Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng tiếp nhận vận hành

Chỉ còn ít ngày nữa, quy định về quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông của UBND TP Hà Nội sẽ chính thức có hiệu lực. Song đáng buồn là thời điểm dự án này cán đích... vẫn còn mông lung.

Tàu sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông trong một lần chạy thử nghiệm. Ảnh: Phạm Hùng

Tàu sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông trong một lần chạy thử nghiệm. Ảnh: Phạm Hùng

Sẵn sàng tiếp quản, vận hành

Ngày 19/10/2020, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký Quyết định số 25/2020/QĐ-UBND ban hành quy định về quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 2A Cát Linh – Hà Đông. Quyết định sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 29/10/2020, với những quy định cụ thể, chi tiết cho từng lĩnh vực liên quan đến dự án như công tác vận hành khai thác; điều hành giao thông vận tải; quản lý tài chính trong hoạt động kinh doanh; chính sách trợ giá; giải quyết sự cố, tai nạn giao thông; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm... Đặc biệt, Quyết định số 25/2020/QĐ-UBND cũng đã giao rõ trách nhiệm trong công tác quản lý, vận hành tuyến đường sắt trên cho từng cơ quan, đơn vị thực hiện.Trong đó, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) được giao tiếp nhận, quản lý, khai thác và vận hành, bảo trì đường sắt đô thị theo quyết định của UBND TP. Chủ động xây dựng phương án quản lý, khai thác, kinh doanh để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sở GTVT Hà Nội có nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra Metro Hà Nội thực hiện quy định về quản lý đường sắt đô thị, đảm bảo an toàn, hiệu quả. Công an TP Hà Nội chủ trì phối hợp với lực lượng Thanh tra Sở GTVT và UBND các quận liên quan tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm về an ninh, trật tự và ATGT đường sắt đô thị theo quy định pháp luật. Sở KH&ĐT chủ trì cân đối, bố trí vốn hàng năm trong ngân sách TP để phục vụ sửa chữa, bảo trì hệ thống đường sắt đô thị... Ngoài ra, nhiều sở, ngành và 4 quận có đường sắt Cát Linh – Hà Đông đi qua cũng được giao các nhiệm vụ, công việc cụ thể trong quản lý, phục vụ khai thác vận hành tuyến bảo đảm an toàn, hiệu quả. Các chuyên gia đánh giá, Quyết định số 25/2020/QĐ-UBND thể hiện rõ sự chủ động, tích cực và trách nhiệm cao của TP Hà Nội trong công tác tiếp quản và khai thác tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Tất cả chỉ còn chờ đợi ngày dự án này cán đích.Nhưng vẫn phải... chờTrao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị ngày 22/10 về tiến độ triển khai dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, đại diện Bộ GTVT cho biết, hiện các chuyên gia của Trung Quốc đã sang Việt Nam và đang thực hiện công tác hoàn thiện các hạng mục còn lại của dự án. Còn một số chuyên gia khác sẽ sang Việt Nam trong thời gian tiếp theo, nhằm phục vụ công tác đánh giá an toàn hệ thống. Tuy nhiên, hiện đoàn chuyên gia tư vấn của Pháp vẫn chưa có mặt tại nước ta. Thậm chí, đến thời điểm hiện tại Bộ GTVT vẫn chưa xác định được lịch cụ thể đoàn chuyên gia này sẽ đến Việt Nam làm việc. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại, bởi dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông chỉ có thể đưa vào vận hành thương mại khi đã được đoàn chuyên gia Pháp đánh giá an toàn hệ thống. “Dự án đã cơ bản hoàn thành khối lượng thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị tại hiện trường. Câu chuyện là phải chờ các chuyên gia Pháp sang để đánh giá an toàn trong giai đoạn vận hành thử. Còn đưa vào khai thác thương mại phải căn cứ trên kết quả đánh giá” – đại diện Bộ GTVT nói.Trước câu hỏi về việc liệu đường sắt Cát Linh – Hà Đông có thể khai thác thương mại trong năm 2020 được không, vị đại diện này cho hay, chỉ khi nào vận hành thử toàn hệ thống và kết quả đánh giá an toàn hệ thống mới quyết định được. Đại diện Bộ GTVT khẳng định, liên quan đến dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, từ Chính phủ đến các bộ, ngành và TP Hà Nội đều cùng vào cuộc và rất rốt ráo, sát sao trong công tác chỉ đạo, điều hành, tháo gỡ những vướng mắc để sớm đưa dự án vào khai thác. “Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta không thể chủ động để quyết định được những vấn đề trên. Thật sự, chúng ta đều rất mong muốn và nỗ lực cao nhất để đưa dự án vào khai thác. Vừa đảm bảo hiệu quả đầu tư, vừa đáp ứng yêu cầu của Nhân dân và nhu cầu của xã hội” – vị đại diện này bày tỏ.

Có ý kiến cho rằng, thứ nhất, tại sao Bộ GTVT không tính đến phương án mời chuyên gia khác sang đánh giá an toàn hệ thống đường sắt Cát Linh – Hà Đông thay vì phải tiếp tục chờ đợi đoàn chuyên gia Pháp, nơi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và chưa biết rõ thời điểm nào đoàn chuyên gia này mới sang Việt Nam được. Tuy nhiên, đại diện Bộ GTVT khẳng định, chúng ta đã ký với đối tác đến từ nước Pháp. Thứ hai, đây cũng là đơn vị gần như là uy tín và kinh nghiệm nhất về vấn đề đánh giá an toàn hệ thống với các dự án đường sắt đô thị trên thế giới.

Quý Nguyễn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/du-an-duong-sat-cat-linh-ha-dong-chuan-bi-cac-dieu-kien-san-sang-tiep-nhan-van-hanh-399660.html