ĐT Việt Nam và ĐT Thái Lan đối mặt thách thức tương đồng sau AFF Cup 2022

Sau khi AFF Cup 2022 kết thúc, ĐT Việt Nam và ĐT Thái Lan sẽ phải đi tìm lời giải cho bài toán tái thiết đội hình trong năm 2023 để phục vụ các mục tiêu năm 2024 khi các trụ cột đã lớn tuổi.

Highlights ĐT Thái Lan 1-0 ĐT Việt Nam

Mong muốn ĐT Thái Lan tìm ra những nhân tố mới là một trong những lý do được Chanathip Songkrasin đưa ra khi xác nhận không tham dự AFF Cup 2022, bên cạnh nguyên nhân không đảm bảo thể trạng và cần được nghỉ ngơi.

ĐT Thái Lan quả thực đã vô địch AFF Cup 2022 với nhiều gương mặt mới. Bên cạnh những trụ cột lâu năm như Theerathon Bunmathan, Sarach Yooyen, Teerasil Dangda, Adisak Kraisorn là sự xuất hiện của những Peeradon Chamratsamee, Suphanan Bureerat, Bordin Phala, Sasalak Haiprakhon, Poramet Arjvirai hay Weerathep Pomphan.

Vấn đề là những nhân tố mới của ĐT Thái Lan đều không còn trẻ. Tiền vệ Peeradon Chamratsamee (1992) và hậu vệ phải Suphanan Bureerat (1993) thuộc thế hệ đầu 9X như Chanathip Songkrasin, Sarach Yooyen hay Theerathon Bunmathan. Trong khi tiền đạo Bordin Phala (1994), tiền vệ Weerathep Pomphan (1996) và hậu vệ trái Sasalak Haiprakhon (1996) thuộc thế hệ giữa 9X.

Theerathon đoạt danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất AFF Cup 2022 ở tuổi 32. (Ảnh: Duy Đức)

Theerathon đoạt danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất AFF Cup 2022 ở tuổi 32. (Ảnh: Duy Đức)

Đội hình chính của Thái Lan đá chung kết lượt về AFF Cup 2022 chỉ có 2 cầu thủ thuộc thế hệ Gen Z là tiền đạo Poramet Arjvirai (1998) và trung vệ Kritsada Kaman (1999). Nếu tính thêm những cầu thủ dự bị thì lứa Gen Z của bóng đá Thái Lan có tiền vệ Ekanit Panya (1999) được tung vào sân.

Về cơ bản, thành công của ĐT Thái Lan ở AFF Cup 2022 cũng dựa trên lực lượng nòng cốt là những cầu thủ thuộc thế hệ đầu và giữa 9X, giống như khi đăng quang tại AFF Cup 2014, 2016 và 2020. Dù rằng, lực lượng Thái Lan lần này chỉ được xem là “đội B” và có nhiều biến động nhân sự so với 3 danh hiệu trước đó.

Đội hình “Thái Lan A” vắng mặt ở AFF Cup 2022 cũng có đặc điểm “không còn trẻ” với những Chanathip Songkrasin (1993), Manuel Tom Bihr (1993), Thitiphan Puangchan (1993), Tanaboon Kesarat (1993), Kawin Thamsatchanan (1990) thuộc nhóm 9X đời đầu và Phitiwat Sukjitthammakul (1995), Narubadin Weerawatnodom (1994) thuộc nhóm giữa 9X.

Những tài năng trẻ của đội “Thái Lan A” chỉ có tiền vệ Thanawat Suengchitthawon (2000) và tiền đạo Suphanat Mueanta (2002). Trong khi tiền vệ Supachok Sarachat (1998) và tiền đạo Supachai Chaided (1998) bắt đầu bước vào giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp.

Weerathep là ví dụ tiêu biểu cho lực lượng "Thái Lan B" khi chơi hay tại Thai League và đã phải chờ khá lâu mới có cơ hội thể hiện ở ĐTQG nên tuổi nghề không còn trẻ. (Ảnh: Hoài Thương)

Chức vô địch AFF Cup 2022 của Thái Lan cho thấy một số điểm đáng lưu ý. Thứ nhất, chất lượng Thai League thực sự ấn tượng. Đây là môi trường để những cầu thủ chinh chiến lâu năm như Peeradon Chamratsamee (Buriram United), Bordin Phala (Port FC) hay Weerathep Pomphan (Muangthong United) có thể vươn tới trình độ vô địch Đông Nam Á. Thứ hai, điều gì đang xảy ra với hệ thống đào tạo trẻ của Thái Lan? Việc các tài năng trẻ vắng bóng trong đội hình vô địch AFF Cup 2022 trùng khớp với thành tích đi xuống của các bóng đá Thái Lan ở các giải trẻ gần đây.

Với việc Asian Cup dự kiến lùi lịch sang đầu năm 2024 và AFF Cup tới cuối năm 2024 mới trở lại, ĐT Thái Lan sẽ phải giải quyết bài toán làm mới đội hình trong năm 2023. Bởi lẽ, đến năm 2024 thì Theerathon Bunmathan sẽ 34 tuổi, Teerasil Dangda sẽ 36 tuổi, Sarach Yooyen, Peeradon Chamratsamee, Suphanan Bureerat đều sẽ 32 tuổi, còn Chanathip Songkrasin sẽ 31 tuổi.

Thách thức tương tự cũng xuất hiện với ĐT Việt Nam trong năm 2023. Sau khi chia tay HLV Park Hang Seo, ĐT Việt Nam dự kiến sẽ có nhiều biến động về lối chơi, nhân sự và cấu trúc đội hình. Ngoài ra, hai chữ “lớn tuổi” cũng bắt đầu xuất hiện ở ĐT Việt Nam, dù lực lượng nòng cốt của chúng ta trẻ hơn Thái Lan vài tuổi.

Đội hình ĐT Việt Nam dự kiến sẽ có nhiều biến động sau AFF Cup 2022 khi sắp sửa có HLV mới kế nhiệm thầy Park và một số cầu thủ bắt đầu chạm ngưỡng tuổi 30. (Ảnh: Hoài Thương)

Quế Ngọc Hải, Đỗ Hùng Dũng, Đặng Văn Lâm sẽ đón sinh nhật tuổi 30 trong năm 2023. Trong khi lứa 1995-1996 của Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Văn Toàn, Đỗ Duy Mạnh, Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Công Phượng, Lương Xuân Trường… chuẩn bị bước đến ngưỡng “tuổi băm” và khó lòng tạo ra sức bật vào năm 2024.

So với Thái Lan, ĐT Việt Nam lợi thế hơn khi lứa 1997-1999 của Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Hoàng Đức, Đoàn Văn Hậu, Bùi Hoàng Việt Anh, Nguyễn Thành Chung… đang ở giai đoạn sung sức và có thể gánh vác trọng trách làm nòng cốt cho các mục tiêu năm 2024.

Bóng đá Việt Nam cũng có thành tích nhỉnh hơn Thái Lan ở các giải trẻ trong thời gian qua, nhưng vấn đề là thế hệ cầu thủ sinh sau năm 2000 cũng không được đánh giá cao như thế hệ đàn anh. Ngoài ra, AFF Cup 2022 đã cho thấy V-League đuối hơn Thai-League ở khả năng cung cấp và phát triển lực lượng cho ĐTQG.

Điểm tương đồng là ĐT Việt Nam cũng như ĐT Thái Lan đều phải tính toán cho ASIAN Cup và AFF Cup vào năm 2024 bằng lực lượng tại chỗ (đang ngày càng già đi) và chưa thấy tiềm năng phát triển đột biến từ nhóm tài năng trẻ.

Thế nên, dù không có lịch đối đầu trong năm 2023, thì ĐT Việt Nam và ĐT Thái Lan vẫn được đặt chung vào một đường đua. Đó là cuộc đua tìm lời giải cho bài toán xây dựng đội hình./.

PV/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-thao/dt-viet-nam-va-dt-thai-lan-doi-mat-thach-thuc-tuong-dong-sau-aff-cup-2022-post997059.vov