Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông: Tính toán không chuẩn, có thể phá sản?

Theo ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), nếu tính toán không cẩn thận thì dự án đường sắt trên cao tại Hà Nội có thể phá sản chiến lược hóa xây dựng hệ thống giao thông công cộng.

Theo dự kiến, cuối năm 2018, công trình đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông sẽ đi vào vận hành chính thức. Tuy nhiên, công trình này cũng có nhiều lo ngại về tính hiệu quả cũng như chi phí vận hành quá lớn dẫn đến tình trạng “thu không đủ chi”, có thể đi theo “vết xe đổ” của dự án xe buýt nhanh BRT.

Bên hành lang Quốc hội, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đã có những ý kiến đa chiều về vấn đề này.

Dự kiến cuối năm 2018 công trình đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông sẽ đi vào vận hành.

Thưa đại biểu, ông đánh giá như thế nào về tính hiệu quả dự án đường sắt trên cao tại Hà Nội?

Để đánh giá về tính hiệu quả của dự án đường sắt trên cao thật sự rất khó, bởi nó chưa đi vào hoạt động, chưa biết được một ngày lưu lượng hành khách di chuyển được bao nhiêu, cụ thể giá vé thế nào,... Nếu biết được con số đó, sẽ đánh giá được mức độ tác động, lan tỏa của dự án.

Nhưng, có một điều chúng ta phải thừa nhận về tình trạng chung của các dự án công cộng được đầu tư công, chúng ta không chỉ đánh giá hiệu quả về mặt kinh tế, mà còn phải đánh giá bằng hiệu quả xã hội.

Nhưng, nếu dự án nào cũng kém hiệu quả kinh tế thì ngân sách lấy đâu để bù, thưa ông?

Những dự án đầu tư công buộc lòng phải thực hiện, như xe buýt hiện nay nhà nước vẫn phải bỏ tiền ra để trợ giá xe buýt, để phục vụ mục tiêu công cộng. Chỉ có điều, phải đánh giá xem số tiền mà chúng ta bỏ ra so với tổng thể thu về sẽ được là bao nhiêu?

Ở đây, câu hỏi mà mọi người đặt ra nhiều hơn về tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông đó là việc đội vốn lên nhiều lần và khả năng kết nối với hệ thống giao thông khác.

Bản thân ông kỳ vọng gì ở tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông?

Tôi nghĩ rằng, xây dựng đường sắt đô thị là điều tất yếu phải có, đối với Thủ đô Hà Nội và dân số khoảng 5 triệu người. Nếu không có hệ thống đường sắt công cộng đô thị thì không thể nào giải quyết được ách tắc giao thông.

Tuy nhiên, đường sắt đô thị đó phải được xây theo hệ thống mạng kết nối, như vậy mới tạo được quy trình khép kín của các phương tiện công cộng. Nếu chỉ xây dựng đơn độc một tuyến, dọc theo một trục Cát Linh – Hà Đông thì chỉ thu hút được một lượng người di chuyển theo hướng đó, chắc chắn công suất sử dụng chưa thể cao. Tôi hy vọng rằng, sau khi phát triển hệ thống này, phải có thêm hệ thống kết nối hoặc trong tương lai phải phát triển hệ thống công trình đường sắt công cộng khác, khi đó mới phát huy được hiệu quả.

Theo ĐBQH Hoàng Văn Cường, trong tương lai phải phát triển thêm hệ thống công trình đường sắt, công cộng khác thì mới phát huy được hiệu quả.

Như lời ông nói thì hiện nay nhà nước vẫn phải trợ giá cho công trình giao thông công cộng như xe buýt. Và dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông dù chưa đi vào hoạt động nhưng đang vướng phải vấn đề "thu không đủ chi", đội vốn... Điều này, có làm phá sản chiến lược hóa xây dựng hệ thống giao thông công cộng ở các thành phố lớn?

Hầu hết, ở các thành phố lớn trên thế giới đều phải thực hiện có sự đầu tư của Nhà nước vào các công trình giao thông công cộng. Đấy là nhiệm vụ của Nhà nước phải đầu tư, giao thông công cộng chính là đầu tư công.

Đúng là sẽ phá sản chiến lược hóa xây dựng hệ thống giao thông công cộng, nếu như chúng ta không đủ tiền, mà không lựa chọn được đúng đâu là dự án cần thiết, dự án cấp bách... thì dễ dẫn đến câu chuyện ngân sách bỏ ra nhưng không mang lại lợi ích cho người dân.

Đầu tư các công trình giao thông công cộng, theo tôi là điều cần thiết. Nhưng ở mức độ tuyến đơn lẻ tôi nghĩ tính hiệu quả sẽ hạn chế.

Xin cảm ơn ông!

Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông được bộ GTVT phê duyệt đầu tư vào năm 2008 với tổng mức đầu tư ban đầu là 552,86 triệu USD. Trong đó, vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 133,86 triệu USD. Đến năm 2016, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư là 868,04 triệu USD (tăng 315,18 triệu USD). Tính từ thời điểm khởi công đến nay, dự án trải qua gần 7 năm thi công. Theo tiến độ của bộ GTVT đặt ra, dự án đã kéo dài hơn 4 năm so với thời gian đặt ra ban đầu (chỉ kéo dài trong 3 năm). Theo tính toán của các chuyên gia, mỗi ngày chậm tiến độ, dự án phải trả lãi vay khoảng 1,2 tỷ đồng.

Dự án có chiều dài 13km, với 13 đoàn tàu, do công ty TNHH Trang thiết bị tàu điện ngầm Bắc Kinh (Trung Quốc) chế tạo. Mỗi đoàn tàu có bốn toa xe với tổng chiều dài 79m, trong đó toa đầu dài 20m, toa giữa dài 19,5m. Thời hạn hoàn thành của dự án được ấn định là cuối năm 2018.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/du-an-duong-sat-cat-linh-ha-dong-tinh-toan-khong-chuan-co-the-pha-san-a409524.html