Dư âm bên dòng sông chảy ngược
Ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI, năm 2024 đã khép lại. Nhưng bên dòng sông chảy ngược (Sông Kỳ Cùng, tỉnh Lạng Sơn), nơi diễn ra Ngày hội còn âm vang tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Cũng như các tỉnh trong vùng Đông Bắc của Tổ quốc, đoàn nghệ nhân, vận động viên quần chúng 'xứ trà - đất thép' Thái Nguyên mang theo về bao niềm tự hào. Lớn hơn cả là được đóng góp cùng các tỉnh trong vùng Đông - Bắc về bảo tồn, gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Tháng 11, hơi mùa Đông đã buông lơi trên khắp xứ Lạng, song lòng người ấm áp bởi những cuộc gặp gỡ, giao lưu của đồng bào các dân tộc vùng Đông Bắc. Một lần nữa bên dòng sông chảy ngược ở xứ Lạng diễn ra các hoạt động văn hóa, thể thao, quảng bá du lịch ý nghĩa. Hàng trăm nghệ nhân, vận động viên quần chúng thuộc các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn hội về tay bắt, mặt mừng, cùng giao lưu, chia sẻ những nét đẹp văn hóa độc đáo của dân tộc mình.
Mỗi tỉnh một nét riêng, như xứ Lạng được biết đến bởi đây là vùng đất biên cương mang nhiều dấu ấn lịch sử, cùng đó là các lễ hội: Bủng Kham, Pác Moòng... Ẩm thực có vịt quay, nem nướng, rượu Mẫu Sơn…ngất ngây lòng người cùng hương hồi, hương quế và trà xanh Đình Lập. Người cả nước biết đến Lạng Sơn còn bởi “phố Kỳ Lừa, Nàng Tô Thị, chùa Tam Thanh”. Còn với Thái Nguyên là bới “Đệ nhất danh trà”, huyền thoại về tình yêu đôi lứa chàng Cốc, nàng Công và hệ thống di tích lịch sử, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị đưa ra quyết định làm nên “một Điện Biên chấn động địa cầu” và 550 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê. Có lẽ đó cũng là một trong những lý do hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch của đoàn 2 tỉnh Thái Nguyên và Lạng Sơn được Ban tổ chức ngày hội trao giải A.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Vũ Thị Thu Hường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó trưởng đoàn phụ trách nội dung về lĩnh vực văn hóa tỉnh Thái Nguyên tự hào: Hầu hết các hoạt động diễn ra tại ngày hội, Đoàn của tỉnh Thái Nguyên được ban tổ chức đánh giá cao. Ngoài giải A về hoạt động quảng bá du lịch, đoàn Thái Nguyên còn được trao giải A và giải C Liên hoan văn hóa nghệ thuật quần chúng; giải A không gian trưng bày, chế biến, giới thiệu văn hóa ẩm thực truyền thống; giải B không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống; giải C trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc; giải C trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Tày, Nùng, Dao. Riêng tham gia các hoạt động thể thao, Thái Nguyên giành nhất toàn đoàn với tổng số 28 huy chương các loại. Đăc biệt đoàn được Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc tham gia các hoạt động.
Trong suốt thời gian hội diễn ra, lời then, tiếng tính của các nghệ nhân “đất thép, xứ trà” chảy tràn cùng men rượu nồng và thoảng thơm trong hương hồi, hương quế xứ Lạng. Vâng! Những người con của vùng đất Thái Nguyên đến với Lạng Sơn còn mang ý nghĩa nhân duyên của một tình yêu tuyệt đẹp trong đấu tranh vì độc lập tự do của dân tộc giữa 2 trái tim Cộng sản là Hoàng Ngân và Hoàng Văn Thụ. Nghệ nhân Nhân dân đàn tính, hát then Hoàng Thị Hồng tự hào: Lạng Sơn có di tích lưu niệm và tượng đài Hoàng Văn Thụ, thì ở Thái Nguyên có đồi Hoàng Ngân, có đường mang tên liệt sĩ Hoàng Ngân. Mối tình xưa của các bậc tiền bối cách mạng cũng là cơ duyên để cán bộ, Nhân dân 2 tỉnh gắn bó thâm tình… Niềm tự hào làm lời then, tiếng tính của các nghệ nhân đoàn Thái Nguyên rộn ràng nền nảy như đi sâu vào trái tim bao người. Từng câu ca cất lên như mời gọi, níu lòng người nghe. Để tan hội trở về, du khách cảm nhận được trong lời hát của những người con “xứ trà, đất thép” nư hòa cùng hương hồi, hương quế của vùng đất có dòng sông chảy ngược nơi xứ Lạng.
Trò chuyện với chúng tôi, nghệ nhân ẩm thực Lý Thị Chiên tâm sự: Đại diện cho Thái Nguyên, chúng tôi góp với Ngày hội mâm xôi ngũ sắc được làm làm từ gạo nếp ngâm với lá rừng; món cá bống bắt được từ khe suối, rồi bánh chưng, bánh giày, cơm lam, khau nhục… Đây là những thức món truyền thống của các dân tộc vùng Đông - Bắc, chứ không của riêng Thái Nguyên. Chúng tôi tự hào về điều đó.
Phải rồi, giữa các tỉnh trong vùng Đông Bắc Tổ quốc có nhiều phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa truyền thống tương đồng. Nên cũng từ bao đời nay đồng bào các dân tộc vùng Đông Bắc luôn đoàn kết bên nhau trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm; đồng lòng trong xây dựng quê hương ngày thêm văn minh, giàu đẹp và tích cực gắn bó cùng đồng bào các dân tộc cả nước vươn lên hội nhập thế giới. Như lời phát biểu của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng: “Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu rộng, các giá trị văn hóa tốt đẹp đã và đang được đồng bào các dân tộc vùng Đông Bắc bảo tồn, phát huy, tạo thành nguồn lực, là động lực quan trọng để các dân tộc vùng Đông Bắc vượt qua khó khăn, từng bước vươn lên”.
Hội đã tan, nhưng âm hưởng câu ca của đồng bào các dân tộc vùng Đông - Bắc còn neo lại bên dòng sông chảy ngược mang tên Kỳ Cùng. Vâng! Sông chảy ngược, song lòng người Đông Bắc luôn đồng thuận, vượt lên mọi khó khăn, theo Đảng đến cùng, góp phần xây dựng mái nhà chung của 54 dân tộc Việt Nam ngày càng thịnh vượng, văn minh, sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới.
Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/du-am-ben-dong-song-chay-nguoc-5027992.html