ĐTM Cái Lớn–Cái Bé: Cần sửa nhiều, có nên hoãn?

Đây là lần triệu tập họp lần thứ tư. Ba lần trước đã bị hoãn vì báo cáo ĐTM chưa đạt yêu cầu.

Phối cảnh cống Cái Lớn

Ngày 03.11.2018 vừa qua, Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé, do Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập, đã họp ngày 30.10.2018 tại Hà Nội.

Đây là lần triệu tập họp lần thứ tư. Ba lần trước đã bị hoãn vì báo cáo ĐTM chưa đạt yêu cầu. Việc hoãn lại ba lần là một bước tiến trong công tác thẩm định báo cáo ĐTM của một dự án đầu tư công, và cũng thể hiện nhận thức về tầm quan trọng của tác động lên môi trường của dự án, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cụ thể là của vị Thứ trưởng phụ trách dự án.

Dự án đã được góp ý, phản biện nhiều chiều trong suốt 18 tháng qua, từ khi dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Cuộc họp lấy ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia và các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu và Cần Thơ, gần đây nhất và là lần đầu tiên, được tổ chức tại Rạch Giá ngày 07.09.2018.

Đây cũng là cuộc họp lần đầu tiên thẩm định một dự án đầu tư công trên địa bàn đồng bằng sông Cửu Long sau khi Nghị Quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu được ban hành.

Tôi đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường mời tham dự cuộc họp với tư cách “đại biểu tham dự Hội đồng”. Tôi đã tham dự và không bỏ phiếu.

21/22 ủy viên của hội đồng và đại biểu được mời đã làm việc từ 14 giờ đến 19 giờ không nghỉ giải lao. 21/21 bỏ phiếu thông qua ĐTM với điều kiện phải sửa đổi đầy đủ theo các ý kiến đã được phát biểu.

Những ý kiến này theo ghi chép của tôi (chưa đầy đủ) gồm có:

+ Cho dù là một dự án về thủy lợi, nhưng báo cáo phải nêu rõ các yếu tố đặc thù của vùng dự án, phải bổ sung thông tin về trầm tích, về mưa, về nước biển dâng, về địa hình, về sụt lún đất, làm rõ hiện trạng về đa dạng sinh học, về sản xuất nông lâm thủy sản, về rừng U Minh Thượng ngày trước và Vườn quốc gia UMT hiện nay. Làm rõ để đánh giá các tác động và khả năng thoát lũ của dự án.

+ Vùng tác động cũng như vùng hưởng lợi từ dự án không có biên cố định như trong báo cáo, mà thay đổi theo nhiều yếu tố, đặc biệt nước biển dâng, sụt lún ỏ đồng bằng, …và từ chính công trình.

+ Số liệu phải có độ dài đủ để đáng tin. Các báo cáo của dự án sử dụng nhiều mô hình số, vấn đề số liệu lại càng quan trọng.

+ Chế độ vận hành các cống Cái Lớn, Cái Bé có thực tế không.

+ Đánh giá tác động môi trường phải có ba giai đoạn: chuẩn bị thi công, thi công và sau khi công trình đi vào hoạt động.

+ Trong bối cảnh có nhiều yếu tố bất định, phải tính đến tính hiệu quả và bền vững của các công trình, phải có các giải pháp thay thế, các công trình có thể thay đổi công năng, và các giải pháp phi công trình.

+ Trước tình hình có nhiều nôi dung rất cơ bản cần chỉnh sữa, có nên hoãn việc phê duyệt dự án đến sau khi Quy hoạch tổng thể thủy lợi đồng bằng sông Cửu Long và dự án Tái cơ cấu nông nghiệp ĐBSCL theo Nghị quyết 120 được ban hành? Những nghiên cứu của dự án HTTL CL-CB có thể tham gia vào hai dự án vĩ mô hơn trên đây nhưng không thể đặt chúng trước sự việc đã rồi.

Có hai ý nổi bật mà tôi ghi nhận từ phát biểu kết luận của Chủ tịch Hội đồng:

(1) Yêu cầu chủ đầu tư phải nghiên cứu kỹ, lập bảng giải trình đối với từng ý kiến mà cuộc họp đã góp để tiếp tục hoàn chỉnh dự án và báo cáo ĐTM,đặc biệt về cơ chế vận hành của các cống, và báo cáo ĐTM phải có đầy đủ ba giai đoạn: chuẩn bị thi công, thi công và sau khi công trình đi vào hoạt động.

(2) Câu hỏi gửi đến Thứ trưởng Hoàng văn Thắng, ý kiến của nhiều ủy viên về việc hoãn việc phê duyệt dự án đến khi công bố Quy hoạch tổng thể thủy lợi ĐBSCL theo tinh thần NQ 120 của Chính phủ. Trong thời gian đó chủ đầu tư hoàn chỉnh việc sửa đổi các báo cáo như đã góp ý. (Về câu hỏi này, Thứ trưởng Hoàng văn Thắng hứa sẽ báo cáo lại với Bộ trưởng Bộ NNvPTNT và sau đó sẽ trả lời bằng văn bản).

Nói cách khác, theo tôi hiểu, khi nào hai vấn đề trên đây chưa được làm rõ, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chưa phê duyệt Báo cáo ĐTM của dự án.

Qua trải nghiệm có được từ cuộc họp, tôi cho rằng việc xét duyệt dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé đã có những bước tiến đầu tiên rất đáng ghi nhận trong hướng lắng nghe các ý kiến phản biện, công khai, minh bạch hóa, và đề cao trách nhiệm giải trình của các cấp, các cơ quan và cá nhân trong việc thảm định và xét duyệt.

Những bước tiến này cần được khẳng định và đẩy mạnh. Đó là đòi hỏi ngày càng mạnh mẽ của cuộc sống của người dân đồng bằng sông Cửu Long, của hiệu quả của đầu tư công và nói rộng hơn của việc sử dụng ngân sách nhà nước./.

Gs. Nguyễn Ngọc Trân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/dtm-cai-loncai-be-can-sua-nhieu-co-nen-hoan-3368860/