Dự án đổi 60ha 'đất vàng' lấy 1,6km đường: Vì sao vốn góp doanh nghiệp nhà nước giảm, cá nhân tăng?

Vốn đối ứng dự án lên đến 60ha đất tại các quận nội thành.

Giảm vốn nhà nước tăng vốn cá nhân

Như đề cập tại bài trước, dự án tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên đã được UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo triển khai đầu tư từ năm 2004 gắn với dự án xây dựng nhà ở Ao Mơ (bao gồm khu đô thị, một phần tuyến đường qua dự án khoảng 954,9m), và dự án xây dựng phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật dân cư tổ 24, 25 phường Vĩnh Tuy (đoạn tuyến đường qua dự án khoảng 292,2m), thêm nữa là dự án xây dựng đoạn tuyến còn lại có chiều dài 415m.

10 năm sau, năm 2014 UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản chấp thuận về nguyên tắc việc Công ty CP Đầu tư xây dựng phát triển Nhà số 7 Hà Nội (Handico 7) và Công ty CP Y dược phẩm Vimedimex (Vimedimex) thành lập Công ty CP đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng (Vĩnh Hưng) để triển khai dự án xây dựng khu nhà ở Ao Mơ.

Sau quá trình làm thủ tục, dự án này đã được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt đề xuất năm 2017, và mới đây đã được trao Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Hội nghị “Hà Nội 2018- Hợp tác Đầu tư và Phát triển” vừa diễn ra (17/6).

Theo tìm hiểu của VietTimes, khi đăng ký thành lập ngày 14/7/2014, Công ty Vĩnh Hưng có 423 tỷ đồng vốn điều lệ, với 03 cổ đông sáng lập là Handico 7, Vimedimex và cá nhân ông Nguyễn Quốc Cường.

Trong đó, Vimedimex góp 284,540 tỷ đồng nắm giữ tới 67,27% vốn điều lệ; Handico 7 (chủ đầu tư đầu tiên của dự án Ao Mơ) góp 130 tỷ đồng tương đương 30,73% vốn điều lệ; cá nhân ông Nguyễn Quốc Cường cũng góp 8,460 tỷ đồng tương đương 2% vốn điều lệ.

Chỉ sau đó chưa đầy 01 năm, ngày 16/3/2015 Công ty Vĩnh Hưng tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng, đồng thời đăng ký thay đổi về số lượng và cơ cấu cổ đông.

Lúc này Vimedimex góp 672,671 tỷ đồng tương đương 67,27% vốn điều lệ. Tuy nhiên, Handico 7 chỉ còn góp 20 tỷ đồng chỉ tương đương 2% vốn điều lệ, cá nhân ông Nguyễn Quốc Cường góp 20 tỷ đồng tương đương 2% vốn điều lệ.

Ngoài ra còn xuất hiện thêm 02 cá nhân khác là bà Mai Thị Hằng góp tới 200 tỷ đồng tương đương 20% vốn điều lệ và ông Lê Xuân Tùng góp 87.328 tỷ đồng tương đương 8,730% vốn điều lệ.

Có thể thấy, trong lần tăng vốn này của Công ty Vĩnh Hưng, Handico 7 không những không góp thêm vốn, mà còn bán bớt vốn nắm giữ (giảm từ 130 tỷ đồng xuống còn 20 tỷ đồng).

Đến tháng 10/2017 cơ cấu vốn góp trong Công ty Vĩnh Hưng tiếp tục có sự thay đổi. Vimedimex tiếp tục nắm giữ 67,27% vốn điều lệ, Handico 7 vẫn sở hữu 2% vốn điều lệ. Trong khi đó vốn sở hữu của ông Lê Xuân Tùng đã được tăng lên 10,73%, bà Mai Thị Hằng sở hữu 20% vốn điều lệ, cá nhân ông Nguyễn Quốc Cường đã chuyển nhượng cổ phần.

Như vậy từ năm 2014 đến nay tỷ lệ vốn góp của Công ty Vĩnh Hưng được thay đổi nhanh chóng theo hướng tỷ lệ sở hữu vốn góp của doanh nghiệp nhà nước Handico 7 giảm đi trong khi đó tỷ lệ vốn góp của một số cá nhân lại tăng lên thậm chí cao hơn nhiều so với doanh nghiệp nhà nước.

Khu nhà ở trên tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên của Công ty Vĩnh Hưng .

Vì sao có sự thay đổi?

Theo tìm hiểu của phóng viên VietTimes Công ty Handico 7 là thành viên của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico). Trong khi đó Công ty CP Y dược phẩm Vimedimex là doanh nghiệp Nhà nước đã được cổ phần hóa từ năm 2006 theo quyết định của Bộ Y tế.

Bà Nguyễn Thị Loan sinh năm 1970 hiện đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) đồng thời là người đại diện theo pháp luật của Vimedimex; làm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Hòa Bình (HBS). Ngày mới thành lập Công ty Vĩnh Hưng bà Loan cũng giữ vai trò là đại diện theo pháp luật, Chủ tịch HĐQT của Công ty này.

Trước đó, bà Loan nguyên là Trưởng phòng QLRR của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giai đoạn 2006-2007.

Còn 3 cá nhân ông Nguyễn Quốc Cường, bà Mai Thị Hằng, và ông Lê Xuân Tùng góp vốn thành lập Công ty Vĩnh Hưng cũng có liên quan đến Vimedimex và HBS nơi mà bà Loan làm Chủ tịch HĐQT.

Ông Nguyễn Quốc Cường sinh năm 1977, địa chỉ thường trú tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội hiện đang giữ vai trò là Tổng Giám đốc Vimedimex và Ủy viên HĐQT Công ty Cổ phần chứng khoán HBS.

Bà Mai Thị Hằng sinh năm 1962, địa chỉ thường trú tại số 9 Khu A, tập thể Công ty Xây dựng Hồng Hà, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội. Hiện bà Hằng cũng đang làm Ủy viên HĐQT Công ty CP chứng khoán HBS.

Đáng chú ý, ông Lê Xuân Tùng có địa chỉ thường trú tại phòng 52, nhà 6, tập thể Nam Đồng, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội trùng với hộ khẩu thường trú của bà Nguyễn Thị Loan - Chủ tịch HĐQT Vimedimex, Chủ tịch HĐQT Công ty HBS. Ông Tùng là cổ đông lớn của Vimedimex bởi đến ngày 24/08/2017 nắm giữ 1.141.150 cổ phiếu (chiếm 7,39%).

Được biết ông Lê Xuân Tùng chính là con trai bà Nguyễn Thị Loan.

Nếu so sánh cổ phần góp vốn thành lập doanh nghiệp này thì Vimedimex góp 67,27% lớn hơn rất nhiều so với Handico 7 (chỉ là 2%). Thậm chí tỷ lệ cổ phần góp vốn của Handico 7 còn thấp hơn cả của các cá nhân Mai Thị Hằng (20%), và Lê Xuân Tùng (10,73%).

Điểm đáng chú ý nữa, Công ty Cổ phần Chứng khoán Hòa Bình (HBS) nơi mà bà Loan làm Chủ tịch HĐQT được thành lập năm 2008. Trong đó, Handico chính là một trong những cổ đông sáng lập thành lập doanh nghiệp này. Qua đó, càng thấy được mối quan hệ chặt chẽ lâu năm của Vimedimex, Handico, Vĩnh Hưng và Công ty chứng khoán HBS.

Có thể thấy ngay từ khi thành lập (2014), đến năm 2015, khi bắt đầu thực hiện dự án, cơ cấu cổ phần vốn góp thành lập Công ty Vĩnh Hưng đã có sự thay đổi lớn. Tuy là cổ đông trong Công ty Vĩnh Hưng nhưng các cá nhân Nguyễn Quốc Cường và Mai Thị Hằng đồng thời đều giữ những vị trí quan trọng tại Vimedimex và Công ty Chứng khoán HBS, còn ông Tùng là cổ đông lớn của Vimedimex, lại là con trai của bà Nguyễn Thị Loan - Người đồng thời là Chủ tịch HĐQT của cả Vimedimex và HBS. Trong khi đó tỷ lệ vốn góp doanh nghiệp nhà nước Handico 7 theo thời gian lại sụt giảm nhanh chóng.

Mặc dù đồng ý cho Handico 7 và Vimedimex thành lập Công ty Vĩnh Hưng thực hiện dự án nhưng sự thay đổi cơ cấu cổ đông này có thể nói ngoài tầm kiểm soát của Thành phố Hà Nội. Đến Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cũng phải khuyến cáo làm rõ pháp nhân của Công ty Vĩnh Hưng và trách nhiệm, quyền lợi giữa các bên để tránh phát sinh khiếu nại trước và sau quá trình thành lập do sự xuất hiện thêm 03 cổ đông cá nhân chưa phù hợp với chấp thuận của UBND Thành phố Hà Nội (Văn bản số 3132/KH&ĐT-ĐT ngày 24/9/2015).

Minh Quang /

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/du-an-doi-60ha-dat-vang-lay-16km-duong-vi-sao-von-gop-doanh-nghiep-nha-nuoc-giam-ca-nhan-tang-296583.html