiều gian truân, thu nhập thất thường và biển cả khó lường, hiểm nguy. Nhiều người bỏ biển, nhiều gia đình chuyển đổi nghề khác.

Điều đáng mừng chính là dự án sẽ cởi trói cho những khó khăn, tạo sự phát triển kinh tế và mang lại nhiều cơ hội cho người dân địa phương.

Lấy ví dụ như đường Hồ Chí Minh đã viết lên những thành tựu trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tuyến đường đi đến đâu, cuộc sống của đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng trước đây, đổi thay đến đó và chẳng có nơi nào vì “điều này”, “điều kia” để yêu sách, đòi hỏi, vì lợi ích cá nhân. Cả nước cùng đồng lòng, chung sức và biết bao câu chuyện cảm động từ việc hiến đất, hiến công để tạo nên hình hài con đường huyền thoại. Đó là những minh chứng rõ ràng nhất từ dự án, của việc khát khao kết nối kinh tế vùng vì sự phát triển chung của đất nước mà Đảng, Nhà nước đang nỗ lực quyết tâm thực hiện.

Nhắc lại chuyện thi công hệ thống thủy lợi Rào Nan (xã Quảng Sơn, TX. Ba Đồn). Mục đích rõ ràng nhất của công trình này là góp phần bảo đảm nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cho 22 xã ở hạ lưu sông Gianh thuộc TX. Ba Đồn và huyện Quảng Trạch. Ngoài ra, công trình còn góp phần cải thiện môi trường sinh thái, an toàn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất tập trung, nâng cao giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích canh tác; đặc biệt, dự án cũng có công năng điều tiết lũ... Thế nhưng, một số đối tượng xấu đã tung tin bịa đặt gây hoang mang cho người dân địa phương, rằng công trình sẽ là "quả bom nguyên tử nước" đe dọa cuộc sống của hàng vạn người dân thuộc các xã hạ lưu đập. Lợi dụng tình hình, một số linh mục cực đoan trên địa bàn TX. Ba Đồn đã xuyên tạc, kích động người dân tụ tập, gây rối trật tự công cộng, cản trở thi công dự án.

Tuy nhiên, trong quá trình vận động, tuyên truyền, người dân ở đây đã thấy được lợi ích chung, bởi mục tiêu dự án đặt ra hết sức ý nghĩa, mang tính nhân văn và vì quốc kế, dân sinh rất rõ ràng. Từ đó, bà con rất đồng thuận. Đến nay, công trình đã cơ bản hoàn thành và khẳng định là một chủ trương đúng đắn nhằm phục vụ lợi ích cho người dân cũng như góp phần phát triển kinh tế vùng. Những kẻ cơ hội, kích động và chống đối, những nhà “dân chủ”, “bảo vệ môi trường”... bây giờ thì lặng im, luận điệu xuyên tạc của các đối tượng xấu này cũng không còn tác dụng, bởi tính thiết thực của dự án mang lại, người dân thấy rõ được bản chất của chúng.

Thế nên, hãy tỉnh táo để nhận diện, đừng a dua, cảm tính từ đám đông, bởi điều này không tạo động lực cho sự phát triển, mà còn gây ra trở ngại, kéo lùi sự phát triển và còn là hành vi trái pháp luật. Những bài học của lịch sử đã xảy ra. Tin rằng, mảnh đất có truyền thống cách mạng và những người con Xuân Hòa, với lòng người hiền hòa, chăm chỉ làm ăn cùng khát khao đổi mới, sẽ không bị kẻ xấu lôi kéo, dẫn dắt rồi trở thành con rối trong ý đồ cá nhân của họ.

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/phap-luat/202303/du-an-duong-ven-bien-tai-dia-ban-xa-quang-xuan-co-hay-khong-viec-can-tro-thi-cong-2208039/