Dự án Đầu tư xây dựng cầu dân sinh và Quản lý tài sản đường địa phương: Chủ đầu tư thiếu chuyên nghiệp

Những sai sót tuy không lớn và nghiêm trọng, nhưng ít nhiều làm giảm hiệu quả đầu tư của Dự án Đầu tư xây dựng cầu dân sinh và Quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) có tổng mức đầu tư lên tới 408 triệu USD.

Dự án Đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) có số vốn lên tới 9.203 tỷ đồng, tương đương 408,9 triệu USD.

Dự án Đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) có số vốn lên tới 9.203 tỷ đồng, tương đương 408,9 triệu USD.

Dự án lớn…

Kiểm toán Nhà nước vừa hoàn thành công tác kiểm toán hoạt động xây dựng và quản lý sử dụng vốn đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP).

Với số vốn lên tới 9.203 tỷ đồng, tương đương 408,9 triệu USD, trong đó phần vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới (WB) là 385 triệu USD, đây là dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông có quy mô vốn lớn nhất, triển khai trên địa bàn rộng nhất từng được triển khai tại Việt Nam.

Do nhiều mục tiêu được lồng ghép, nên LRAMP được chia thành 3 hợp phần. Trong đó, Hợp phần cầu có tổng mức đầu tư 5.798,130 tỷ đồng và phải hoàn thành tối thiểu 2.174 cầu theo yêu cầu của Hiệp định. Hợp phần tư vấn chung có tổng mức đầu tư hợp phần tư vấn chung là 108,45 tỷ đồng để lập dự án đầu tư và thực hiện 6 hỗ trợ kỹ thuật.

Cả 2 hợp phần trên, Bộ GTVT là cơ quan chủ quản, Tổng cục Đường bộ là chủ đầu tư. Riêng Hợp phần Khôi phục, cải tạo đường địa phương có tổng mức đầu tư 3.296,81 tỷ đồng để khôi phục, cải tạo khoảng 676 km đường trên địa bàn 14 tỉnh. UBND 14 tỉnh làm cơ quan chủ quản các dự án thành phần.

Tại thời điểm Kiểm toán Nhà nước có Văn bản số 396/TB - KTNN thông báo kết quả kiểm toán (tháng 9/2019), tại Dự án LRAMP, các chủ đầu tư dự án đã công tác khôi phục cải tạo đã hoàn thành 325,8 km đường (đạt 48% so với yêu cầu), dự kiến, cuối năm 2019 hoàn thành khoảng 380 km (56%); khởi công 1.945 cầu và đến nay đã hoàn thành 1.113 cầu, dự kiến đến hết năm 2019 sẽ hoàn thành khoảng 1.800 cầu.

Mặc dù ghi nhận Dự án đã cơ bản tuân thủ pháp luật, chính sách, chế độ quản lý dự án đầu tư và bước đầu đã đạt được một số mục tiêu nhưng Kiểm toán Nhà nước vẫn chỉ ra một loạt những tồn tại, sai sót thuộc trách nhiệm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Theo đó, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, công tác rà soát các công trình cầu (theo tiêu chí của Dự án) đưa vào đầu trong danh mục cầu để trình Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) ra quyết định phê duyệt dự án chưa phù hợp, dẫn đến việc sau khi rà soát lại phải điều chỉnh, bổ sung. Có 8 công trình cầu tại một số tỉnh không thuộc xã, huyện không nằm trong tiêu chí đầu tư nhưng vẫn được đưa vào danh mục với lý do tính cấp bách theo đề xuất của địa phương nhưng không có hồ sơ chứng minh.

Đơn vị tư vấn và các đại diện chủ đầu tư thuộc các hợp phần do Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý đã tính sai định mức, đơn giá và khối lượng làm tăng tổng mức đầu tư tại Dự án LRAMP lên 284,48 tỷ đồng đã cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp của các đơn vị trung ương bởi dù có quy mô vốn tương đương nhưng hợp phần cải tạo đường địa phương do 14 tỉnh làm chủ đầu tư chỉ lập chưa phù hợp vỏn vẹn 4 tỷ đồng.

“Sạn” nhiều

Trong Thông báo số 396, Kiểm toán Nhà nước xác định, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt các Báo cáo kinh tế kỹ thuật 74 cầu có quy mô bề rộng cầu lớn hơn từ 0,5 - 2 m là không đúng với Quyết định số 1698/QĐ - BGTVT về việc điều chỉnh một số nội dung trong Quyết định số 622/QĐ-BGTVT ngày 2/3/2016 của Bộ GTVT phê duyệt đầu tư Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương.

Kiểm toán Nhà nước yêu cầu các đơn vị được kiểm toán phải xử lý tài chính 53 tỷ đồng, trong đó thu hồi nộp ngân sách 0,39 tỷ đồng, giảm giá trị hợp đồng còn là 25,8 tỷ đồng; tăng thu ngân sách nhà nước các khoản thuế 8,5 tỷ đồng...

Liên quan đến trách nhiệm của chủ đầu tư các dự án thành phần, Kiểm toán Nhà nước rằng, một số chủ đầu tư đã thực hiện chưa nghiêm túc quy định về quản lý, sử dụng vốn tại Dự án khi tiến hành giải ngân, thanh toán chưa phù hợp với cơ cấu vốn trong kế hoạch vốn ODA được giao (PMU6 - Bộ GTVT); tạm ứng hợp đồng lớn hơn giá trị hợp đồng chiều chỉnh hoặc thu hồi tạm ứng chưa kịp thời (PMU4, PMU8 - Tổng cục Đường bộ Việt Nam).

Qua kiểm tra thực địa, Kiểm toán Nhà nước ghi nhận việc một số dự án thành phần chậm tiến độ so với quy định phê duyệt dự án ban đầu. Tiến độ thi công của một số gói thầu xây lắp còn chậm, song các bên chưa làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm để xử lý theo quy định Hợp đồng. Đặc biệt, dù mới tiến hành bàn giao, nhưng một số cầu thuộc Dự án thành phần 1, tỉnh Nghệ An đã xuất hiện hư hỏng; công trình cầu Xẻo Tre, xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang tại vị trí đường đầu cầu vuốt nối lên cầu không hợp lý, gây khó khăn cho các phương tiện lưu thông.

Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện các PMU chưa đôn đốc nhà thầu xuất hóa đơn thuế GTGT đối với giá trị khối lượng thanh toán với số tiền là 93 tỷ đồng, tương ứng với số thuế VAT phải nộp là 8,51 tỷ đồng. Đến thời điểm kiểm toán, một số dự án thành phần đã nghiệm thu và bàn giao công trình vào khai thác nhưng chưa lập, trình cấp có thẩm quyền quyết định và phê duyệt báo cáo quyết toán dự án.

Theo các chuyên gia, mặc dù các sai sót này không lớn, nhưng ít nhiều thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các đơn vị đại diện chủ đầu tư. Điều này cần sớm chỉnh sửa nhất là khi Dự án LRAMP đang bắt đầu giai đoạn thi công nước rút để có thể về đích đúng thời gian hiệp định vốn vay (năm 2020).

Bảo Như

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/du-an-dau-tu-xay-dung-cau-dan-sinh-va-quan-ly-tai-san-duong-dia-phuong-chu-dau-tu-thieu-chuyen-nghiep-d108048.html