Dự án cao tốc Bắc - Nam: Rà soát hoạt động của Hội đồng giải phóng mặt bằng

Bộ Giao thông Vận tải đã làm việc với các tỉnh, thành phố có dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua nhằm bàn giải pháp triển khai giải phóng mặt bằng các dự án này.

Ngày 11/12, Bộ Giao thông Vận tải đã làm việc với UBND các tỉnh, thành phố có dự án đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 và dự án đường sắt tốc độ cao đi qua, nhằm đánh giá tình hình và phương hướng triển khai các dự án này.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, theo Nghị quyết 52/2017/QH14 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, dự án ưu tiên đầu tư 654 km đường bộ cao tốc trên các đoạn: Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế), Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) và cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang và Vĩnh Long) với tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng. Trong đó gồm 55.000 tỷ đồng vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án và 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.

Dự án được chia thành 11 dự án thành phần, gồm 3 dự án đầu tư công và 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công tư).

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, dự án đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông dự kiến tháng 4-5/2019 sẽ khởi công gói thầu được thực hiện bằng vốn ngân sách Nhà nước.

Còn dự án đầu tư theo hình thức PPP trong năm 2019 phải lựa chọn được nhà đầu tư và thi công năm 2020-2021.

Mặt bằng dự án rất quan trọng, vì vậy ngay thời điểm này các đơn vị của Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương có dự án đi qua cần có kế hoạch hành động, phối hợp chặt chẽ để chuẩn bị cho việc giải phóng mặt bằng.

“Hiện mới có 8/11 dự án thành lập hội đồng giải phóng mặt bằng, vì vậy đề nghị lãnh đạo UBND các địa phương chưa thành lập khẩn trương thành lập bộ phận trên.

Đồng thời, các hội đồng giải phóng mặt bằng cần nhanh chóng ổn định tổ chức, phân công nhiệm vụ để tổ chức tuyên truyền dự án đến người dân, cũng như tổ chức quản lý hiện trạng mặt bằng, điều tra nhu cầu tái định cư và tìm vị trí tái định cư ”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các Ban quản lý dự án cung cấp trước cho các hội đồng giải phóng mặt bằng tài liệu kỹ thuật, vị trí tim tuyến đường để địa phương có căn cứ cập nhật, quản lý hiện trạng mặt bằng.

Các hội đồng giải phóng mặt bằng cần quay phim, ghi hình lại hiện trạng mặt bằng để đến khi cắm mốc, giải phóng mặt bằng không phát sinh các kiến trúc, cây cối mới gây phức tạp cho việc hỗ trợ, bồi thường.

Theo đại diện Cục Quản lý xây dựng chất lượng và Công trình giao thông và Vụ Đối tác công – tư (Bộ Giao thông Vận tải), đến nay toàn bộ các dự án thành phần đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt nghiên cứu khả thi.

Dự kiến đến 15/12/2018 sẽ hoàn thành việc phát hành, sơ tuyến trong nước, quốc tế tất cả các hồ sơ mời thầu tư vấn và ký kết hợp đồng vào tháng 1/2019. Cuối quý I/2019 dự án sẽ bàn giao hồ sơ mặt cắt ngang tuyến, cắm mốc thực địa để địa phương triển khai giải phóng mặt bằng.

Về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đại diện cơ quan tư vấn thiết kế cho biết, từ tháng 6 đến tháng 8/2018, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải và tư vấn thiết kế đã làm việc với 20 địa phương có tuyến đường sắt đi qua tập trung làm rõ hướng tuyến và vị trí đặt nhà ga.

Theo báo cáo của tư vấn thiết kế, đến nay đã có 17/20 tỉnh thành có văn bản trả lời chính thức về hướng tuyến và vị trí đặt nhà ga; còn lại 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Tp. Hồ Chí Minh chưa có văn bản trả lời về vấn đề này.

Tại cuộc họp, đại diện các địa phương đã bày tỏ sự thống nhất cao với báo cáo, đồng thời cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải trong thực hiện các dự án, trước hết là giải phóng mặt bằng.

Để làm tốt việc này, đại diện các địa phương kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm triển khai việc bàn giao mốc giới giải phóng cũng như xác định rõ các mỏ nguyên vật liệu phục vụ dự án...

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá cao ý kiến của lãnh đạo các địa phương. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các Ban Quản lý dự án và các đơn vị của Bộ nghiên cứu tiếp thu các ý kiến đề xuất, kiến nghị của các địa phương có dự án đi qua.

“Đây là hai dự án trọng điểm quốc gia khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian đi lại, góp phần phát triển du lịch, thương mại của các địa phương có tuyến đường đi qua, do đó phía địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải trong quá trình triển khai dự án.

Trước mắt, phải rà soát lại hoạt động của các Hội đồng giải phóng mặt bằng địa phương. Bên cạnh đó, các địa phương cần làm tốt thông tin tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích, quy mô ... của dự án", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh./.

Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/du-an-cao-toc-bac-nam-ra-soat-hoat-dong-cua-hoi-dong-giai-phong-mat-bang/105132.html