Phóng viên quân sự Nga Andrey Medvedev ngày 12/9 đăng video quân đội nước này gắn hộp đựng chất nhiệt nhôm lên drone.
Sau đó phóng drone về hướng phòng tuyến Ukraine ở rặng cây phía trước để tập kích. Như vậy Nga đã tham gia vào cuộc đua máy bay không người lái rải nhiệt nhôm với Ukraine.
Sự kiện này diễn ra khoảng một tuần sau khi các video đầu tiên cho thấy UAV Ukraine rải nhiệt nhôm xuống các vị trí của quân đội Nga ở dưới hàng cây và chiến hào.
Đây là lần đầu tiên xuất hiện hình ảnh lính Nga sử dụng drone mang chất nhiệt nhôm, được đặt biệt danh là "drone rồng lửa", tấn công đối phương.
Drone Nga chỉ tạo ra các chùm tia lửa thay vì luồng lửa lớn như khí tài Ukraine, dường như do hai bên sử dụng các loại phi cơ với kích thước và tải trọng khác nhau.
Khi bị đốt cháy, nhiệt nhôm, một hỗn hợp bột sắt và nhôm bị oxy hóa, có thể đạt nhiệt độ đủ cao để làm tan chảy thép.
Nhiệt nhôm chủ yếu được sử dụng trong lựu đạn và đạn pháo, cháy ở nhiệt độ khoảng hơn 2.400 độ C.
Drone được trang bị nhiệt nhôm có khả năng phá hủy mạnh mẽ vì chúng bốc cháy khi tiếp xúc, tạo ra ngọn lửa có thể thiêu rụi mục tiêu phía dưới.
Nhiệt nhôm được xem là ít gây thương vong hơn so với phốt pho trắng hoặc napalm.
Drone rồng lửa sẽ phun kim loại nóng chảy từ phản ứng nhiệt nhôm khi bay, tạo ra một trận mưa hỏa lực.
Binh sĩ trong boongke hoặc đội mũ bảo hiểm và áo giáp thường an toàn nếu họ không nhìn lên trên, nhưng nhiệt nhôm có thể gây ra hỏa hoạn bên dưới.
Phản ứng nhiệt nhôm đốt các vật liệu dễ cháy, đặc biệt là trong điều kiện khô, dẫn đến các đám cháy nhỏ có thể bùng phát thành đám cháy lớn hơn.
Những đám cháy này và khói sinh ra có thể buộc binh sĩ đối thủ phải từ bỏ vị trí, từ đó khiến cho họ bị lộ diện và dễ bị tiêu diệt hơn.
Ngoài ra, khó khăn trong việc dập tắt nhiệt nhôm làm dấy lên mối lo ngại về thương vong dân sự tiềm tàng từ phản ứng chất cháy này.
Vì vậy, vũ khí dùng nhiệt nhôm thường không được khuyến cáo sử dụng gần khu dân cư sinh sống do mối đe dọa.
Ở Ukraine, địa hình phổ biến là những cánh đồng rộng lớn thường bị chia cắt bởi những hàng cây hẹp, đóng vai trò là các vị trí phòng thủ quan trọng.
Những hàng cây này cung cấp sự che chắn cần thiết trong một cuộc xung đột liên tục, vì vậy việc dùng drone phun lửa có thể loại bỏ đi những chướng ngại này.
Trong xung đột Đông Âu, cả hai bên đều sử dụng đạn cháy. Nga đã nhiều lần sử dụng đạn cháy 9M22S được khai hỏa từ pháo phản lực BM-21.
Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) giữa năm 2023 cho biết Ukraine cũng thực hiện ít nhất 82 cuộc tấn công bằng vũ khí gây cháy từ tháng 2/2022 đến tháng 4/2023.
Việt Hùng