Đốt rơm rạ không chỉ gây ô nhiễm môi trường

Năm nào cũng vậy, vào khoảng tháng 6, khi kết thúc vụ thu hoạch lúa, nhiều cánh đồng ven Hà Nội lại nghi ngút khói do việc đốt rơm rạ của người dân. Thời tiết nắng nóng kết hợp khói bụi gây ra ngột ngạt, khó thở. Theo dữ liệu của Mạng lưới không khí sạch PAM Air, chỉ số AQI tại một số xã ngoại thành Hà Nội đã chuyển sang màu tím - không khí ở mức ô nhiễm nghiêm trọng.

Bà con đốt rơm rạ ngay sau khi thu hoạch.

Bà con đốt rơm rạ ngay sau khi thu hoạch.

Không đốt cũng chẳng biết làm gì

Những ngày này, đi qua các cánh đồng ở ngoại thành Hà Nội như Sóc Sơn, Quốc Oai, Thanh Trì… không khó bắt gặp những đống rơm cuồn cuộn khói. Do người dân đốt đồng loạt nên lượng khói bụi tăng cao đột biến. Khói bao phủ khắp cánh đồng, mù mịt đường làng và cả một đoạn đường Đại lộ Thăng Long vào những buổi chiều…

Hiện nay do đa phần bà con nông dân không có nhu cầu sử dụng rơm rạ trong đun nấu hằng ngày. Ngoài ra, thời gian làm đất cho vụ gieo trồng kế tiếp ngắn, rơm rạ để lại trên đồng ruộng khó phân hủy được ngay. Vì vậy, để thuận lợi cho việc làm đất, tận dụng những ngày nắng gắt vừa qua, hầu hết nông dân ở Hà Nội đã tranh thủ đốt rơm rạ sớm để giải phóng đất, lấy tro về sử dụng.

“Chúng tôi cũng đã được nghe khuyến cáo và biết đốt rơm ảnh hưởng đến môi trường nhưng giờ không đốt thì không biết làm gì. Chỉ còn hơn 1 tháng nữa vào vụ mới, rơm chất trên đồng ruộng sẽ làm ổ cho chuột sinh sôi nảy nở gây hại cho mùa màng. Giờ đốt rơm vừa không tốn công xử lý sau khi thu hoạch mà còn tiêu diệt được mầm mống dịch hại. Rơm đốt sẽ thành tro và tro này ủ khoảng 2-3 tháng sẽ đem bón cho các ruộng trồng rau” – bà Nguyễn Thị Minh, nông dân ở huyện Sóc Sơn cho biết.

Năm 2020, toàn thành phố phát sinh 384 nghìn tấn rơm rạ trong vụ Đông Xuân và 266 nghìn tấn trong vụ Hè Thu (vụ mùa). Tỷ lệ đốt rơm rạ thời gian gần đây đã giảm nhưng hoạt động đốt rơm rạ tự phát vẫn đang tiếp diễn gây tình trạng ô nhiễm không khí cục bộ, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và gây lãng phí nguồn tài nguyên.

Nhiều hợp chất có hại sức khỏe

Theo các chuyên gia, đốt rơm rạ sẽ tạo ra một lượng lớn các khí CO2 , CH4, CO, SO2 và hàng trăm hợp chất khác có hại cho sức khỏe con người, làm tăng lượng khí thải vào bầu khí quyển. Không những gây hại cho sức khỏe con người, lửa từ các đống rơm, rạ còn có thể gây cháy ruộng, cháy nhà, gây tai nạn giao thông. Ngoài ra, việc đốt rơm rạ ngay trên đồng sẽ làm mất chất dinh dưỡng của đất. Vì vậy, có thể lợi trước mắt nhưng hại là lâu dài.

TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, cho biết, khoảng 1 tuần nay, vào mỗi buổi chiều, nhiều người dân đốt rơm rạ sau khi thu hoạch lúa khiến khói bụi lan từ ngoại thành vào nội thành khiến chất lượng không khí bị ảnh hưởng ngay lập tức. Trong khói đốt rơm, rạ có các hạt bụi nhỏ, bồ hóng muội than, khí CO, CO2, SO2,... Ngoài ra, khói do đốt rơm rạ thường cháy không thành ngọn lửa nên sinh ra rất nhiều khí CO. Đây là loại khí rất độc. Người hít nhiều và kéo dài có thể biến đổi cấu trúc của bộ máy hô hấp, dễ mắc nhiễm trùng phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Trước vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra các giải pháp tư vấn cho bà con như: Sau khi thu hoạch lúa, rơm rạ trên đồng ruộng nên vùi vào đất để giúp duy trì đạm và C trong đất.. Lượng đạm thêm vào sẽ được giữ lại trong đất và vật chất hữu cơ trong đất trở thành nguồn quan trọng sẵn có cho vụ lúa tiếp theo.

Ngoài ra, một số địa phương đã triển khai một số mô hình như: Sử dụng chế phẩm sinh học ủ rơm rạ làm phân vi sinh, thu gom làm thức ăn cho gia súc. Như ủ rơm bằng urê cho phép bảo quản rơm không bị mốc, không bị tổn thất chất hữu cơ mà còn làm tăng hàm lượng protein thô, tăng tỷ lệ tiêu hóa, giúp trâu bò ăn được nhiều hơn và cho năng suất cao hơn so với cho ăn rơm không xử lý.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái, Sở đang tích cực phối hợp với các ban, ngành, địa phương thúc đẩy việc tuyên truyền tác hại của việc đốt rơm rạ đến môi trường và sức khỏe cộng đồng; giới thiệu các giải pháp kỹ thuật thay thế. Các phòng, chi cục của Sở cũng tăng cường giám sát, kiểm kê nguồn thải phát sinh từ việc đốt rơm rạ; đánh giá tác động ô nhiễm môi trường từ việc đốt rơm rạ làm cơ sở khoa học để xây dựng chính sách quản lý mang lại hiệu quả cao nhất.

Sáng 6/6, ứng dụng theo dõi ô nhiễm không khí như Air Visual đưa ra mức cảnh báo ô nhiễm nghiêm trọng tại Hà Nội. Cụ thể, ứng dụng Air Visual áp dụng cách tính giá trị AQI của Mỹ đưa mức cảnh báo ô nhiễm không khí màu đỏ - mức xấu, giá trị AQI từ 171 – 184 (có hại cho sức khỏe). Theo ứng dụng này, Hà Nội có thời điểm xếp thứ nhất thế giới về ô nhiễm không khí.

Việt Hà

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dot-rom-ra-khong-chi-gay-o-nhiem-moi-truong-5653522.html