Dự án điện gió trên biển Kê Gà: Những lời đẹp lòng

Qua nghiên cứu ban đầu, khu vực phát triển dự án không ảnh hưởng đến giao thông trên biển, hoạt động đánh bắt gần bờ của ngư dân...

Ông Đỗ Minh Kính, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Thuận, cho hay, các nhà đầu tư quốc tế của dự án điện gió xây dựng trên biển Kê Gà (huyện Hàm Thuận Nam) vừa đến chào và giới thiệu sơ qua về ý tưởng dự án này, đồng thời đề nghị được đi khảo sát trước khi có quyết định triển khai dự án.

Đây là tổ hợp nhà thầu các nhà đầu tư năng lượng tái tạo quốc tế do Công ty Enterprise Enegry Group EE làm đại diện, gồm các nhà đầu tư (của Anh, Đức); Mitsui & Co (Nhật Bản); Renewable Ennergy Global Solution REGS (Singapore).

"Dự án này là do Chính phủ, Bộ Công thương quyết định, còn địa phương sẵn sàng phối hợp để hỗ trợ các nhà đầu tư.

Bởi đây là dự án rất lớn (công suất 2.400MW), lại làm ngoài khơi, rất mới so với Việt Nam nên UBND tỉnh Bình Thuận đã giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến các sở, ngành liên quan để tham mưu UBND tỉnh tổ chức cho các nhà đầu tư quốc tế đi khảo sát, nghiên cứu. Sau khi khảo sát, từ những số liệu có được họ mới có thể có những hoạt động tiếp theo, còn ở thời điểm này hồ sơ chưa có gì đầy đủ", ông Đỗ Minh Kính cho hay.

Lễ ký kết Thỏa thuận cùng phát triển dự án điện gió biển Kê Gà (tỉnh Bình Thuận) hồi tháng 1/2018. Ảnh: Petrotimes

Thông tin thêm về các nhà đầu tư, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Thuận cho biết, đây là nhóm các công ty quốc tế giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Theo giới thiệu của nhóm công ty này, trước đó họ cũng đã thực hiện nhiều dự án lớn trên thế giới, trong đó có dự án điện gió trên biển Đài Loan (Trung Quốc) với công suất khoảng 1.000MW.

"Những số liệu các công ty này khảo sát trước đó cho thấy, trên Biển Đông, vùng biển Kê Gà có điều kiện thuận lợi nhất để làm điện gió, chẳng hạn sức gió ổn định, ít bão...

Như vậy, các nhà đầu tư quốc tế đã nghiên cứu từ trước khi đến chào UBND tỉnh Bình Thuận và có nhiều thông tin. Tuy nhiên, để làm điện gió, theo quy định, họ phải đi khảo sát, đặc biệt là lắp các thiết bị để đo gió. Họ phải có số liệu ít nhất trong vòng 1 năm rồi từ đó mới có thể tiến hành triển khai dự án được", ông Đỗ Minh Kính nói.

Dự kiến, dự án điện gió trên biển Kê Gà cách bờ từ 20-50km, độ sâu tới 50m. Theo người đứng đầu Sở Công thương Bình Thuận, vị trí triển khai dự án không ảnh hưởng đến khu vực khai thác dầu khí của Việt Nam cũng như hoạt động đánh bắt gần bờ của ngư dân cũng như giao thông trên biển.

Về dự án này, PGS.TSKH Nguyễn Tác An, nguyên Chủ tịch UBQG Chương trình Hải dương học Liên Chính phủ của Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cho hay, ông rất ủng hộ các nhà đầu tư quốc tế đầu tư công nghệ vào Việt Nam để phát triển. Tuy nhiên, việc làm điện gió trên biển, tất nhiên sẽ có tác động đến môi trường biển.

"Bản thân nhà đầu tư trước khi triển khai dự án sẽ phải khảo sát kỹ, đánh giá tác động kỹ thuật, môi trường đối với khu vực phát triển điện gió ngoài khơi biển Kê Gà. Khi đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường, các nhà khoa học Việt Nam sẽ trao đổi, đóng góp ý kiến", PGS.TSKH Nguyễn Tác An cho biết.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/du-an-dien-gio-tren-bien-ke-ga-nhung-loi-dep-long-3368776/