ĐT Việt Nam: Nên hay không tạo cơ hội 'gọi lên tuyển' cầu thủ nhập tịch?

Những cầu thủ nhập tịch tỏa sáng trong màu áo của Malaysia, Indonesia tại vòng loại thứ 2 World Cup 2022, giúp đội nhà có được những kết quả khả quan. Vậy Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) nên chăng cởi mở và tạo cơ hội nhiều hơn cho các cầu thủ nhập tịch?

Triệu tập cầu thủ nhập tịch hiện đang là xu thế của bóng đá thế giới. Trong đó, các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia hay Philippines cũng đã sử dụng khá nhiều cầu thủ nhập tịch trong thời gian qua và đem lại hiệu quả rất tốt.

Tại vòng loại World Cup 2022, các đội bóng Đông Nam Á trở nên mạnh mẽ và tạo ra khá nhiều bất ngờ khi phải đối đầu với những đội bóng lớn. Công lớn của những thành công đó có sự đóng góp không nhỏ của các cầu thủ nhập tịch. Nhờ có sự phục vụ của những cầu thủ nhập tịch mà chất lượng chuyên môn của những trận đấu các đội bóng Đông Nam Á được nâng cao một cách rõ rệt.

Điển hình nhất là trong trận đấu giữa ĐTQG Indonesia và ĐTQG Malaysia ở lượt trận đầu tiên, 4/5 bàn thắng của trận đấu này đều đến từ những chân sút "ngoại quốc" của cả hai đội. Họ chính là những mắt xích quan trọng đóng góp vào thành công chung của cả hai đội bóng.

Nếu như ĐTQG Indonesia hai lần vươn lên dẫn trước nhờ Beto Concalves thì trong chiến thắng của Malaysia trước Indonesia, Mohamadou Sumareh là người góp công lớn với 2 bàn thắng cực kỳ quan trọng.

ĐTQG Malaysia đang thi đấu rất hay tại vòng loại World Cup 2022. Trong đó, công lớn thuộc về những cầu thủ nhập tịch.

ĐTQG Malaysia đang thi đấu rất hay tại vòng loại World Cup 2022. Trong đó, công lớn thuộc về những cầu thủ nhập tịch.

Nói xa hơn một chút, Philippines, đội bóng có số lượng cầu thủ nhập tịch đông đảo cũng có được những kết quả vô cùng khả quan trước đảo Guam và Syria. Chứng kiến những gì mà các "ngoại binh" đem lại cho các đội bóng như Thái Lan, Malaysia hay Indonesia tại vòng loại World Cup 2022, NHM Bóng đá Việt Nam cũng đặt ra một câu hỏi rằng chúng ta có nên tạo cơ hội và triệu tập các cầu thủ nhập tịch lên ĐTQG?

Trước hết, chưa nói về câu chuyện màu cờ, sắc áo, nếu các cấp độ ĐTQG Việt Nam có sự phục vụ của các cầu thủ ngoại có quốc tịch Việt Nam, sức mạnh của chúng ta sẽ tăng lên đáng kể. Trong nhiều năm qua, thể hình và thể lực luôn là thứ mà ĐTQG Việt Nam thất thế hơn so với các đội bóng trong khu vực cũng như châu Á. Bởi vậy, nếu các cầu thủ nhập tịch được thi đấu trong màu áo của các cấp độ ĐTQG Việt Nam, khả năng tranh chấp cũng như những tình huống phòng ngự hoặc tấn công của chúng ta sẽ được cải thiện rõ rệt.

Đơn cử như ĐTQG Malaysia, ở thời điểm hiện tại, những cầu thủ nhập tịch như Sumareh, Liridon Krasniqi và De Paula đã thi đấu cực hay trong suốt thời gian qua. Với tốc độ, sức mạnh và khả năng càn lướt của mình, bộ ba này đã khiến cho đối thủ nặng ký nhất bảng G là UAE cũng phải rất vất vả mới có thể giành được chiến thắng.

Tuy nhiên, đối với bóng đá Việt Nam mà nói, cụm từ cầu thủ nhập tịch khá "nhạy cảm". Bởi lẽ vì "bóng ma" mà họ tạo ra đã ám ảnh NHM Việt Nam trong những năm về trước. Còn nhớ, năm 2008 thủ thành Phan Văn Santos (gốc Brazil) cũng đã được triệu tập lên ĐTQG để thi đấu với Olympic Brazil nhưng ở trận đấu đó, NHM bóng đá Việt Nam tỏ ra khá bức xúc và cho rằng cầu thủ này không tôn trọng màu cờ sắc áo.

Có lẽ, bóng đá Việt Nam nên nới lỏng và tạo cơ hội lên tuyển cho những cầu thủ nhập tịch có khao khát được cống hiến cho ĐTQG.

Ngoài ra những Đinh Hoàng Max, Đinh Hoàng La hay Huỳnh Kesley Alves cũng đã được trao cơ hội ở những giải đấu giao hữu nhưng cũng không thể hiện được nhiều. Chính vì lẽ đó mà từ đó đến nay, những cầu thủ nhập tịch vì nhiều lý do khác nhau đã không còn được triệu tập lên tuyển nữa.

Thế nhưng, chuyện các cầu thủ nhập tịch không có sự chuyên nghiệp và tôn trọng màu cờ sắc áo đã trở thành quá khứ bởi hiện nay, những cầu thủ ngoại thực lòng muốn cống hiến cho bóng đá Việt Nam và cụ thể là ĐTQG là khá nhiều. Những Hoàng Vũ Samson, Đinh Hoàng Max hay Lê Văn Phú đã không ít lần công khai bày tỏ tình yêu với Việt Nam và mong ước được cống hiến cho ĐTQG. Sẽ không có quá nhiều khó khăn để họ hòa nhập nếu được triệu tập bởi một số người đã nói được tiếng Việt, lập gia đình với người Việt và đã nhập quốc tịch Việt Nam.

Bên cạnh đó, nói về chuyên môn thì họ không hề thua kém các cầu thủ Việt kiều. Bên cạnh đó một điểm mạnh mà họ hơn hẳn những cầu thủ Việt kiều nằm ở việc họ quá am hiểu bóng đá và lối chơi của bóng đá Việt Nam.

Vậy nên, dẫu biết rằng kể từ sau "cú phốt" mang tên Phan Văn Santos, VFF đã có chính sách hạn chế triệu tập cầu thủ nhập tịch nhưng liệu có quá lãng phí "nguồn tài nguyên" đó hay không khi những cầu thủ nhập tịch có trình độ và khao khát có cơ hội được thử sức và cống hiến cho màu áo ĐTQG Việt Nam? Đây vẫn là một bài toán.

Uông Đàm Linh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dt-viet-nam-nen-hay-khong-tao-co-hoi-goi-len-tuyen-cau-thu-nhap-tich-a448590.html