Dự án BT Quốc lộ 20 nối TP.HCM với TP. Đà Lạt: Phớt lờ kiến nghị của kiểm toán

Chỉ chưa đầy 10% kiến nghị xử lý tài chính của Kiểm toán Nhà nước đối với Dự án Khôi phục cải tạo Quốc lộ 20 đoạn Km0 – Km123+105 được nhà đầu tư tuân thủ, dù bản kết luận kiểm toán được công bố cách đây hơn 7 tháng.

Tiến hành việc khôi phục, cải tạo tuyến đường tại Dự án BT Quốc lộ 20.

Tiến hành việc khôi phục, cải tạo tuyến đường tại Dự án BT Quốc lộ 20.

Bê trễ

Đã có những thông điệp gay gắt, không hề nhẹ của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) trong vai trò là cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại công văn mới đây đôn đốc việc thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước đối với Dự án Khôi phục cải tạo Quốc lộ 20 đoạn Km0 - Km123+105 (Dự án BT Quốc lộ 20).

Trong Công văn số 14591/BGTVT-TC phát đi vào giữa tuần trước, Bộ GTVT cho biết, vào cuối tháng 12/2018, bộ này đã có Văn bản số 14501/BGTVT-TC yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước tại Dự án BT Quốc lộ 20. Đến nay, đã quá hạn báo cáo theo quy định, nhưng theo báo cáo của Công ty cổ phần BT20 - Cửu Long tại Văn bản số 133/BT20-KHKT ngày 17/6/2019, thì tỷ lệ thực hiện kiến nghị xử lý về tài chính còn khá thấp (mới thực hiện được 8,9%; đang thực hiện 19,42% và còn lại 71,68% chưa thực hiện).

Để có cơ sở tổng hợp báo cáo Kiểm toán Nhà nước theo quy định, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị khẩn trương, nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Bộ tại Văn bản số 14501/BGTVT-TC nêu trên, cập nhật và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ trong tháng 7/2019.

“Báo cáo kết quả thực hiện cần nêu rõ những kiến nghị đã thực hiện, kiến nghị đang thực hiện và kiến nghị chưa thực hiện (kèm theo chứng từ thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước theo đúng quy định). Với những kiến nghị đang thực hiện và chưa thực hiện, phải nêu rõ lý do”, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT yêu cầu.

So với các dự án hạ tầng giao thông khác do Bộ GTVT quản lý, Dự án BT Quốc lộ 20 có tốc độ xử lý các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước chậm vào loại bậc nhất.

Vào ngày 12/12/2018, Kiểm toán Nhà nước đã có Thông báo số 672/TB-KTNN thông báo kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án BT Quốc lộ 20. Tại Thông báo số 672, Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc, kịp thời các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước và báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 31/3/2019.

Đây là khối lượng công việc được Bộ GTVT cho phép nhà đầu tư bổ sung Dự án vào tháng 2 và tháng 3/2016 với tổng kinh phí 1.117,43 tỷ đồng từ nguồn vốn dư để triển khai 2 hạng mục gồm Nút giao Dầu Giây và Tuyến tránh Bảo Lộc. Trước đó, vào năm 2016, Kiểm toán Nhà nước cũng tiến hành kiểm toán Dự án BT Quốc lộ 20 với những nội dung tương tự.

Được biết, Dự án BT Quốc lộ 20 là công trình hạ tầng giao thông được triển khai theo hình thức BT có quy mô vốn lớn nhất từng được triển khai ở khu vực phía Nam, với tổng mức đầu tư ban đầu lên tới 4.589 tỷ đồng (sau được điều chỉnh lên 5.264 tỷ đồng). Mục tiêu của Dự án là nâng cấp hơn 123 km Quốc lộ 20 - tuyến huyết mạch nối TP.HCM với TP. Đà Lạt để đạt tiêu chuẩn đường cấp III, quy mô 2 làn xe, rộng 12 m, vận tốc thiết kế 80 km/giờ, nhằm nâng cao năng lực khai thác, trong đó có việc đáp ứng nhu cầu vận chuyển về các cảng biển nước sâu các sản phẩm nhôm, phát triển ngành công nghiệp nhôm tại 2 tổ hợp bauxite Tân Rai và Nhân Cơ.

Dự án do Công ty cổ phần BT20 - Cửu Long là doanh nghiệp dự án, đại diện cho tổ hợp nhà đầu tư trong nước gồm: Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIMP Cửu Long), Tổng công ty Vật liệu xây dựng số 1 (FICO), Công ty Đông Mê Kông và Công ty cổ phần Việt Ren.

Điểm đặc biệt nữa tại công trình này là, bên cạnh nguồn vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư (khoảng 600 tỷ đồng), phần vốn còn lại trị giá 250 triệu USD được doanh nghiệp dự án vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng quốc tế do Sumitomo Mitsui Banking Corporation là đại diện.

Nhiều sai sót

Theo Thông báo số 672, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị Công ty cổ phần BT20 - Cửu Long phải xử lý số liệu tài chính với số tiền lên tới 83,5 tỷ đồng. Liên quan đến kế hoạch bố trí nguồn vốn thanh toán cho công trình, Kiểm toán Nhà nước đánh giá, biểu tiến độ thanh toán vốn đầu tư được lập theo Phương án tài chính theo một tỷ giá cố định (22.775 VND/USD) trong suốt thời gian thanh toán là không phù hợp, do chưa lường tới yếu tố biến động tỷ giá. Thực tế cho thấy, việc tỷ giá giữa VND/USD trong những năm gần đây có xu hướng tăng rất có thể biến sơ suất này trở thành một gánh nặng tài chính cho các nhà đầu tư Dự án BT Quốc lộ 20.

Trước đó, tại Thông báo kết quả kiểm toán số 65/TV-KTNN, ngày 25/1/2016, hàng loạt sai sót khá nghiêm trọng được Kiểm toán Nhà nước phát hiện tại Dự án BT Quốc lộ 20 ở khâu chấp hành trình tự, thủ tục đầu tư.

Cụ thể, công tác đo bóc khối lượng mặt đường lập khái toán có sai sót dẫn tới chi phí xây dựng tăng thêm khoảng 30 tỷ đồng; việc lập, thẩm định và phê duyệt dự toán tại Dự án còn một số tồn tại về định mức, đơn giá, khối lượng so với quy định, tương ứng với giá trị dự toán giảm 25,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong quá trình nghiệm thu thanh toán, dù được “soi” bởi lực lượng đông đảo của tư vấn giám sát, đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng các bên liên quan vẫn nghiệm thu sai khối lượng, định mức và đơn giá thanh toán vẫn áp dụng theo dự toán được duyệt, dẫn tới sai lệch về chi phí với số tiền lên tới 46,1 tỷ đồng.

Sai sót lớn tiếp theo tại Dự án còn liên quan tới công tác quản lý tài chính, kế toán. Theo Kiểm toán Nhà nước, việc huy động vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư không đảm bảo quy định của hợp đồng BT. Cho đến ngày 30/6/2015 - tức là trước thời điểm thông xe công trình 3 tháng, các nhà đầu tư còn dây dưa, thiếu tới 136,1 tỷ đồng vốn chủ sở hữu. Phải đến hết ngày 13/11/2015, Tổ hợp nhà đầu tư CIMP Cửu Long - Tổng công ty Vật liệu xây dựng số 1 (FICO) - Công ty Đông Mê Kông - Công ty cổ phần Việt Ren mới đóng đủ toàn bộ 601 tỷ đồng vốn chủ sở hữu.

Trong Văn bản số 133/BT20 - KHKT ngày 17/6/2019 gửi Bộ GTVT báo cáo kết quả thực hiện Kết luận kiểm toán số 671 và Thông báo kiểm toán số 672, ông Đỗ Ngọc Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BT20 - Cửu Long cho biết, đến giữa tháng 6/2019, đơn vị này đã đôn đốc các nhà thầu có liên quan khẩn trương rà soát, xuất hóa đơn và thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng tương ứng với phần khối lượng đã nghiệm thu, thanh toán, nhưng chưa có hóa đơn giá trị gia tăng theo quy định.

Bên cạnh đó, việc tiến hành xử lý, giảm trừ chi phí đầu tư với số tiền 9,1 tỷ đồng; giảm giá trị hợp đồng còn lại với số tiền 4,2 tỷ đồng; chênh lệch do tăng tỷ giá VND/USD thực tế chi trả so với phương án tài chính của Hợp đồng dự án 19,1 tỷ đồng… theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, sẽ chỉ có thể được thực hiện đầy đủ sau khi quyết toán Dự án được Bộ GTVT phê duyệt hoặc hoàn thành tất toán khoản vay vào năm 2029.

Theo một lãnh đạo Vụ Tài chính (Bộ GTVT), giải thích này có nhiều điểm chưa phù hợp, bởi các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước có giá trị pháp lý cao, cần nghiêm túc triển khai sớm, thay vì loay hoay đợi chờ quyết toán, chốt toàn bộ số liệu như nhà đầu tư mong muốn.

Kiến nghị Công ty cổ phần BT20 - Cửu Long xử lý 83 tỷ đồng về tài chính

Trong Thông báo số 672/TB-KTNN, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị Công ty cổ phần BT20 - Cửu Long phải xử lý số liệu tài chính với số tiền lên tới 83,5 tỷ đồng.

Số tiền trên gồm các khoản như giảm chi phí đầu tư 9,1 tỷ đồng (thu hồi về cho Dự án 4,266 tỷ đồng, giảm thanh toán 4,84 tỷ đồng); thu hồi về cho Dự án các khoản chi sử dụng nguồn vốn của Dự án không phù hợp với quy định 9,32 tỷ đồng; các đơn vị thi công xuất hóa đơn, kê khai nộp thuế giá trị gia tăng 60,8 tỷ đồng…

Bảo Như

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/du-an-bt-quoc-lo-20-noi-tphcm-voi-tp-da-lat-phot-lo-kien-nghi-cua-kiem-toan-d104132.html