Dow Jones 'bay' hơn 600 điểm, chứng khoán châu Á cũng 'bổ nhào'

Các cổ phiếu châu Á giảm mạnh trong phiên 25/10 do chịu ảnh hưởng từ việc chỉ số Dow Jones tiếp tục lao dốc hơn 600 điểm, xóa sạch tất cả đà tăng trong năm 2018.

Thị trường chứng khoán châu Á "rực đỏ" trong phiên giao dịch 25/10 sau khi thị trường chứng khoán toàn cầu "bốc hơi" hàng trăm tỷ USD sau phiên lao dốc của các cổ phiếu công nghệ, ghi nhận mức sụt giảm trong một ngày lớn nhất trên Phố Wall kể từ năm 2011 và xóa sạch tất cả đà tăng trong năm 2018.

Thị trường chứng khoán châu Á giảm mạnh trong phiên giao dịch 25/10.

Chỉ mới vài tuần trước, chỉ số Dow Jones còn chạm mức cao nhất mọi thời đại. Tuy nhiên, trong ngày 24/10, sau một vài phiên giảm 3 con số, Dow Jones tiếp tục lao dốc hơn 600 điểm, đồng thời xóa sạch tất cả đà tăng trong năm 2018.

Các nhà đầu tư đang cảm thấy bất an sau các thông tin về việc Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), nhà báo Ả Rập Saudi bị sát hại tại Thổ Nhĩ Kỳ, vấn đề Brexit và bất đồng xung quanh dự luật ngân sách của Italia.

Ngày giao dịch 24/10 chứng kiến chỉ số công nghiệp Dow Jones và S&P 500 "thổi bay" mọi thành quả đạt được trong năm 2018. Chỉ số chứng khoán công nghệ Nasdaq thì giảm 4,4%, "bốc hơi" 524 tỷ USD vốn hóa trên thị trường và ghi nhận mức giảm phần trăm lớn nhất trong một ngày kể từ ngày 18/8/2011.

Tình trạng bán tháo tái diễn trên thị trường chứng khoán Mỹ sau khi các dữ liệu báo cáo cho thấy hoạt động bán hàng trong nước tại Mỹ diễn tiến với tốc độ chậm nhất trong vòng gần 2 năm qua.

Sự rung lắc mạnh trên thị trường chứng khoán Mỹ cũng khiến các cổ phiếu tại châu Âu nhuộm đỏ trong phiên 25/10.

Chỉ số Dow Jones tiếp tục lao dốc hơn 600 điểm trong phiên 24/10.

Tiếp nối đà lao dốc trên Phố Wall, thị trường chứng khoán châu Á cũng rơi tự do ngày 25/10 trong khi giới đầu tư đang lo ngại về những ảnh hưởng của tình hình địa chính trị bao trùm các sàn giao dịch trong khu vực cùng với những thông tin ảm đạm về kinh tế Mỹ.

Chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương không tính Nhật Bản sụt hơn 2% và đã mất hơn 18,5% giá trị trong năm nay.

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản hạ tới 4%, chạm mức thấp nhất trong 6 tháng, còn chỉ số Topix cũng mất 3%, "bay" hơn 155 tỷ USD giá trị vốn hóa trên thị trường.

Các nhà đầu tư chứng khoán đang tỏ ra thận trọng trước những tác động từ việc nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), những biện pháp tăng thuế thép, nhôm nhập khẩu do Mỹ khởi xướng và căng thẳng thương mại chưa có hồi kết giữa Washington và Bắc Kinh.

Tại thị trường Trung Quốc, chỉ số Thượng Hải Composite giảm 2,5% do các biện pháp hỗ trợ thị trường mới của chính phủ Trung Quốc không làm giảm bớt lo ngại của nhà đầu tư trong bối cảnh cuộc chiến thuế quan với Mỹ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

"Hiện thị trường tài chính thế giới vẫn tiềm ẩn sự không chắc chắn trong vài năm tới về cuộc chiến thương mại và việc thực hiện Brexit", Jim McCafferty - phụ trách khu vực châu Á của Equity Research, cho biết.

Trong một cảnh báo đưa ra ngày 25/10, Ngân hàng Citi đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu giảm 0,1% trong năm 2019 và 2020 xuống lần lượt ở các mức 3,2% và 3%.

Nguyễn Thu (Theo Reuters)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/dow-jones-boc-hoi-hon-600-diem-chung-khoan-chau-a-cung-bo-nhao-328304.html