Đốt vàng mã – nên hay không nên?

Vào mỗi dịp lễ hội, hiện tượng đốt vàng mã đang diễn ra ngày càng nhiều, thể hiện nét văn hóa tâm linh của người Việt. Tuy nhiên, việc làm này đang vấp phải khá nhiều ý kiến trái chiều của dư luận.

“Trần sao âm vậy”

Xuất phát điểm từ nền văn hóa Trung Hoa, việc chôn cất và mai táng người chết có nhiều hình thức, nhất là thời nhà Chu có một quy định rằng: khi người chết đi thì tất cả những vật dụng quý giá bên người đều phải chôn theo, bao gồm cả thê thiếp, thuộc hạ.

Về sau, hủ tục này đã được thay đổi bằng cách sử dụng Sô linh (người bện bằng cỏ). Bắt đầu từ khi có giấy, ông Vương Dũ đã nghĩ đến việc dùng vàng bạc, áo quần,… bằng giấy thay cho đồ vật để đốt đi sau khi cúng kính.

Lúc đầu, việc sử dụng vàng mã chỉ áp dụng trong cung đình, chưa được phổ biến rộng rãi. Đến triều vua Đạt Tôn nhà Đường (762), có vị sư tên Đạo Tăng nhân ngày rằm tháng Bảy muốn lôi kéo đại chúng về với Phật giáo đã lợi dụng tục đốt vàng mã tâu với vua rằng: “Rằm tháng Bảy là ngày xá tội vong nhân, Diêm Vương mở cửa xét tội nên thông sức cho thiên hạ đến ngày ấy đốt thật nhiều vàng mã để kính biếu vong nhân”. Lúc bấy giờ, vua thuận ý nghe theo, cộng thêm lòng dân mê tín dị đoan nên thi nhau đốt vàng mã để kính biếu gia tiên.

Dân tộc ta trải qua hàng nghìn năm Bắc thuộc nên không tránh khỏi sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, bao gồm cả tục đốt vàng mã. Tuy không phải là tập tục có nguồn gốc Việt, nhưng vào những những giai đoạn gần đây, tập tục đốt vàng mã đã và đang diễn ra vô cùng rầm rộ.

Từ quan niệm “trần sao âm vậy”, nhiều gia đình đã không tiếc tiền của sắm sửa cho người thân đã khuất từ nhà lầu, xe hơi, ti vi, điện thoại đời mới,… bằng vàng mã và một lượng lớn tiền âm phủ. Theo thống kê, mỗi năm, cả nước đốt hơn 40.000 tấn vàng mã, tiêu tốn hàng trăm tỉ đồng. Mới đây nhất, con số này còn lên tới 5000 tỉ đồng. Mặc dù chưa được các cơ quan chức năng kiểm chứng thực hư về độ chính xác, tuy nhiên điều này đã phần nào chứng tỏ rằng đây là một tập tục tốn khá nhiều chi phí.

Hình ảnh thường thấy của tập tục đốt vàng mã

Đốt vàng mã - duy trì hay thay đổi?

Không thể phủ nhận rằng tập tục đốt vàng mã đã góp phần không nhỏ vào việc đáp ứng nhu cầu tâm linh của người Việt. Tuy nhiên, việc lạm dụng tập tục này trong đời sống hiện nay đã và đang gây ra rất nhiều hậu quả đáng kể.

Trước hết là vấn đề ô nhiễm môi trường. Chưa bao giờ vấn đề ô nhiễm môi trường lại đáng báo động như bây giờ. Chất thải độc hại từ các nhà máy hóa chất, rác thải sinh hoạt, khói bụi,… khiến cho môi trường của chúng ta đang đứng trước rất nhiều nguy cơ hủy hoại đời sống con người. Giờ cộng thêm khói bụi và tàn của giấy vàng mã sẽ làm cho môi trường sống của chúng ta càng thêm phần gánh nặng.

Bên cạnh đó, đốt vàng mã là một điều vô cùng lãng phí. Với con số vừa nêu trên cho thấy tập tục này tiêu tốn khá nhiều tiền của. Nhiều người còn cho rằng, tiền đốt vàng mã nếu tích cóp lại sẽ góp phần làm cho rất nhiều người vô gia cư không bị bỏ đói. Hay nói đơn giản, chỉ cần đem số tiền chi phí cho vàng mã để làm vốn phát triển kinh tế thì có biết bao cơ hội việc làm được giải quyết, bao công trình còn đang dang dở được hoàn thành,… đóng góp nhiều cho sự phát triển của đất nước.

Mới đây nhất là hình ảnh gây nhức nhối dư luận của một người phụ nữ ngồi đốt vàng mã ngay cạnh hàng loạt xe ga hay cháy cây xăng tại Móng Cái vì tàn lửa đốt hương và vàng mã khiến cho rất nhiều người đặt ra câu hỏi “Liệu có nên giữ hủ tục này lại hay không?”.

Đốt vàng mã như này liệu có đẹp?

Điều đáng nói ở đây là theo quan điểm của các nhà tu hành đạo Phật ở Việt Nam, tục đốt vàng mã không thuộc về văn hóa Phật giáo, không nên được thực hiện ở nhà chùa.

Mặc dù việc đốt vàng mã nhiều hay ít cũng tùy thuộc vào quy định của từng địa phương. Nhưng để chiều lòng Phật tử cũng như tránh việc gây hỏa hoạn, nhiều nhà chùa đã cho xây dựng một nơi dành riêng để đốt vàng mã hình trụ tháp, tách biệt với khu vực chánh điện. Ví dụ như chùa Hà (ngôi chùa nổi tiếng về cầu duyên trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội) hay chùa Láng (một trong những ngôi chùa cổ nhất Hà Nội),… là những ngôi chùa được biết đến với việc cho xây dựng nơi hóa vàng riêng biệt để tránh những hậu quả do việc đốt vàng mã gây nên.

Nơi hóa vàng riêng biệt của chùa Hà.

Rời Hà Nội, chúng tôi đến với Đoan Hùng (một huyện thuộc đất Tổ Hùng Vương, Phú Thọ), nơi có một ngôi chùa mới chỉ khánh thành được hơn bốn năm – chùa Tây Long để tìm hiểu sự khác biệt của tập tục đốt vàng mã giữa miền quê và thành phố. Gặp gỡ và trao đổi với phóng viên, bà Đào Thị Thanh Nhàn (trú tại Sóc Đăng, Đoan Hùng, Phú Thọ) - một tín đồ của đạo Phật cho biết: “Đốt vàng mã thì ở đâu cũng có nhưng so với thành thị thì ở làng quê ít hơn bởi người dân nơi đây cũng không quá dư giả. Thêm vào đó, những năm trở lại đây, các chùa chiền cũng có khuyên người đi lễ nên hạn chế vấn đề này. Đặc biệt là đối với chùa Tây Long, ngoại trừ những dịp lễ tết ra thì hiện tượng đốt vàng mã ở đây xảy ra khá ít. Người dân chủ yếu đi lễ, cầu bình an cho mình và người thân thôi”.

Quang cảnh tuyệt đẹp, không hề có khói bụi vàng mã ở chùa Tây Long

Tuy tập tục đốt vàng mã đã có từ lâu đời và ăn sâu vào tiềm thức của người Việt, nhưng cũng cần phải xem xét hạn chế việc này vì những ảnh hưởng xấu cũng như thiệt hại mà nó gây ra cho đời sống và môi trường xã hội. Vậy nên, hãy đốt vàng mã đúng cách để tập tục này giữ được nét đẹp văn hóa như đúng bản chất ban đầu của nó.

PV

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/dot-vang-ma-nen-hay-khong-nen-p48357.html