Dự án Better Life Farming: Tiềm năng canh tác lớn cho các nông hộ nhỏ

Ở châu Á, Better Life Farming – một liên minh giữa các công ty hàng đầu về nông nghiệp - sẽ phát triển các mô hình nông nghiệp bền vững, với khả năng kết nối các đối tác toàn cầu và địa phương nhằm cải thiện sinh kế cho các nông hộ nhỏ và đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.

Tại Hội nghị Gạo Quốc tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Tập đoàn Bayer, Tổ chức IFC (thành viên của World Bank Group), Netafim và Swiss Re Corporate Solutions cùng với các đối tác địa phương đã triển khai dự án Better Life Farming cho nông hộ nhỏ trồng lúa ở châu Á.

Thu hoạch lúa ở ruộng trồng thí điểm dự án BLFA tại Long An, Việt Nam

Thu hoạch lúa ở ruộng trồng thí điểm dự án BLFA tại Long An, Việt Nam

Theo bà Tania Lozansky - Giám đốc Tư vấn cấp cao Ngành Sản xuất kinh doanh nông nghiệp & dịch vụ của IFC: "Những nông hộ nhỏ đang đảm bảo 80% nguồn lương thực ở các quốc gia đang phát triển nhưng họ lại đối mặt với nhiều thách thức, từ tác động của biến đổi khí hậu đến khó khăn trong việc tiếp cận đầu vào và tài chính. Kết quả là họ chỉ nhận được một phần lợi nhuận nhỏ so với tiềm năng sản xuất lớn của họ. Là một trong những đối tác của Better Life Farming, IFC sẽ giúp các nông hộ nhỏ thu hẹp khoảng cách này thông qua tiếp cận nguồn vốn và cải thiện khả năng tài chính, để người nông dân có thể quản lý đồng ruộng của họ như một nhà kinh doanh nông nghiệp".

Tại Việt Nam, thách thức lớn nhất của nông dân trồng lúa xuất khẩu hiện nay là làm thế nào để cải thiện chất lượng gạo, đạt chuẩn dư lượng xuất khẩu MRL của thị trường nhập khẩu cao cấp trên thế giới.

Trọng tâm chính của dự án tại Việt Nam là chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác cho các nông hộ nhỏ thông qua đào tạo và tư vấn quy trình quản lý đồng ruộng, quy trình canh tác tiên tiến và quản lý dịch hại, giúp nông hộ nhỏ tiếp cận thị trường để có đầu ra ổn định cho nông sản sau thu hoạch. Hơn nữa, dự án liên kết với các đối tác thu mua như Gạo Minh Tâm và Trung An, cung cấp đầu vào như nguồn vốn hoặc giống và giải quyết đầu ra cho bà con nông dân như ký hợp đồng thu mua theo giá thị trường, đồng thời sẽ trả giá cao hơn cho nhà nông nếu hạt gạo đạt chuẩn dư lượng xuất khẩu. Dự án đang tập trung triển khai ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Hậu Giang, Cần Thơ và Kiên Giang.

Năm 2018, dự án nhận được sự tham gia của 1.580 nông dân với diện tích 1.634 hecta. Kết quả đã nâng cao năng suất, tăng chất lượng hạt gạo đạt chuẩn dư lượng có thể xuất khẩu và tăng lợi nhuận cho nông dân. Điển hình như ở Long An, dự án giúp nhà nông giảm tiền công đầu vào hơn 20% và thu nhập tăng hơn 26% so với các ruộng không trồng theo dự án. Chất lượng hạt gạo đáp ứng đủ điều kiện theo các tiêu chuẩn gạo xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

"Qua dự án trên, phần nào các bạn đã hình dung được những người nông dân nhỏ đang làm việc tận tụy để nuôi sống gia đình họ, cộng đồng của họ cũng như dân số ở địa phương và toàn cầu. Từ đó, việc Bayer Việt Nam luôn hợp tác chặt chẽ với nông hộ nhỏ để phát triển sáng kiến này sẽ góp phần tác động thực sự đến năng suất cây trồng cũng như hỗ trợ nông hộ nhỏ trong quá trình phát triển kinh doanh nông nghiệp và cải thiện sinh kế của họ" - ông Kohei Sakata Tổng Giám đốc Bayer Việt Nam - chia sẻ.

Kể từ khi bắt đầu thí điểm dự án trên gạo vào năm 2017, Better Life Farming ở châu Á đã đạt được những kết quả tuyệt vời từ các ruộng mô hình thí điểm tại Philippines, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Hầu hết các kết quả cho thấy, dự án giúp cải thiện năng suất và thu nhập cho nông dân sản xuất nhỏ so với tập quán canh tác truyền thống.

Cẩm Tú

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/du-an-better-life-farming-tiem-nang-canh-tac-lon-cho-cac-nong-ho-nho-115334.html