Dự án dệt nhuộm bị quay lưng: bài toán nằm ở môi trường

Một trong những thách thức lớn nhất của ngành dệt may trong nước hiện nay là nhiều địa phương đang quay lưng với các dự án đầu tư dệt nhuộm, trong khi đó, khâu dệt nhuộm lại là khoảng trống thiếu hụt rất lớn của ngành dệt may trong nước hiện nay.

 Đại diện các nhãn hàng dệt may, doanh nghiệp, hiệp hội trao đổi thông tin ở bên lề hội thảo về phát triển bền vững ngành dệt may ngày 17-7. Ảnh: Hùng Lê

Đại diện các nhãn hàng dệt may, doanh nghiệp, hiệp hội trao đổi thông tin ở bên lề hội thảo về phát triển bền vững ngành dệt may ngày 17-7. Ảnh: Hùng Lê

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) đã nêu ra vấn đề kể trên tại Hội thảo Chỉ số Higg Index – Đánh giá từ khách hàng và hỗ trợ của SAC – Chia sẻ tầm nhìn phát triển bền vững ngành dệt may, diễn ra tại TPHCM vào ngày 17-7.

Theo ông Giang, yếu kém của ngành dệt may trong nước hiện nay là phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu bởi vì doanh nghiệp trong nước lâu nay chỉ tập trung đầu tư công đoạn cuối cho thành phẩm, còn công đoạn giữa là khâu dệt nhuộm thì rất ít doanh nghiệp chú trọng đầu tư.

Hiện cả nước phải nhập khẩu lên đến 18,5-19 tỉ đô la Mỹ nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, trong đó đáng chú ý đối với các nguyên liệu sản xuất như bông phải nhập khẩu 100%, vải các loại (trong đó vải dệt thoi nhập khẩu đến 60% tổng nhu cầu),...

Và để được hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại, đòi hỏi những yêu cầu khắt khe về quy tắc xuất xứ sản phẩm, nhất là quy định về ưu đãi khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và CPTPP đi vào thực thi. Cụ thể trong EVFTA, châu Âu yêu cầu hàng dệt may Việt Nam phải sử dụng vải tự sản xuất, hay còn gọi là quy tắc xuất xứ “từ vải trở đi”.

Trong khi đó, một số nhà đầu tư có dự án liên quan đến dệt nhuộm cho biết họ muốn đón đầu thị trường cũng như đáp ứng các yêu cầu nguyên liệu tại chỗ trong nước nhưng gặp khó khăn về địa điểm đầu tư. Một số địa phương thậm chí quay lưng với những dự án này, không tiếp nhận vốn đầu tư. Người đứng đầu Vitas cho rằng đây là thách thức khá lớn đối với ngành để doanh nghiệp đáp ứng quy định và được hưởng lợi thuế xuất khẩu vào thị trường các nước châu Âu.

Lãnh đạo Vitas cho rằng chỉ có một số rất ít dự án dệt nhuộm của ngành vi phạm và gây ảnh hưởng đến môi trường nhưng nhiều địa phương lại quay lưng với phần lớn các dự án nói chung. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp dệt may trong nước, vì sẽ không thỏa các điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế quan khi sản xuất hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường châu Âu.

Tại hội thảo, ông Giang kêu gọi sự ý thức từ các doanh nghiệp dệt may trong hoạt động sản xuất và bảo vệ môi trường, từ đó tạo niềm tin với chính phủ, cơ quan quản lý môi trường và chính quyền các địa phương để không còn bị sự "từ chối" với những dự án dệt nhuộm.

Liên quan tới vấn đề nêu trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các địa phương có cơ sở để lo lắng vấn đề này, nhưng nếu cứ e ngại thái quá thì nguy cơ đánh mất cơ hội của doanh nghiệp trong nước là rất lớn. Nhìn xa hơn, Việt Nam sẽ khó làm chủ được khâu nguyên phụ liệu và tận dụng cơ hội được hưởng ưu đãi thuế quan tại nhiều thị trường. Do đó, chính sách hiện nay là quy hoạch các dự án theo địa bàn và phải xử lý, kiểm soát chặt chẽ về môi trường. Theo các chuyên gia, nếu áp dụng và tuân thủ chặt chẽ theo những công nghệ hiện đại sẽ vừa sản xuất được vải, vừa đảm bảo môi trường.

Hội thảo Chỉ số Higg Index – Đánh giá từ khách hàng và hỗ trợ của SAC – Chia sẻ tầm nhìn phát triển bền vững ngành dệt may do Hiệp hội Dệt May Việt Nam phối hợp cùng Liên minh may mặc bền vững SAC, Tập đoàn TAL, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên thế giới WWF, Tổ chức chứng nhận SGS tổ chức. Hội thảo quy tụ đại diện từ các cơ quan chính phủ, các chuyên gia SAC, các tổ chức quốc tế, các nhãn hàng thời trang nổi tiếng và các doanh nghiệp dệt may để chia sẻ các vấn đề nêu trên.

Hùng Lê

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/291596/du-an-det-nhuom-bi-quay-lung-bai-toan-nam-o-moi-truong-.html