Đột quỵ gia tăng ở người trẻ: Những dấu hiệu bất thường không nên bỏ qua

Mới đây, một bé trai 3 tuổi bị phình mạch máu não dẫn đến đột quỵ đã được đội ngũ y bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cứu sống. Đây được xem là trường hợp nhỏ tuổi nhất điều trị đột quỵ tại bệnh viện này. Những năm gần đây, tại Việt Nam, đột quỵ - một trong những bệnh lý nguy hiểm đang có xu hướng trẻ hóa. Dưới đây là những dấu hiệu cảnh báo sớm đột quỵ mà chúng ta không nên bỏ qua.

Tối 5-1, bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cho biết, đơn vị vừa cứu chữa cho một bé trai 3 tuổi (trú tại Vĩnh Long) bị đột quỵ xuất huyết não - một trong những bệnh lý thường gặp và gây tử vong hàng đầu ở người lớn tuổi (ảnh: Vietnamnet)

Tối 5-1, bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cho biết, đơn vị vừa cứu chữa cho một bé trai 3 tuổi (trú tại Vĩnh Long) bị đột quỵ xuất huyết não - một trong những bệnh lý thường gặp và gây tử vong hàng đầu ở người lớn tuổi (ảnh: Vietnamnet)

Gần một tháng trước, khi bé trai đang chơi với bạn thì đột ngột ngã xuống sàn, lên cơn co giật và bất tỉnh. Bé được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi đồng

Tại đây, bé trai được các bác sĩ khoa cấp cứu làm xét nghiệm, chụp CT-scan sọ não và hồi sức. Kết quả ghi nhận bé có dấu hiệu xuất huyết dưới nhện rất nhiều. Sau khi được hồi sức ổn định, bé được chụp DSA (chụp mạch số hóa xóa nền) mạch máu não để tìm nguyên nhân gây đột quỵ. Kết quả nguyên nhân khiến bé bị xuất huyết não là túi phình mạch máu não

Các bác sĩ sau đó đã đặt stent chuyển dòng để tắc hoàn toàn túi phình, tránh tình trạng xuất huyết não thêm nữa. Hiện tại, sức khỏe của bé đã ổn định (ảnh: Vietnamnet)

Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não, xảy ra khi mạch máu trong não bị vỡ hoặc nguồn cung cấp máu lên não bị tắc nghẽn. Tại Việt Nam, những năm gần đây, số bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ không ngừng tăng

Đáng lưu ý, trước đây, đột quỵ hay gặp ở người ngoài 60 tuổi thì nhiều năm trở lại đây lại có xu hướng trẻ hóa (20-30 tuổi). Đặc biệt, rất nhiều trong nhóm này không có kiến thức cộng đồng về đột quỵ, nghĩ mình khỏe không thể mắc bệnh nên chủ quan, chưa có các biện pháp phòng ngừa và xử lý khi bị đột quỵ

Để có thể phát hiện và ngăn chặn bệnh lý nguy hiểm này, bạn hãy chú ý những dấu hiệu của đột quỵ dưới đây

Mệt mỏi: Nếu bạn đột nhiên thấy mệt mỏi không rõ nguyên nhân, hãy cẩn trọng bởi đây có thể là dấu hiệu cảnh báo đột quỵ

Tim phải làm việc vất vả hơn, trong khi các động mạch bắt đầu đóng lại, khiến bạn vận động ít cũng thấy mệt. Ngoài việc đi khám, bạn cũng nên sắp xếp cho mình chế độ nghỉ ngơi và ăn uống thật hợp lý, tránh làm việc quá sức

Các vấn đề về thị lực như hoa mắt, nhìn 1 hóa 2, mờ hoặc mất thị lực ở một mắt có thể là dấu hiệu của đột quỵ

Nguyên nhân là do, khi một mạch máu bị tắc nghẽn, có thể làm giảm lượng oxy đến mắt, gây ra các vấn đề về thị lực

Thường xuyên bị tê tay chân khi ngủ, đặc biệt khi hiện tượng xuất hiện một bên cơ thể, bạn cần hết sức cảnh giác. Lưu lượng máu qua các động mạch chạy dọc cột sống lên đầu bị giảm, gây ra tê hoặc yếu ở một bên của cơ thể

Người bệnh cũng có thể có các triệu chứng như đột ngột không cầm được đồ vật

Theo Reader’s Digest, nói ngọng bất thường, môi lưỡi bị cứng đơ, khó mở miệng, khó nói, gắng sức mới nói được... là những dấu hiệu cảnh báo đột quỵ

Bên cạnh đó, méo mặt cũng được coi là dấu hiệu thầm lặng của bệnh lý nguy hiểm này

Khi xuất hiện tình trạng chảy dãi một bên, bạn cần tới thăm khám bác sĩ để được tư vấn

Đây có thể được coi là một trong những dấu hiệu của đột quỵ bởi khi thiếu máu não và thiếu oxy, vùng vỏ não sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến rối loạn chức năng dưới lưỡi, khiến người bệnh chảy nước miếng một bên, nhếch miệng, mắt xếch...

Xây xẩm, chóng mặt: Hệ tuần hoàn sẽ gặp nhiều khó khăn nếu tim quá yếu. Bộ não không nhận đủ oxy cần thiết, làm bạn luôn thấy chóng mặt, thậm chí xuất hiện những cơn đau nửa đầu

Nếu biểu hiện diễn ra thường xuyên, bạn cần đi khám trước khi quá muộn

Kiều Phương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/anh-dot-quy-gia-tang-o-nguoi-tre-nhung-dau-hieu-bat-thuong-khong-nen-bo-qua-post454967.antd