Dự án điện mặt trời lấy đất rừng: Không đánh đổi

Phát triển năng lượng tái tạo thông qua dự án điện mặt trời ở Việt Nam sẽ gây ra nhiều hệ lụy môi trường nếu lấy đi đất rừng.

Ngày 27/10/2020, trao đổi với Đất Việt về hàng chục dự án điện mặt trời ở Việt Nam trong thời gian qua đã lấy đi một phần lớn diện tích đất rừng, chuyên gia môi trường TS Nguyễn Ngọc Quế cho rằng, cơ quan quản lý cần phải có cái nhìn đúng đắn để định hướng phát triển năng lượng tái tạo không bị đi lệch hướng.

Ông Quế cho biết, hàng loạt dự án điện mặt trời Quảng Trị, Bình Định, Long An, Bình Thuận... đã lấy đi hàng trăm ha đất rừng. Điều này có thể dẫn tới nhiều hệ lụy về môi trường mà minh chứng rõ nét nhất là tình trạng lũ lụt, sản lở đất tại một số tình Miền Trung trong thời gian vừa qua khi phát triển thủy điện vừa và nhỏ đã làm thu hẹp đất rừng.

"Thông thường các địa phương trước khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng để cho doanh nghiệp làm dự án điện mặt trời thường yêu cầu nhà đầu tư phải trồng bù một khoảng rừng để bù đắp lại diện tích đất rừng cũ đã mất.

Tuy nhiên, để hình thành được một khu đất rừng không chỉ trồng cây là xong mà phải mất quá trình hàng chục, thậm chí hàng trăm năm hay triệu năm mới có thể hình thành nên. Đất rừng không chỉ thể hiện cây sống trên đất mà còn là địa chất ở sâu trong lòng đất đó nên khi dự án điện mặt trời xây xong nhưng đất rừng chưa hình thành xong" - ông Quế cho hay.

Nên làm điện mặt trời áp mái hơn là ở những khu đất rừng.

Nên làm điện mặt trời áp mái hơn là ở những khu đất rừng.

Theo vị chuyên gia, các nước trên thế giới khi phát triển dự án điện mặt trời thường lựa chọn những khu đất trống, thậm chí hoang hóa để tránh tác động tới môi trường, như thế vừa có thể tận dụng được năng lượng tự nhiên nhưng lại không tác động nhiều tới tự nhiên.

"Trong bối cảnh nước và than đang ngày càng khan hiếm thì việc phát triển năng lượng điện từ gió, mặt trời là xu thế tất yếu của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhưng phát triển phải đi liền với môi trường bền vững thì mới đạt được hiệu quả tối ưu. Chúng ta không nên đánh đổi tự nhiên, môi trường lấy năng lượng để rồi đứng trước nguy cơ gánh chịu hậu quả thiên tai" - TS Nguyễn Ngọc Quế bày tỏ.

Ông Quế cho rằng, nên tận dụng các hộ gia đình để phát triển các dự án điện mặt trời áp mái. Mỗi mái nhà sẽ đóng vai trò như một máy phát điện. Như thế, sẽ tận dụng được khoảng diện tích rất lớn để phát triển năng lượng tái tạo.

Liên quan đến vấn đề hàng loạt dự án điện mặt trời đang lấy đi một phần lớn diện tích đất rừng ở Việt Nam hiện nay, GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, những rừng tự nhiên nghèo kiệt, không khôi phục được hệ sinh thái rừng thì nên dùng chuyển sang trồng cây lâu năm vì có giá trị xuất khẩu và gắn liền với cuộc sống của người dân chứ không nên dùng làm nơi sản xuất ĐMT. Vì như vậy sẽ làm chết luôn cánh rừng đó.

"Quan điểm của tôi là không dùng rừng để làm điện tái tạo, chỉ trừ trường hợp dự án thực sự cấp thiết, mang tầm quốc gia. Còn cụ thể thế nào là cấp thiết, dự án tầm quốc gia thì phải mang ra Quốc hội, Chính phủ để bàn, không thể để UBND các tỉnh tự quyết.

Ngay cả với rừng nghèo kiệt không khôi phục hệ sinh thái rừng thì cũng nên trồng cây lâu năm không nên vì rừng nghèo kiệt mà chuyển sang làm phi nông nghiệp", ông Võ khẳng định.

Còn theo ĐBQH Thái Trường Giang (Cà Mau), việc chuyển đổi đất rừng làm các dự án khác, trong đó có dự án điện tái tạo cần tuân thủ Luật Lâm nghiệp.

Ông Giang khuyến cáo, chỉ nên lựa chọn các vùng đất hoang hóa hoặc khuyến khích lắp đặt điện mặt trời mái nhà bởi đây là nguồn điện có hiệu quả và dư địa rất lớn.

"Tuyệt đối không làm dự án điện mặt trời nếu gây mất diện tích rừng. Ngay cả dự án điện gió chỉ sử dụng một phần đất rừng cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi cấp phép. Không đánh đổi đất rừng cho mục đích phát triển kinh tế!" - ông Giang hấn mạnh.

ĐBQH Phạm Minh Hiền (Phú Yên) cũng cho rằng, đất rừng nguyên sinh, phòng hộ hay đất rừng sản xuất đều có ý nghĩa lớn về môi trường, giúp giữ đất, nước và điều hòa không khí, do đó trong quá trình thẩm định, các địa phương phải hết sức thận trọng.

Khánh Hương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/du-an-dien-mat-troi-lay-dat-rung-khong-danh-doi-3421419/