Dự án đường dây 500kV chậm tiến độ

Theo kế hoạch, thời gian hoàn thành Dự án (DA) đường dây 500kV Quảng Trạch - Dốc Sỏi và đường dây 500kV Dốc Sỏi - Pleiku 2 sẽ hoàn thành vào cuối năm 2020. Song, hiện nay việc đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn còn nhiều vướng mắc, khiến DA khó về đích đúng hẹn.

Dự án đường dây 500kV Quảng Trạch - Dốc Sỏi và đường dây 500kV Dốc Sỏi - Pleiku 2 (thuộc DA đường dây 500kV mạch 3) nhằm tăng cường năng lực truyền tải của lưới điện 500kV liên kết các miền của hệ thống điện quốc gia, góp phần đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam trong giai đoạn tới. Các DA này đi qua các tỉnh Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum. Trong đó, tại Quảng Ngãi, DA gặp nhiều vướng mắc.

Đường dây 500kV Dốc Sỏi – Pleiku 2 đi qua huyện Bình Sơn. ẢNH: PV

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia), các DA đường dây 500kV Quảng Trạch - Dốc Sỏi và đường dây 500kV Dốc Sỏi - Pleiku 2 đi qua các huyện Bình Sơn, Trà Bồng, Sơn Tịnh, Sơn Hà, Ba Tơ (Quảng Ngãi) đều gặp vướng mắc. Tại huyện Bình Sơn, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Bình Sơn đang trình UBND huyện Bình Sơn phê duyệt phần móng (còn 4 vị trí) và phần hành lang tuyến về bồi thường, hỗ trợ nhà, phương án tái định cư cho các hộ dân có nhà phải di dời ra khỏi hành lang lưới điện theo quy định.

Tại huyện Trà Bồng, hiện vẫn chưa phê duyệt phương án bồi thường hành lang tuyến. Huyện Sơn Tịnh chưa ban hành quyết định vị trí, loại đất trong hành lang tuyến trên địa bàn xã Tịnh Hiệp; có 24 chuồng trại chăn nuôi trong hành lang tuyến xây dựng trên đất nông nghiệp không đúng mục đích sử dụng đất, chính quyền đang vận động hộ dân tháo dỡ, nhưng hiện mới có 2/24 hộ thống nhất. Phương châm của huyện Sơn Tịnh là kiên trì thuyết phục, vận động người dân tự nguyện tháo dỡ, khi nào không được mới thực hiện biện pháp cưỡng chế. Tại huyện Ba Tơ, còn 90 hộ dân chưa thẩm định phương án bồi thường phần móng trụ và hành lang tuyến, do chưa có quyết định phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất nông nghiệp.

Thời gian thi công DA không còn nhiều, nhưng khối lượng công việc còn lại rất lớn (40% tổng khối lượng toàn DA). Đây cũng chính là phần khó khăn nhất, chủ đầu tư cần sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương để có mặt bằng đẩy nhanh tiến độ thi công.

Tại Quảng Ngãi, từ khi triển khai thực hiện DA này, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp, ra nhiều văn bản chỉ đạo, song các vướng mắc vẫn chưa được giải quyết triệt để. Theo Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh Tạ Công Dũng, nguyên nhân vướng mắc chủ yếu là người dân không chấp thuận phương án bồi thường. Người dân yêu cầu phải tăng tiền hỗ trợ, để giúp họ tìm sinh kế lâu dài khi bị mất đất sản xuất. Tuy nhiên, phía chủ đầu tư lại cho rằng, việc tính toán lên phương án bồi thường phải theo quy định của pháp luật, không thể tùy tiện, gây tiền lệ xấu cho công tác bồi thường, GPMB nói chung.

Những vướng mắc trong GPMB khiến DA không thể đóng điện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, làm ảnh hưởng đến vận hành hệ thống điện quốc gia. Để đảm bảo tiến độ các DA, đại diện Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung Nguyễn Đình Thọ kiến nghị: "UBND tỉnh Quảng Ngãi cần hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ bồi thường, lập và trình duyệt phương án bồi thường, GPMB. Tiếp tục tích cực vận động, giải thích các chính sách về bồi thường, GPMB đối với các hộ dân chưa thống nhất. Trong trường hợp cần thiết thì chỉ đạo, lập kế hoạch bảo vệ thi công, để đảm bảo tiến độ đóng điện trong năm 2020".

THANH NHỊ

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2025/202012/du-an-duong-day-500kv-cham-tien-do-3033258/