Dự án di dân 'bất động', dân thấp thỏm lo thiên tai

Gần chục năm qua, dự án di dân ra khỏi vùng sạt lở, ngập lụt 3 xã thuộc huyện Triệu Phong (Quảng Trị) dang dở khiến các hộ dân nơm nớp sống trong vùng thiên tai.

Bà Hồ Thị Phiến bất an khi tình trạng sạt lở bờ sông tiếp diễn

Di dời kiểu “Giậm chân tại chỗ”

Dự án được triển khai từ năm 2010, tuy nhiên trái ngược với tính khẩn trương, cấp bách, hiện việc di dời người dân 3 xã Triệu Thượng, Triệu Long và Triệu Giang (huyện Triệu Phong) ra khỏi vùng thiên tai, cùng cơ sở hạ tầng khu tái định cư mới vẫn ngổn ngang.

Ghi nhận của PV, đường vào khu tái định cư và hệ thống điện, nước sinh hoạt tại điểm Triệu Giang còn thiếu, chưa hoàn thành. Hàng trăm hộ dân trong diện di dời vẫn chưa được chuyển đến nơi ở mới. Theo nhiều hộ dân xã Triệu Giang, họ đã đăng ký đi tái định cư cách đây gần 10 năm nhưng đến nay vẫn chưa có “hồi âm”. Trong khi đó, diện tích đất quy hoạch theo dự án lại trở thành bãi đất trồng cây tràm nhiều tuổi. Mùa mưa lũ những năm qua cũng “nuốt chửng” hàng trăm mét đất sản xuất và đất ở dọc bờ sông Thạch Hãn. “Đi không được, ở không xong”, hàng trăm hộ dân thuộc diện di dời luôn bất an mỗi mùa mưa lũ tới gần.

Bà Hồ Thị Phiến (SN 1948, trú tại thôn Trà Liên Tây, Triệu Giang) lo ngại: “Trước đây, diện tích đất nhà tôi cách bờ sông cả trăm mét, nay sạt lở nghiêm trọng đã lấn sát vào móng nhà, phải sống ngay miệng “hà bá”... Theo bà Phiến, dự án chậm gần 10 năm khiến các hộ ngán ngẩm.

Theo ông Bùi Quốc Hùng, Chủ tịch UBND xã Triệu Giang, địa bàn xã là vùng thấp trũng, chịu ảnh hưởng lớn của lũ lụt quanh năm, đặc biệt là bà con sống ở khu vực ven sông. Việc di dân lên vùng cao là vô cùng cấp thiết nhưng đến nay vẫn ngổn ngang...

Vốn “chôn” vào dự án?

Theo tìm hiểu, việc dự án “giậm chân tại chỗ” và có nguy cơ “chết yểu” do những vướng mắc về nguồn vốn đầu tư, GPMB... Thống kê tại điểm tái định cư Triệu Thượng vẫn còn 15/80 hộ chưa được chi trả tiền bồi thường đất, hoa màu. Tương tự, điểm tái định cư Triệu Giang, còn vướng GPMB 15/22 hộ của Triệu Giang do vướng mắc lăng mộ, 15 hộ xã Triệu Ái do vướng mắc đất đai, cây cối. Từ năm 2012, dự án tạm dừng, khi đã giải ngân cho các hạng mục công trình hơn 21 tỷ đồng. Trong đó, vốn T.Ư giải ngân 20 tỷ đồng. Đáng nói, dự án chưa hẹn ngày tái khởi động và hoàn thành trong khi số vốn đầu tư có nguy cơ “chôn” vào dự án, không thể truy thu tiền tạm ứng cho nhà thầu...

Dự án do UBND huyện Triệu Phong làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư hơn 29 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách T.Ư hỗ trợ (20 tỷ đồng) và vốn lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn huyện. Theo đó, dự án dự kiến triển khai trong 3 năm (2010-2013) nhưng đến nay vẫn chưa xong.

Ông Bùi Văn Trúc, Giám đốc Ban QLDA huyện Triệu Phong cho biết, vốn đã bố trí hơn 21 tỷ đồng, được triển khai thực hiện tại hai xã Triệu Thượng và Triệu Giang. Trong năm 2010, Ban tạm ứng số tiền hơn 2,9 tỷ đồng cho Công ty TNHH Trường Phúc và Công ty CP Quảng Lợi nhưng không thực hiện thi công theo đúng hợp đồng đã cam kết. Đến nay, số tiền đó vẫn không thể thu để phục hồi tài khoản dự án, nộp lại Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Trị. “Vốn có hạn, lại đầu tư vượt quá nhiều lần khả năng nên quá trình đầu tư xây dựng công trình dây dưa, kéo dài khiến việc thu hồi vốn ứng trước gặp rất nhiều khó khăn”, ông Trúc thông tin thêm.

Ông Lê Tùng, Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT, Chi nhánh Triệu Phong cho hay: Theo bảo lãnh thực hiện hợp đồng (bên thứ 3), phía ngân hàng chỉ bảo lãnh trong 4 tháng sau giải ngân. Ngân hàng chỉ có trách nhiệm đi đòi nợ doanh nghiệp khi bên A (Ban QLDA huyện Triệu Phong) có văn bản yêu cầu. Tuy nhiên, bên A không có văn bản này nên giấy bảo lãnh đã vô hiệu và ngân hàng không chịu trách nhiệm về việc thu hồi tiền tạm ứng của doanh nghiệp...

Đông Hiền

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/du-an-di-dan-bat-dong-dan-thap-thom-lo-thien-tai-d269938.html