Dự án động Nhị - Tam Thanh: Những dấu hiệu bất thường

Mặc dù gói thầu xây dựng thay thế, lắp đặt hệ thống trang trí chiếu sáng động Nhị - Tam Thanh (thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) được công khai đấu thầu rộng rãi trong cả nước, nhưng có 2/3 nhà thầu có dấu hiệu tự 'đánh trượt' với lý do rất sơ đẳng nhất trong đấu thầu. Điều này khiến dư luận dấy lên nghi vấn về sự thiếu minh bạch trong quá trình đấu thầu gói thầu này.

Khu Động Nhị - Tam Thanh tại thành phố Lạng Sơn.

Khu Động Nhị - Tam Thanh tại thành phố Lạng Sơn.

Dự án xây dựng thay thế, lắp đặt hệ thống trang trí chiếu sáng động Nhị - Tam Thanh do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng thành phố Lạng Sơn làm chủ đầu tư. Mục tiêu của Dự án là đảm bảo chiếu sáng, hướng dẫn và đảm bảo an toàn đi lại, an ninh trật tự về đêm khu vực động Nhị Thanh, Tam Thanh. Theo Thông báo mời thầu, gói thầu trên có trị giá 8 tỷ 791 triệu đồng, lấy từ nguồn ngân sách của thành phố Lạng Sơn.

Theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, BQL Dự án đầu tư xây dựng thành phố Lạng Sơn yêu cầu: Doanh thu bình quân từ hoạt động xây dựng, lắp đặt thiết bị trong vòng 3 năm trở lại đây của nhà thầu tối thiểu là 13,2 tỷ đồng. Số lượng hợp đồng tương tự là 2 hợp đồng, mỗi hợp đồng có giá trị tối thiểu là 6,2 tỷ đồng…

Tuy là gói thầu đấu thầu rộng rãi trong cả nước, nhưng chỉ có 2 nhà thầu ở thành phố Lạng Sơn và một nhà thầu ở tỉnh Quảng Trị tham gia hồ sơ dự thầu.

Cụ thể, Công ty TNHH An Phát (trụ sở chính số 71 đường Trần Đăng Ninh, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn), Công ty TNHH MTV thương mại xuất nhập khẩu Hoàng Lâm (địa chỉ số 338 đường Phai Vệ, thành phố Lạng Sơn) và Công ty TNHH MTV Thịnh Phát ART (phường 5, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) nộp hồ sơ dự thầu.

Sau quá trình chấm thầu, BQL Dự án đầu tư xây dựng thành phố Lạng Sơn đã lựa chọn Công ty TNHH An Phát là nhà thầu trúng thầu với giá trúng thầu là 8 tỷ 713 triệu đồng. Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty TNHH An Phát, thì Công ty này có vốn điều lệ 10 tỷ đồng do bà Nguyễn Đặng Nga làm Giám đốc.

Theo thông báo của chủ đầu tư hai nhà thầu còn lại là Công ty TNHH MTV Thịnh Phát ART, Công ty TNHH MTV thương mại xuất nhập khẩu Hoàng Lâm bị loại cùng một lý do giống hệt nhau: “Séc bảo đảm dự thầu không ghi ngày tháng năm phát hành, không có xác nhận của ngân hàng phát hành séc. Không có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng lĩnh vực thi công xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật hạng III trở lên.”

Theo giới chuyên gia đấu thầu cho hay, việc hai nhà thầu lại cùng nhau mắc lỗi sơ đẳng nhất trong đấu thầu là “Séc bảo đảm dự thầu không ghi ngày tháng năm phát hành, không có xác nhận của ngân hàng phát hành séc” là điều nghi vấn và bất thường. Việc này chẳng khác gì là “quân xanh, quân đỏ” đi đấu thầu mà tự “đánh trượt” để nhường cho đơn vị khác trúng thầu. Mặt khác, Công ty TNHH MTV Thịnh Phát ART có trụ sở tận Quảng Trị mất công, mất sức làm hồ sơ dự thầu, ra Lạng Sơn nộp hồ sơ dự thầu mà mắc lỗi sơ đẳng như vậy cũng khiến dư luận nghi ngờ về mục đích tham gia đấu thầu của nhà thầu này.

Tiếp cận hồ sơ năng lực của các nhà thầu, phóng viên tiếp tục nhận thấy dấu hiện bất thường tại gói thầu này. Cụ thể, mặc dù yêu cầu hồ sơ mời thầu đặt ra là doanh thu bình quân từ hoạt động xây dựng, lắp đặt thiết bị trong vòng 3 năm trở lại đây tối thiểu là 13,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty TNHH MTV thương mại xuất nhập khẩu Hoàng Lâm mới thành lập vào năm 2017, doanh thu bình quân năm 2017-2018 từ hoạt động xây dựng là 12 tỷ đồng, không đáp ứng tiêu chí đặt ra. Tương tự, Công ty TNHH MTV Thịnh Phát ART có doanh thu bình quân về hoạt động xây dựng trong 3 năm 2016, 2017, 2018 chỉ vẻn vẹn 6 tỷ đồng, kém xa so với yêu cầu bên mời thầu đưa ra.

Vậy, vì sao hai nhà thầu trên biết không đủ điều kiện, năng lực, biết chắc chắn sẽ bị loại vẫn tham gia dự thầu?

Theo các chuyên gia về đấu thầu nhận định, chẳng có nhà thầu nào “đi thi lại tự làm cho mình trượt” mà không kèm theo một động cơ hay lợi ích nào đó. Điều này đang phản ánh một tình trạng đáng lo ngại là nhà thầu tham dự thầu và trượt thầu là có chủ đích, những nhà thầu này chỉ là “quân xanh”, “chân gỗ” cho đơn vị khác trong nhóm lợi ích trúng thầu.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Khương (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận định việc nhà thầu tự trượt thầu có chủ đích với những lý do sơ đẳng nhất trong đấu thầu đang đặt ra nhiều câu hỏi về động cơ tham gia đấu thầu của nhà thầu. Phải chăng đó là những hành vi “tiếp tay” cho tình trạng đấu thầu thiếu cạnh tranh, minh bạch và phục vụ cho nhóm lợi ích “thâu tóm” miếng bánh ngân sách?

Hoàng Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dieu-tra/du-an-dong-nhi-tam-thanh-nhung-dau-hieu-bat-thuong-tintuc452062