Dự án bôxít Tây Nguyên: Đến lượt TKV lên tiếng

'Cả hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ đều có hiệu quả kinh tế, hoàn trả được vốn vay, đóng góp cho Ngân sách', Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam Vinacomin (TKV), đơn vị chủ đầu tư 2 dự án trên khẳng định.

Dây chuyền tuyển quặng trong nhà máy Tân Rai (Lâm Đồng). Ảnh:TL

Sau khi Bộ Công thương đưa ra ý kiến về những tranh cãi xung quanh hiệu quả kinh tế, xã hội, công nghệ của dự án bôxít Tây Nguyên được các chuyên gia nêu ra tại tọa đàm của Trung tâm Thiên nhiên và con người (Pan Nature), TKV cũng đã có những phản hồi chính thức về việc này.

Cụ thể, theo TKV, hiệu quả kinh tế của hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ đã được TKV tính toán, báo cáo các Bộ, Ngành, Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Kết quả tính toán cho thấy, cả hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ đều có hiệu quả kinh tế, hoàn trả được vốn vay, đóng góp cho Ngân sách.

Theo phân tích từ TKV, dự án Tân Rai lỗ kế hoạch 4 năm đầu, do phải trả nợ các khoản vay đến hạn và thời gian đầu dự án chưa đạt công suất thiết kế.

Trong khi, dự án Tân Rai lỗ kế hoạch 4 năm đầu, do phải trả nợ các khoản vay đến hạn và thời gian đầu dự án chưa đạt công suất thiết kế.

"Chính vì vậy, việc năm 2015 và một vài năm tiếp theo, các khoản lỗ mang tính chất lỗ kế hoạch theo dự kiến là chuyện bình thường", văn bản nêu rõ.

Cũng theo TKV, hiệu quả tổng hợp bước đầu của 2 dự án đã tác động lan tỏa và tích cực đến phát triển kết cấu hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động tại các địa phương.

TKV cũng cho biết, thực tế từ ngày 01/10/2013 dự án Tân Rai đã hoàn thành công tác ĐTXD, chạy thử và đi vào vận hành thương mại. TKV đã giao Công ty Nhôm Lâm Đồng-TKV quản lý vận hành toàn bộ Dự án. Nhà thầu EPC Chalieo Trung Quốc đã bàn giao hạng mục Nhà máy Alumina cho TKV và đã rút hầu hết nhân lực về nước.

Ngoài ra, TKV cũng dẫn số liệu năm 2013 Công ty Nhôm Lâm Đồng-TKV đã sản xuất được 208.000 tấn Alumina. Năm 2014 sản xuất được 485.000 tấn Alumina, đạt 75 % công suất thiết kế.

Phần lớn sản phẩm Alumina của Nhà máy được xuất khẩu, hiện TKV đã ký hợp đồng bán Alumina với 11 khách hàng từ Thụy Sỹ, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông…

Sản lượng Alumina xuất khẩu trong năm 2014 là 490.000 tấn, đem lại nguồn thu ngoại tệ xấp xỉ 160 triệu USD. Giá bán Alumina đầu năm 2014 ở mức 300÷310USD/tấn, cuối năm ở mức 350÷360 USD/tấn, bình quân cả năm 2014 đạt: 326,5 USD/tấn, cao hơn so với tính toán của dự án cho năm 2014 là 325 USD/tấn.

"Sản phẩm Alumina do Nhà máy sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, không có hàng tồn kho", đại diện TKV nhấn mạnh.

Không chỉ chứng minh hiệu quả kinh tế của dự án, TKV cũng phản hồi những thông tin liên quan đến công nghệ của 2 dự án này.

Theo đó, TKV cho biết sau khi tiếp nhận dự án từ Tổng Công ty khoáng sản Việt Nam, TKV đã "nghiên cứu và tìm hiểu một cách kỹ lưỡng" trong điều kiện Việt Nam chưa bao giờ làm alumina, để có thể đấu thầu rộng rãi quốc tế, việc điều chỉnh từ công nghệ hạn hẹp của Pechiney (Pháp) sang công nghệ Bayer Châu Mỹ đang được sử dụng phổ biến trên thế giới là rất cần thiết.

Trước đó, TS. Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc New Technology Solutions Vietnam, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án than đồng bằng sông Hồng thuộc Vinacomin đã đưa ra tính toán cho thấy, nếu sản xuất 660.000 tấn bauxite sẽ lỗ khoảng 37,4 triệu USD.

Tuy nhiên, Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương) mới đây cũng cho biết, tính toán trên là "vội vã" và "thiếu cơ sở".

Đồng thời cũng cho rằng, dự án Tân Rai lỗ kế hoạch 4 năm đầu, Nhân Cơ lỗ 5 năm đầu do phải trả nợ các khoản vay đến hạn…nên việc năm 2015 và một vài năm tiếp theo, các khoản lỗ mang tính chất lỗ kế hoạch theo dự kiến là có tính quy luật.

NGUYỄN THẢO

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/doanh-nghiep/du-an-boxit-tay-nguyen-den-luot-tkv-len-tieng-903040.html