Dự án Cái Lớn - Cái Bé có làm nghị quyết 'thuận thiên' phá sản?

Tuy chưa có những đánh giá cặn kẽ, nhưng việc đầu tư những dự án thủy lợi lớn với quy mô hàng ngàn tỉ đồng tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong quá khứ đã bộc lộ những yếu kém, được các chuyên gia chỉ ra. Vậy, cơ sở nào để khẳng định dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé sẽ không theo vết xe đổ?

Vường quốc gia U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang, nằm trong dự án. Ảnh: TRUNG CHÁNH

Cái Lớn - Cái Bé sẽ làm trầm trọng hơn câu chuyện quá khứ ở thì tương lai

Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 lên đến hơn 3.309 tỉ đồng, với phạm vi nằm trọn trong vùng bán đảo Cà Mau. Trong đó, phía Bắc là kênh Cái Sắn; phía Nam và Đông Nam là kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp; phía Đông Bắc là sông Hậu và phía Tây là biển Tây. Vùng dự án có tổng diện tích trên 909.000 héc ta, thuộc địa bàn tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và thành phố Cần Thơ.

Mục tiêu của dự án giai đoạn 1 là kiểm soát mặn, giải quyết mâu thuẫn giữa vùng nuôi trồng thủy sản ven biển và vùng sản xuất nông nghiệp của các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu thuộc lưu vực sông Cái Lớn - Cái Bé. Đồng thời, góp phần phát triển thủy sản ổn định ở vùng ven biển của tỉnh Kiên Giang; chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tạo nguồn nước ngọt cho vùng ven biển để giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt vào mùa khô, phòng chống cháy rừng, đặc biệt trong những năm hạn hán, góp phần phát triển kinh tế, ổn định xã hội; tăng cường khả năng thoát lũ, tiêu úng, tiêu chua cải tạo đất phèn và kết hợp phát triển giao thông thủy, bộ trong vùng dự án.

Tại hội nghị về “Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1” được tổ chức tại Kiên Giang ngày 7-9-2018, ông Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc Đại học Cần Thơ, cho biết mục tiêu chính được đưa ra để xây dựng hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé là để giải quyết vấn đề mặn - ngọt.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, bốn mục tiêu đề ra có tính thuyết phục không cao. Điển hình như mục tiêu thứ ba của dự án có đề cập đến việc tăng cường khả năng thoát lũ, tiêu úng... Bởi lẽ, sự di chuyển nước của vùng bán đảo Cà Mau là nhờ hai chế độ triều khác nhau giữa biển Đông (bán nhật triều), biển Tây (nhật triều) và mực nước trên sông Hậu sẽ tạo ra lực hút - đẩy rất nhịp nhàng, làm cho nước di chuyển trong toàn vùng và di chuyển từ Đông sang Tây.

Ông Tuấn dẫn lại câu chuyện của dự án ngọt hóa bán đảo Cà Mau, cho rằng hệ thống cống - đập trên quốc lộ 1 vận hành theo cách đóng cống lúc nước lớn và mở cống lúc nước ròng trong mùa khô đã làm mất sức đẩy nước từ biển Đông sang biển Tây rất nhiều, nên tạo ra những vùng nước không chảy (giáp nước). Khi đó, ở các khu vực đông dân cư, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đã gây ô nhiễm nguồn nước trầm trọng.“Bây giờ, thêm cống Cái Lớn - Cái Bé cũng vận hành như trên, thì sẽ mất luôn sức đẩy của nước từ biển Đông sang biển Tây. Vậy trình trạng ô nhiễm nguồn nước nơi đây sẽ ra sao?”, ông đặt vấn đề.

Hay với mục tiêu kết hợp phát triển giao thông thủy, bộ trong vùng dự án, ông Tuấn dẫn bài học từ dự án Ô Môn - Xà No, ngọt hóa bán đảo Cà Mau và cả dự án cống đập Ba Lai, theo đó, những dự án này phần lớn đã hạn chế giao thông thủy, tạo điều kiện cho lục bình phát triển, cản trở tàu bè đi lại.

Về vấn đề ở trên, phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng lịch vận hành cống chỉ 24 ngày/năm (bốn lần, mỗi lần sáu ngày).

Tuy nhiên, chuyên gia độc lập Nguyễn Hữu Thiện cho rằng đây là một điều “quá lý tưởng” đến mức vô lý. “Tôi cho rằng, đây là cách làm đơn giản vấn đề để thấy nó ít, trong khi tất cả mọi đánh giá đều dựa trên trụ cột này”, ông nói và đặt câu hỏi: “24 ngày vận hành này là của năm nào? Năm trung bình hay năm lũ cao hay năm đặc biệt khô hạn và ở hiện tại hay là trong tương lai?”.

Ông Thiện cho rằng, lịch vận hành nêu trên được xây dựng cho kịch bản của năm 2018, trong khi công trình (nếu được xây dựng) là công trình 100 năm, cho nên, ông kết luận lịch vận hành không thực tế. “Ai dám cam kết khi xây dựng (công trình) xong, lịch vận hành sẽ giữ như thế, tất cả mọi năm sẽ như thế?”, ông Thiện nêu câu hỏi.

Cái Lớn - Cái Bé sẽ làm “phá sản” Nghị quyết 120

Một trong những viện dẫn cho sự cần thiết đầu tư dự án được nêu trong báo cáo tóm tắt “Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1” của Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam và Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng thủy lợi 2 là... Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu.

Báo cáo này cho biết, nghị quyết đã chỉ rõ ĐBSCL cần chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững với phương châm chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn, mà trọng tâm sản xuất nông nghiệp là thủy sản, cây ăn trái, lúa, trong đó coi thủy sản nước ngọt, lợ, nước mặn là sản phẩm chủ lực.

Từ đó, báo cáo cho rằng, để chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn, thì ngoài các giải pháp phi công trình (thay đổi cơ cấu sản xuất, mùa vụ, cây trồng, vật nuôi), việc đầu tư các hệ thống kiểm soát nguồn nước (mặn, ngọt) để chủ động cho sản xuất và sinh hoạt, kiểm soát lũ do mưa lớn kết hợp triều cường gây ngập úng, chủ động phòng chống thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, cháy rừng... là hết sức cần thiết và cấp bách.

Tuy nhiên, chuyên gia độc lập Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ đã bị báo cáo nêu trên “diễn dịch” sai. “Tinh thần Nghị quyết 120 là “thuận thiên”, là tôn trọng những quy luật tự nhiên. Thế nhưng, không thấy nói ở đây, mà lại “diễn dịch” là chủ động thích ứng, chủ động sống chung với hạn, mặn và suy ra đó là đầu tư công trình”, ông Thiện nhận xét và cho rằng cách “diễn dịch” như thế là... hẹp so với tinh thần của Nghị quyết 120.

Ông Tuấn cho rằng, khi nói đến thích nghi biến đổi khí hậu là phải đi theo trình tự: thứ nhất, xem xét giải pháp kỹ thuật hay những hệ thống canh tác nào mà người dân đang làm tốt để phát triển nó; thứ hai, khi tất cả những giải pháp thích nghi không thích ứng được thì mới đầu tư các công trình nhỏ và quản lý linh hoạt các công trình nhỏ đó; nếu không còn phù hợp nữa, thì cuối cùng mới nghĩ đến chuyện đầu tư những công trình lớn hơn. “Chúng ta chưa đi qua những bước đó, mà đã nhảy vô làm những công trình rất lớn như thế này, thì tôi nghĩ rằng đây là điều cần phải cân nhắc lại”, ông nhấn mạnh.

Trong khi đó, GS.TS. Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Chủ nhiệm Chương trình khoa học nhà nước điều tra cơ bản tổng hợp ĐBSCL (1983-1990), cho rằng việc đổ lỗi thất bại của những dự án trong quá khứ do chưa đầu tư đồng bộ, không hoàn chỉnh là chưa thuyết phục. “Báo cáo tóm tắt 51 trang các đồng chí (phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) gửi, có 11 lần nói vì nguyên nhân đầu tư không đồng bộ, bảy lần nói không hoàn chỉnh”, ông dẫn chứng và đặt câu hỏi: “Thế nào là đầu tư đồng bộ, thế nào là đầu tư hoàn chỉnh?”.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/td/278466/du-an-cai-lon--cai-be-co-lam-nghi-quyet-thuan-thien-pha-san-.html