Dự án đường vành đai V Thái Nguyên: Tạo 'cú hích' hạ tầng

Dự án đường vành đai V Thái Nguyên nằm trong quy hoạch đường vành đai V - vùng Thủ đô Hà Nội...

Quy hoạch đường vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội sẽ kết nối 8 tỉnh xung quanh Hà Nội(Trong ảnh: Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên) - Ảnh: K.Linh

Quy hoạch đường vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội sẽ kết nối 8 tỉnh xung quanh Hà Nội(Trong ảnh: Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên) - Ảnh: K.Linh

Dự án vành đai V Thái Nguyên là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh, tạo thành trục chính giữa tổ hợp khu đô thị, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ Yên Bình (Tổ hợp Yên Bình) sẽ rút ngắn thời gian, quãng đường từ Thủ đô Hà Nội các tỉnh, thành khu vực miền Bắc đến với Thái Nguyên, thúc đẩy phát triển KTXH và thu hút đầu tư.

Sẵn sàng khởi công

Những ngày đầu tháng 10, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên (đơn vị chủ đầu tư dự án đường vành đai V Thái Nguyên) cho biết, hiện đã sẵn sàng cho lễ khởi công. dự án tuyến đường vành đai V Thái Nguyên.

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, dự án đường vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội được UBND tỉnh phê duyệt tháng 7/2017 (thực hiện trong giai đoạn 2017 - 2020), tổng vốn đầu tư 966,4 tỷ đồng. Dự án có chiều dài toàn tuyến 9,16km với điểm đầu thuộc địa phận xã Nga My, điểm cuối nối với nút giao Yên Bình. Bề rộng nền đường 33m, bề rộng mặt đường 24m, trên tuyến sẽ có cầu vượt sông Cầu và cầu Kênh Tây. Tổng diện tích đất thu hồi để phục vụ dự án là 40ha, khái toán kinh phí giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án trên 250 tỷ đồng.

Quy hoạch đường vành đai V có tổng chiều dài hơn 385 km (không bao gồm khoảng 41km đi trùng các đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long, Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai và QL3), đi qua địa giới hành chính của 36 quận, huyện, thành phố trực thuộc 8 tỉnh, thành: Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. Dự án có quy mô lớn, quan trọng và có nhiều ý nghĩa đối với sự phát triển KTXH và an ninh quốc phòng toàn vùng, của quốc gia, quốc tế.

“Đến thời điểm này, công tác GPMB cho dự án đã cơ bản hoàn tất, chỉ còn hơn 2ha trên tổng số 40ha cần GPMB đang chờ xây dựng các khu tái định cư để đưa các hộ dân sang. Công tác GPMB được rút ngắn tiến độ so với kế hoạch đề ra (dự kiến vào cuối năm nay)”, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên cho biết.

Đầu tháng 10, đơn vị chủ đầu tư đã hoàn tất các thủ tục lựa chọn nhà thầu thi công các gói thầu xây lắp số 01, 02, 03, 04 và chuẩn bị tổ chức bàn giao hiện trường để triển khai thi công. Cả 4 gói thầu này đều được đấu thầu rộng rãi trong nước, công khai, minh bạch, đúng quy trình. Có 4 nhà thầu trúng thầu là Liên danh Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng) - Công ty CP Xây dựng số 16 Thăng Long đã trúng thầu Gói thầu xây lắp số 01 thi công xây dựng đoạn Km 0+000 - 1+100 và cầu Xuân Phương; Liên danh Công ty CP Minh Trâm - Công ty TNHH Tân Thịnh trúng Gói thầu xây lắp số 02 thi công xây dựng đoạn Km 1+100 - 2+100; Liên danh Công ty CP Hải Đăng - Công ty TNHH Hoàn Hảo trúng gói thầu xây lắp số 03 thi công xây dựng đoạn Km 2+100 - 3+500; Liên danh Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Hải - Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hữu Huệ trúng thầu Gói thầu xây lắp số 04 Thi công xây dựng đoạn Km 3+500 - Km 4+753,41...

“Theo kế hoạch, công trình sẽ được triển khai thi công vào dịp kỷ niệm giải phóng Thủ đô Hà Nội và thành lập TP Thái Nguyên, công trình sẽ thi công và hoàn thành trong 18 tháng”, ông Quang Anh thông tin.

Điểm nhấn thu hút đầu tư

Dự án đường vành đai V Thái Nguyên nằm trong quy hoạch đường vành đai V - vùng Thủ đô Hà Nội là một công trình giao thông trọng điểm của địa phương và có tác động đến mọi mặt đời sống xã hội, thu hút đầu tư, phát triển KTXH của địa phương. Bởi, tuyến đường vành đai V Thái Nguyên đi trùng Đại lộ Đông - Tây sẽ là trục xương sống cho Khu tổ hợp Yên Bình rộng 8.000ha, nối QL37 với cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Dự án sẽ rút ngắn quãng đường từ huyện Phú Bình xuống đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên hiện gần 30km sẽ chỉ còn 10 km.

Trong Bản đồ quy hoạch đường vành đai V Thái Nguyên thì ngoài lợi thế từ cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Đại lộ Đông Tây, đường vành đai V còn nối QL37 tại thị trấn huyện Phú Bình với đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên tại nút giao Yên Bình. Đây sẽ là những lợi thế về giao thông vượt trội cho những dự án đang và sẽ triển khai tại tuyến đường vành đai V qua Thái Nguyên.

Thái Nguyên là cửa ngõ giao lưu KTXH giữa vùng trung du miền núi với vùng đồng bằng Bắc bộ; là cái nôi của nền công nghiệp; là một trong 3 trung tâm giáo dục, đào tạo lớn nhất cả nước. Từ năm 2009, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, coi đó là bước đột phá, là tiền đề trọng yếu để Thái Nguyên thu hút đầu tư, phát triển KTXH. Thực tế đã chứng minh, sau khi nâng cấp, mở mới nhiều tuyến giao thông, cùng các chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, minh bạch đã tác động trực tiếp đến môi trường đầu tư của Thái Nguyên, đưa địa phương thành điểm sáng của khu vực trung du, miền núi phía Bắc với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, cũng như việc thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thuộc top đầu các tỉnh thành Việt Nam…

Việc tuyến đường vành đai V Thái Nguyên được khởi công xây dựng và dự kiến hoàn thành vào năm 2020 sẽ tạo điểm nhấn quan trọng thể hiện tầm nhìn xa của Thái Nguyên trong chính sách thu hút đầu tư giai đoạn tới, giúp địa phương nhanh chóng đạt được các mục tiêu của Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đặt ra.

Hải Quỳnh

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/du-an-duong-vanh-dai-v-thai-nguyen-tao-cu-hich-ha-tang-d275032.html