Đợt rét đậm, rét hại khả năng gây mưa tuyết, chủ động cho học sinh nghỉ học

Đợt rét đậm, rét hại khả năng gây băng giá, mưa tuyết, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn yêu cầu các địa phương chủ động phương án ứng phó, tùy tình hình thực tế để cho học sinh nghỉ học.

Đợt rét đậm rét hại có khả năng gây băng giá, mưa tuyết ở các tỉnh vùng cao ở phía Bắc

Đợt rét đậm rét hại có khả năng gây băng giá, mưa tuyết ở các tỉnh vùng cao ở phía Bắc

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hôm nay (7/1), bộ phận không khí lạnh mạnh sẽ tăng cường và ảnh hưởng đến Bắc Bộ và Trung Bộ.

Ở Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh trời chuyển rét đậm, rét hại, nhất là tại các tỉnh Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ C và có khả năng xảy ra mưa tuyết, băng giá.

Trên biển, ở vịnh Bắc Bộ, vùng biển Trung Bộ, Nam Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 7, giật cấp 9; biển động mạnh, sóng biển cao từ 3-5m.

Khu vực Bắc và giữa Biển Đông gió cấp 7, cấp 8, giật cấp 10, biển động mạnh; sóng biển cao từ 5-7 m; vùng biển phía Tây của Nam Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5 m.

Để chủ động ứng phó với các đợt thiên tai, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn yêu cầu các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ tăng theo dõi sát, thông báo đến chính quyền các cấp, đặc biệt là người dân vùng cao để chủ động phòng chống.

Tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người già, trẻ nhỏ, học sinh, khách du lịch, nhất là tại các trường nội trú. Trong đó, hạn chế hoạt động dưới trời lạnh, mặc đủ ấm, không dùng bếp than để sưởi ấm trong phòng kín; căn cứ tình hình thời tiết cụ thể tại địa phương chủ động cho học sinh nghỉ học.

Các địa phương tổ chức che chắn, giữ ấm cho vật nuôi, cây trồng, thủy sản nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại về sản xuất, chú trọng đàn đại gia súc và các cơ sở chăn nuôi tập trung ở khu vực đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Thành lập các đoàn công tác với sự tham gia của các cơ quan chuyên môn về cơ sở kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống rét cho người, vật nuôi, cây trồng, hướng dẫn áp dụng các biện pháp kỹ thuật kết hợp với kinh nghiệm truyền thống của người dân địa phương.

Theo Ban chỉ đạo Trung ương, các địa phương bố trí ngân sách địa phương, quỹ phòng, chống thiên tai và các nguồn lực tại chỗ để kịp thời phục vụ công tác phòng, chống.

Triển khai lực lượng xung kích tại cơ sở, hỗ trợ vật tư, kinh phí để giúp nhân dân, trú trọng gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc, các hộ nghèo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, giảm thiểu thiệt hại: gia cố, che chắn vệ sinh chuồng trại; di chuyển, tập trung các đàn đại gia súc chăn thả tự do đến nơi tránh rét; chuẩn bị, dự trữ thức ăn, vaccine phòng bệnh...

Ban chỉ đạo Trung ương cũng lưu ý các địa phương ven biển thông báo, hướng dẫn tàu thuyền, duy trì thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện và thuyền trưởng các tàu, thuyền; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Tổ chức kiểm tra và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các khu dân cư, công trình ven biển, nhất là các công trình đang thi công hoặc đã bị sự cố trong các trận bão, mưa lũ tháng 10-11/2020 nhưng chưa được khắc phục.

Các bộ, ngành khác chủ động chỉ đạo công tác phòng, chống rét đậm, rét hại, sạt lở và gió mạnh, sóng lớn trên biển đảm bảo đời sống người dân, an toàn sản xuất theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao.

Nam Khánh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/dot-ret-dam-ret-hai-kha-nang-gay-mua-tuyet-chu-dong-cho-hoc-sinh-nghi-hoc-1775381.tpo