ĐT bóng đá Togo và ký ức hãi hùng về vụ phục kích bằng súng máy

Đã 10 năm trôi qua kể từ khi Đội tuyển quốc gia Togo của ngôi sao Emmanuel Adebayor bị toán phiến quân tấn công bằng súng máy. Cho đến tận cuối đời, họ chắc sẽ không bao giờ quên giây phút kinh hoàng này.

Trước thềm CAN Cup 2010, đội tuyển Togo tràn đầy hứng khởi. Họ xuất sắc vượt qua vòng loại và tự tin sẽ tiến xa với đội hình mạnh mẽ, bao gồm Moustapha Salifou của Aston Villa, Assimiou Toure của Leverkusen và đặc biệt, tiền đạo Emmanuel Adebayor khoác áo Man City.

Các trận đấu vòng bảng của Togo sẽ diễn ra ở thành phố Cabinda của Angola. Điều phức tạp là thành phố này lại nằm tách biệt hẳn khỏi lãnh thổ Angola và nằm kề Cộng hòa Congo. Vì vậy họ quyết định đóng quân tại Pointe Noir của Cộng hòa Congo cách đó 100 cây số. Do khoảng cách khá gần, ĐT Togo sẽ di chuyển tới nơi thi đấu bằng ô tô, băng qua phần đất của Cộng hòa dân chủ Congo, thay vì hành trình bằng máy bay xa hơn nhiều khi phải quá cảnh tại thủ đô Luanda rồi quay ngược lên Cabinda.

Cabinda, nơi xảy ra vụ sả súng, nằm tách biệt khỏi lãnh thổ Angola.

Ngày 08/01/2010, sau buổi tối chơi bời thả cửa ở Pointe Noir, cả đội Togo leo lên xe và đi tới Cabinda để chuẩn bị cho trận ra quân gặp Ghana. Không khí trên xe rất vui vẻ. Tất cả đùa giỡn, nghe nhạc và một số thì nhảy múa. Khi đi tới biên giới, họ được hộ tống bởi 2 chiếc xe của lực lượng an ninh Angola cho chuyến băng rừng, qua khu vực được nắm giữ bởi nhóm phiến quân kêu gọi độc lập cho Cabinda.

Rồi tiếng súng vang lên. Thoạt đầu các cầu thủ còn pha trò vì việc đó. Nhưng súng bắt đầu nổ dữ dội. Những tiếng cười im bặt, nhường chỗ cho sự hoảng loạn. Stanislas Ocloo, nhân viên phụ trách truyền thông của ĐT Togo, là người đầu tiên gục xuống. Anh ta chết ngay lập tức.

Máu cũng đổ ở những nơi khác. Thủ môn Kodjovi Obilale nhớ lại: "Nghe thấy tiếng súng máy, ý nghĩ đầu tiên của tôi là chạy trốn. Nhưng ngay khi định nhổm dậy, cơ thể tôi như bị gắn chặt xuống ghế. Rồi tôi thấy máu chảy ra ở bụng và lưng. Quá sợ hãi, tôi gào lên, rằng tôi đã trúng đạn, xin hãy cứu tôi, tôi muốn gặp con gái tôi, con trai tôi và không muốn chết ở đây".

Adebayor hoảng loạn ngay sau khi biết mình còn sống trong vụ tấn công.

Trong khi ấy, trợ lý huấn luyện viên Amelete Abalo cũng trúng đạn. Ông là một trong những người mất mạng vì vụ xả súng này.

Đội Togo xấu số lẽ ra có thể chạy trốn nếu tài xế Mario Adjoua không trúng đạn và gục xuống vô lăng. Thế là trong nửa tiếng đồng hồ, chiếc xe của họ phơi mình trong tầm bắn của 15 tay súng quân phiến loạn, trong nỗ lực đáp trả từ lực lượng quân đội Angola hộ tống.

Với tiền đạo Adebayor, đó là 30 phút dài nhất cuộc đời. "Bọn tôi ở đó, bị bắn trong suốt 30 phút hoặc lâu hơn", cựu ngôi sao của Arsenal và Man City nói, "Đó là trải nghiệm kinh khủng nhất cuộc đời tôi. Nếu không có sự trợ giúp từ quân đội, tôi hẳn đã chết và tham gia cuộc phỏng vấn này có lẽ là cái xác của tôi".

Các nạn nhân xấu số được đưa trở về Togo, nơi tổ chức lễ quốc tang dành cho họ.

Adebayor sống sót và không bị thương, song nhiều đồng đội của anh không may mắn thế. Khung cảnh trong bệnh viện sau đó mới thật thảm. "Tôi không để ý bất cứ điều gì lúc đưa một số vào phòng cấp cứu, nhưng khi trở ra, tôi thấy mọi người đều khóc, nói về gia đình họ và gọi về nhà, rồi khóc trên điện thoại. Một số nghĩ rằng cần phải tranh thủ nói lời cuối trước khi đi vào cõi chết", anh kể.

Sau đó, Adebayor cùng những người lành lặn đi bộ về khu phức hợp. Họ ngồi xuống ăn tối trong im lặng. Một bữa ăn u ám và buồn bã, trái ngược khung cảnh vui vẻ đêm hôm trước, hay thậm chí là khi trên xe lúc chưa qua biên giới.

Adebayor cùng đồng đội từ chối tham gia CAN Cup, trở về dự lễ tang.

Hậu quả của vụ xả súng là 3 người chết và 7 người khác bị thương. Chính quyền Angola đổ lỗi cho việc Togo làm trái quy định của giải đấu khi di chuyển bằng ô tô thay vì máy bay. Tuy nhiên người ta cũng đặt câu hỏi, nếu họ làm trái, tại sao lại có 2 chiếc xe quân đội hộ tống? Và phải chăng, chính vì sự xuất hiện của lực lượng quân đội đã kích động đám phiến loạn?

Dù sao thì Adebayor cùng đồng đội cũng không quan tâm tới những tranh cãi đó. Họ rời khỏi khu phức hợp và tới sân bay dưới sự bảo vệ của một đoàn xe vũ trang, sau đó trở về nhà. ĐT Togo quyết định không tham gia CAN Cup.

Sau 10 năm, những câu hỏi xoay quanh vụ tấn công vẫn còn, tương tự như việc các nạn nhân vẫn không ngừng bị ám ảnh bởi tiếng súng máy. Họ vốn chỉ muốn chơi bóng. Nhưng bạo lực khiến tất cả phải ngừng. Có những sự nghiệp dang dở, và những giấc mơ cũng bị gác lại mãi mãi.

THANH ĐÌNH (SPORT5)

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/dt-bong-da-togo-va-ky-uc-hai-hung-ve-vu-phuc-kich-bang-sung-may-220201739145814.htm