ĐT Pháp vs ĐT Croatia: 20 năm sau

Hai mươi năm sau, hệt như tựa đề phần tiếp theo bộ tiểu thuyết 'Ba người lính ngự lâm' của Alexandre Dumas, Pháp tái ngộ Croatia cho một cuộc đối đầu lịch sử.

Hai mươi năm đã trôi qua, biết bao thay đổi đã diễn ra trong lịch sử thế giới bóng đá, nhưng những gì xảy ra ngày đó, cũng là một ngày tháng bảy, thì chẳng mấy ai có thể quên.

Khi Davor Suker sút tung lưới Fabien Barthez vào chiều 8/7/1998 trên sân Saint Denis, Paris, dường như một trận động đất đã diễn ra ở Zagreb, cách đó hơn 2.000 km. Những người dân Croatia, đứng chật quảng trường của thủ đô đất nước, và biết bao người Croatia ở các nơi khác trên đất nước này, trên thế giới vừa nhảy lên ăn mừng.

Những khoảnh khắc lịch sử của Pháp và Croatia

Đó là phút đầu tiên của hiệp 2, nhưng niềm vui ấy chỉ tồn tại trong đúng 57 giây, bởi ngay sau đó, một trận động đất khác xảy ra ở chính khu Saint Denis ấy. Hậu vệ Lilian Thuram san bằng tỷ số bằng một pha xung phong vào cấm địa của thủ môn Dražen Ladic.

Thế hệ của Davor Suker và Zvonimir Boban đã giúp ĐT Croatia gây tiếng vang tại World Cup 1998 diễn ra ngay trên đất Pháp. Ảnh: FIFA.

Người Pháp nhảy lên sung sướng tột cùng. Và rồi chỉ phải chờ thêm hơn 20 phút nữa, khi chính Thuram tận dụng một thoáng thiếu quyết đoán và dũng cảm của hậu vệ Croatia, sút tung lưới Ladic từ ngoài cấm địa, ghi bàn thắng thứ hai.

Pháp vào chung kết, và phần sau đó chúng ta đã biết. Lịch sử được tạo nên từ hai cú đánh đầu của Zinedine Zidane, và bàn ấn định thắng lợi trước Brazil của Emanuel Petit.

Ngày ấy, Pháp của những Zidane, Yuri Djorkaeff, Laurent Blanc và Marcel Desailly mạnh hơn và giàu kinh nghiệm hơn bây giờ, dù con đường vào bán kết của họ khá chông gai (vượt qua Italy trên chấm phạt đền và thắng Paraguay một cách khó khăn).

Còn Croatia của ngày ấy là một đội tuyển mới thành lập được 5 năm, sau khi quốc gia này tách ra giành độc lập từ Liên bang Nam Tư. Đội bóng khi đó với Boban, Suker và Robert Prosinecki bị cho là thiếu hoàn thiện hơn đội bóng hiện tại, nhất là ở tuyến giữa, nhưng vào bán kết với sự khao khát thể hiện mình và sự hào hứng được chơi lần đầu ở một giải đấu cấp thế giới.

Gặp nhiều khó khăn trước khi đến Nga, nhưng Croatia đã chứng minh được bản lĩnh khi toàn thắng vòng bản, sau đó thi đấu liên tiếp 3 trận suốt 120 phút để có mặt ở chung kết.

Hành trình của 'thế hệ vàng Croatia' năm 1998

Họ đã vào bán kết sau khi vượt làm nhục Đức. Miroslav Blazevic, người thầy của đội tuyển Croatia ngày đó, giờ nghỉ hưu và đang ở tuổi 83, còn HLV của Pháp bây giờ, Didier Deschamps, chính là đội trưởng đội áo lam ngày ấy.

Bây giờ vẫn còn video ghi lại cảnh HLV Pháp lúc ấy là Aime Jacquet nói chuyện với tất cả cầu thủ, tìm cách kích thích tinh thần thi đấu của họ sau một hiệp đấu thất vọng mà Pháp không thể áp đặt được lối chơi của mình.

Ivan Perisic thể hiện phong độ rực sáng để giúp ĐT Croatia vượt qua ĐT Anh, qua đó giành vé chung kết World Cup 2018 gặp ĐT Pháp của HLV Didier Deschamps. Đồ họa: Minh Phúc.

Chính bàn thắng của Suker khiến các cầu thủ Pháp tỉnh giấc, và rồi Thuram, trước đó chưa từng ghi bàn thắng cho Pháp, đã lập cú đúp cho "Les Bleus". Đấy là điều mà sau này chính anh cũng giải thích là không sao hiểu nổi, nhưng việc anh xông lên vào những thời điểm ghi bàn ấy là "sản phẩm" từ những điều chỉnh của Jacquet, khi ông nhận thấy cánh trái của Croatia chơi không ổn.

Chính giai đoạn knock-out cho thấy những điều chưa từng thấy ở đội tuyển Pháp. Đấy là trong những trận đấu mang tính quyết định, các hậu vệ ghi bàn. Họ đã ghi tổng cộng 3 bàn trong giai đoạn này, với bàn của Blanc vào lưới Paraguay và các bàn thắng của Thuram trước Croatia.

Điều đó có gợi những suy luận gì cho hiện tại không? Có, Benjamin Pavard đã sút tung lưới Argentina khi bị đội của Lionel Messi dẫn trước 2-1, tạo bước ngoặt lớn dẫn đến chiến thắng 4-3.

Raphael Varane mở tỷ số trong chiến thắng Uruguay 2-0 tại tứ kết, trong khi trung vệ đá cặp với anh, Samuel Umtiti, đánh đầu ghi bàn duy nhất giúp Pháp loại Bỉ ở bán kết.

Họ đã tỏa sáng rực rỡ trong thời điểm các tiền đạo tịt ngòi (Stéphane Guivarc'h ngày đó và Olivier Giroud bây giờ). Cũng không thể quên rằng, trong cả hai thời điểm, Pháp đều có những "baby" tài năng mới nở, với ngày đó Thiery Henry và bây giờ là Kylian Mbappe.

Liệu Croatia có thể viết trang sử mới?

Đưa ra những so sánh trên để hàm ý rằng Pháp 2018 cũng sẽ đi theo sao chiếu mệnh 1998? Không hẳn. Lịch sử đôi chỉ có ý nghĩa tham khảo. Những con số thống kê cũng chỉ để mang tính so sánh.

Lịch sử có thể chỉ đơn giản là động lực thôi thúc các cầu thủ thêm tự hào và gợi nhắc rằng họ có thể làm nên những điều mà ngày trước thế hệ cha anh đã làm được.

Hai mươi năm đã chứng kiến nhiều thế hệ cầu thủ của Pháp và Croatia bước ra từ bóng tối và thành công hoặc thất bại. Sau chiếc cúp vàng 1998, Pháp đoạt thêm chức vô địch châu Âu trước khi bệnh tự mãn và già cỗi về ý tưởng.

"Les Bleus" thất bại ở World Cup 2002 và Euro 2004, trước khi thế hệ của Zidane tỏa sáng lần cuối tại World Cup 2006, khi họ vào đến chung kết và chỉ thua Italy trên chấm phạt đền.

10 năm sau đấy là quá trình liên tiếp thất bại, trước khi thế hệ trẻ của Deschamps bắt đầu đi quỹ đạo thành công từ Euro 2016. Deschamps không có trong tay những cầu thủ kinh nghiệm như Jacquet đã có ngày đó.

Nhưng sức trẻ và tài năng của đội tuyển trong tay vị HLV 49 tuổi này không có gì phải bàn cãi. Đấy là thế hệ tốt nhất mà bóng đá Pháp đã sản sinh trong 20 năm qua.

Croatia khác hơn nhiều. Họ vẫn sản sinh ra các cầu thủ bóng đá và là một trong những quốc gia xuất khẩu nhiều cầu thủ sang các giải vô địch quốc gia châu Âu nhất.

Tuy nhiên, trên bình diện đội tuyển, họ chỉ gặp thất bại, trong khi nền móng của bóng đá quốc gia-bóng đá cấp câu lạc bộ, chìm trong các bê bối, như những gì đang xảy ra với Chủ tịch đội Dynamo Zagreb Zdravko Maric (vụ này có dính líu đến cả đội trưởng Luka Modric, người có lẽ cần vô địch thế giới để thoát án tù - một điều gì đó gần giống với các cầu thủ Italy ở năm 2006, khi xảy ra vụ Calciopoli?).

Sau 1998 là một serie thất bại khi đội tuyển Croatia bị loại ngay từ vòng bảng, thậm chí có giải còn không vượt qua được vòng loại. World Cup này cũng thế. HLV Ante Cacic đã bị sa thải khi Suker, bây giờ Chủ tịch LĐBĐ Croatia, nhận thấy đội tuyển có nguy cơ phải ngồi nhà xem tivi.

Zlatko Dalic, HLV thứ 4 của Croatia trong vòng 6 năm, được bổ nhiệm trước trận quyết định trên sân Kiev, khi Croatia phải thắng Ukraine. Luka Modric và đồng đội đã làm được điều ấy, thắng nốt Hy Lạp trong trận play-off, và giờ ĐT Croatia đã ở Nga được một tháng nay, đi một lèo tới chung kết, với một dàn cầu thủ đồng đều hơn lứa 1998.

Croatia và Pháp sẽ tạo nên trận đấu hấp dẫn?

Pháp được coi là một ứng viên cho chức vô địch từ khi bóng còn chưa lăn, nhưng không ai nghĩ là Croatia sẽ vào đến tận chung kết. Và bây giờ, trước trận chung kết này, một lần nữa, Pháp trẻ trung hơn và được nghỉ nhiều hơn một ngày.

Họ lại được đánh giá cao hơn một Croatia có tới nửa đội hình tuổi xấp xỉ hoặc trên 30, đã phải chơi hơn Pháp một trận (3 trận liên tiếp thêm hiệp hiệp phụ, tổng thời gian thêm là 90 phút nữa).

Huấn luyện viên Deschamps sở hữu đội hình gồm nhiều tài năng trẻ. Trước chung kết với Croatia vào lúc 22h ngày 15/7, ĐT Pháp có lợi thế được nghỉ nhiều hơn đối thủ. Đồ họa: Minh Phúc.

Một lợi thế đặc biệt chăng, đến mức chính HLV Jose Mourinho, hiện đóng vai trò là nhà phân tích cho kênh truyền hình đối ngoại Russia Today của Nga, cho rằng "Croatia gặp bất công, bởi họ phải đá sau Pháp. Các trận bán kết nên được tổ chức cùng ngày"?

Vấn đề không giống thế. Có 7 World Cup có các trận đấu bán kết diễn ra khác ngày, là các năm 1966, 1990 và 5 giải từ 1998 đến 2014. Có tới 5 trong 7 lần các đội thắng ở bán kết đá sau một ngày là Anh năm 1966, Đức 1990, Pháp 1998, Brazil 2002 và Tây Ban Nha 2010.

Hai trường hợp còn lại, chiến thắng chỉ được giải quyết ở chấm luân lưu (Italy 2006) và hiệp phụ (2014). Con số này có ý nghĩa gì với Croatia? Rất nhiều, hoặc không gì cả. Dalic nói rằng Croatia phải hết sức nỗ lực cho trận chung kết, một hàm ý rằng đội bóng của ông đang trong tình trạng mệt mỏi. Nhưng rất có thể, đấy cũng là một thông tin mang tính hỏa mù.

Trận chung kết chắc chắn sẽ là ván cờ thực sự mang tính cân não giữa Deschamps và Dalic, và những gì đã xảy ra trong lịch sử 20 năm trước có thể là một bài học đắt giá cho Croatia trước ngưỡng cửa vinh quang mà họ đã để tuột ngày đó.

Bài học ấy rất đơn giản: cần đủ thực dụng để tận dụng các cơ hội có thể có, cần phòng ngự thật tốt và việc cầm bóng nhiều hơn không phải là một lợi thế, và trận chung kết này có thể sẽ không thực sự hấp dẫn như chúng ta có thể mong chờ. Biết đâu đấy nó có thể sẽ không cởi mở và giàu kịch tính như trận bán kết cách đây 20 năm.

Lý do? Kể từ World Cup 1990, chỉ có một trong 7 trận chung kết có cả 2 đội ghi bàn, là trận Italy - Pháp năm 2006. Các trận còn lại chỉ có đội sau đó vô địch nhờ bàn thắng vào lưới đối phương. Hai trận chung kết các World Cup gần nhất đều kết thúc 0-0 sau 90 phút thi đấu chính thức và chỉ được quyết định bằng một bàn duy nhất trong hiệp phụ.

Trận đấu này thì sao? Ước mơ cháy bỏng của tôi là được thấy bóng đá đẹp và cống hiến, nhưng chứng kiến Pháp chơi thực dụng như hiện tại và Croatia có thể bị mệt mỏi làm cho mất đi sự tỉnh táo, thật khó tin rằng một kịch bản khác có thể diễn ra. Ở trận chung kết 20 năm trước, Pháp đã thắng 3-0. Ở năm 2018, một kết cục như thế có lặp lại?

Lịch thi đấu và kết quả của vòng knock-out World Cup 2018. Đồ họa: Minh Phúc.

Tối 12/7, NSND Tự Long và cầu thủ Duy Mạnh cùng bình luận, nhìn nhận lại diễn biến của các trận đấu tại vòng bán kết World Cup 2018.

BLV Trương Anh Ngọc (từ Moskva, Nga)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/dt-phap-vs-dt-croatia-20-nam-sau-post860123.html