Dự án Căn cước công dân gắn chip có tổng mức đầu tư 2.696 tỷ đồng

Tổng mức đầu tư của dự án sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân là 2.696 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Ảnh minh họa (theo VGP)

Ảnh minh họa (theo VGP)

Như tin đã đưa, ngày 3/9/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân.

Theo Quyết định 1368/QĐ-TTg, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an là chủ chủ đầu tư dự án.

Mục tiêu của dự án là xây dựng Cơ sở dữ liệu Căn cước công dân thống nhất trên toàn quốc, thực hiện thu nhận và quản lý dữ liệu đăng ký Căn cước công dân tự động trên cơ sở hạ tầng Công nghệ thông tin giúp lưu trữ, truy xuất, chia sẻ, tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng và tiện lợi nhất; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về Căn cước công dân, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch dân sự; hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội của cả nước; góp phần phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Về quy mô, nội dung đầu tư, xây dựng hệ thống Căn cước công dân thống nhất trên toàn quốc, được triển khai và quản lý tập trung tại Bộ Công an, gồm:

- Đầu tư phần cứng (hệ nhận dạng sinh trắc học, máy chủ, máy trạm, thiết bị ngoại vi, thiết bị lưu trữ, thiết bị bảo mật)

- Đầu tư phần mềm (phần mềm thương mại, phần mềm ứng dụng)

- Dịch vụ đào tạo, triển khai thiết lập hạ tầng.

Thời gian thực hiện dự án từ năm 2020 - 2022 tại Bộ Công an; Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công an các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tổng mức đầu tư của dự án là 2.696 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án sẽ được triển khai đồng bộ, song hành cùng với dự án DLQGDC với mục tiêu dự kiến sẽ bấm nút vận hành hai hệ thống này cùng một thời điểm trong đầu năm 2021. Bộ Công an sẽ hợp nhất Ban Chỉ đạo triển khai hai dự án và bổ sung, kiện toàn Ban Chỉ đạo để đảm bảo yêu cầu phối hợp chặt chẽ, xuyên suốt, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành và trao đổi thông tin.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo triển khai, thực hiện dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (DLQGDC) và dự án Sản xuất, cấp, quản lý Căn cước công dân (CCCD)

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo triển khai, thực hiện dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (DLQGDC) và dự án Sản xuất, cấp, quản lý Căn cước công dân (CCCD), Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm yêu cầu các đơn vị tập trung nhân lực, vật lực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn để tiến hành các công việc đáp ứng yêu cầu đề ra, theo lộ trình đã được phê duyệt, đảm bảo tốt về cơ sở hạ tầng và an ninh, an toàn thông tin cho thiết bị dự án.

Đặc biệt, các đơn vị cần phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về hai dự án để người dân hiểu được rõ những lợi ích mang lại trong việc sử dụng Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia về dân cư và thẻ CCCD gắn chip điện tử.

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, mục tiêu của việc thu thập Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư còn phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự, do đó cần thực hiện đồng bộ, thống nhất trong toàn quốc.

Bộ trưởng yêu cầu lãnh đạo các đơn vị liên quan phải thường xuyên chỉ đạo, giám sát, tổ chức hiệu quả các hạng mục công việc được giao, đảm bảo tiến độ, lộ trình thực hiện hai dự án. Cơ quan Thường trực - Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các nhiệm vụ được giao theo kế hoạch; chủ động phối hợp giải quyết, báo cáo ngay Lãnh đạo Bộ khi có khó khăn, vướng mắc.

Căn cước công dân gắn thẻ chip có khả năng chứa nhiều loại thông tin dữ liệu khác nhau từ bằng lái, thông tin cư trú, bảo hiểm phương tiện, y tế tùy theo độ mở và sự phân lớp quản lí được phân cấp.

Thẻ căn cước công dân gắn chip cũng có thể được tích hợp tài khoản ngân hàng, thẻ ATM, ví điện tử… qua đó giúp cho việc thanh toán thuận lợi hơn.

Đặc biệt, với thẻ căn cước công dân gắn chip còn giúp quản lí, giám sát từ xa. Khả năng tương tác, kết nối và truy xuất các dữ liệu từ chip cũng nhanh hơn. Tính bảo mật của thẻ căn cước công dân gắn chip cũng cao hơn.

Theo Tạ Hiển/VTV

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc/du-an-can-cuoc-cong-dan-gan-chip-co-tong-muc-dau-tu-2-696-ty-dong/20200905014147920