Dự án cao tốc Bắc - Nam và 'bài học nhãn tiền' đường sắt trên cao

Trước lo ngại các dự án do Trung Quốc thực hiện sẽ giống như dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đại diện Bộ GTVT nhấn mạnh cần phân biệt rõ: nhà thầu và nhà đầu tư là hoàn toàn khác nhau.

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông

Tại Hội nghị kêu gọi đầu tư dự án xây dựng một số tuyến đường bộ trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 (2017 - 2020), ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, trong số 80 hồ sơ sơ tuyển của các nhà đầu tư có tới hơn một nửa là các nhà đầu tư trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 45%, bao gồm các quốc gia như Anh, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc...

Hiện nay, Việt Nam đang là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và theo quy định của tổ chức này, các quốc gia thành viên đều có một bộ quy chế mua sắm của Chính phủ (GPA), trong đó yêu cầu tất cả các nước thành viên không được phân biệt đối xử với bất kể một quốc gia nào.

Trao đổi với BizLIVE, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, với những điều kiện rất chặt chẽ của dự án cao tốc Bắc – Nam, những nhà đầu tư trong nước khó có khả năng cạnh tranh với nhà đầu tư nước ngoài.

"Kể cả hạ điều kiện trong hồ sơ mời thầu thì nhiều khả năng nhà thầu nước ngoài vẫn thắng thầu vì năng lực tài chính, kinh nghiệm,… của doanh nghiệp Việt Nam đều thua'", ông Long nói.

"Bài học nhãn tiền" đường sắt trên cao

 Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long

Ngoài ra, ông Long cũng bày tỏ lo ngại về việc nhiều dự án do các nhà thầu Trung Quốc thực hiện vẫn đang chậm tiến độ kéo dài, đội vốn gấp nhiều lần như dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.

"Bài học nhãn tiền từ các dự án mà nhà thầu Trung Quốc trúng thầu đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm", ông Long cho biết.

Theo ông Long, yếu tố quan trọng nhất là sự minh bạch, công khai. Không chỉ công khai thông tin mà còn phải công khai đúng và đầy đủ thông tin để hạn chế tối đa tình trạng "làm trò" khi đấu thầu dự án.

Những chiêu trò như bỏ giá thầu thấp xong tìm cách đội vốn hay dùng quan hệ, "cửa sau" để vận động là những vấn đề cần xử lý thật nghiêm, ông Long cho biết.

"Đường cao tốc Bắc – Nam là một dự án quan trọng nên ngoài tiềm năng tài chính cần phải có kinh nghiệm. Muốn như vậy thì trong chi tiết hợp đồng phải có những điều khoản ràng buộc rất chặt chẽ và phải có chế tài quy trách nhiệm rõ ràng nếu không mọi quy định đều là vô nghĩa", ông Long nói.

Chất lượng quan trọng hơn đến từ quốc gia nào

Trước lo ngại các dự án do Trung Quốc thực hiện sẽ giống như dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đại diện Bộ GTVT nhấn mạnh cần phân biệt rõ: nhà thầu và nhà đầu tư là hoàn toàn khác nhau.

Chỉ khi lựa chọn nhà đầu tư xong thì nhà đầu tư mới được chọn nhà thầu và theo Điều 5 của Luật Đấu thầu, nhà thầu được nhà đầu tư lựa chọn phải liên danh với nhà thầu trong nước hoặc sử dụng nhà thầu phụ trong nước đối với nhà thầu nước ngoài khi tham dự thầu quốc tế tại Việt Nam.

Cũng theo ông Huy, vấn đề quan trọng là chất lượng và tiến độ. Vì thế cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần đưa ra được một bộ hồ sơ mời thầu cũng như một hợp đồng quản lý chặt chẽ tiến độ, chất lượng để đảm bảo tất cả các nhà đầu tư khi tham gia vào phải cung cấp được dịch vụ tốt nhất, đảm bảo tiến độ, đảm bảo chất lượng cho toàn bộ dự án. Đây là điều quan trọng hơn việc nhà đầu tư đến từ quốc gia nào.

HẠ AN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-te-dau-tu/du-an-cao-toc-bac-nam-va-bai-hoc-nhan-tien-duong-sat-tren-cao-3507558.html