Đột phá vào khâu chế biến và tiếp cận thị trường

Nông sản Việt Nam đã hội nhập vào được gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với giá trị kim ngạch xuất khẩu cao trên 40 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn tồn tại những điểm yếu cố hữu, giá trị chưa cao, chưa bền vững về thời gian và quy mô hàng hóa. Đặc biệt, nông sản Việt Nam đứng trước nguy cơ rủi ro rất cao khi chịu tác động cạnh tranh từ hội nhập kinh tế.

Huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai đang tập trung mở rộng vùng trồng quýt – loại cây cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Bích Nguyên

Huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai đang tập trung mở rộng vùng trồng quýt – loại cây cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Bích Nguyên

Sức sản xuất tốt nhưng hiệu quả chưa cao

Năm 2019, Việt Nam đã xuất khẩu nông sản đi vào 192 thị trường trên thế giới. Giá trị xuất khẩu nông sản dự kiến đạt hơn 40 tỉ USD. Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, tăng trưởng xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam rất ấn tượng, tăng gấp 21 lần giai đoạn 1995-2018, trung bình 14,17%/năm. Trong đó, Việt Nam liên tục xuất siêu ở các thị trường EU, ASEAN. Thặng dư ngành nông nghiệp đã tăng từ 7 tỉ USD năm 2015 lên 8,5 tỉ USD năm 2017 và vượt 9 tỉ USD trong năm 2018, góp phần đáng kể vào cân đối ngoại tệ cho quốc gia.

Ngành nông nghiệp đã xác định 15 mặt hàng nông sản chủ lực gồm: Lúa gạo, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè, sắn và các sản phẩm từ sắn; sâm, rau quả, thịt lợn, thịt bò, gà, cá tra, tôm, gỗ và sản phẩm từ gỗ có mặt ở 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, một số sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD/năm như: Cà phê, gạo, điều, rau quả...

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, xuất khẩu nông sản Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 2 ở Đông Nam Á và đứng thứ 15 thế giới. Dự báo thị trường xuất khẩu trong những năm tới các sản phẩm nông nghiệp tiếp tục là hàng hóa xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách toàn diện, nông nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều “yếu điểm” và nếu không khắc phục sẽ gặp nhiều bất lợi trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, nhất là khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia có hiệu lực.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, Việt Nam có sức sản xuất nông nghiệp tốt, nhưng chưa tốt về hiệu quả vì sức sản xuất tập hợp từ quy mô nhỏ đem lại, dẫn đến hiệu quả sản xuất chưa cao, rủi ro, gây lãng phí sản xuất. Bên cạnh đó, các ngành mới chỉ có một số mặt hàng đi đầu tiến hành chế biến sâu như tôm, cá tra, sữa bò... tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Tuy nhiên, nhìn chung, hầu hết các sản phẩm vẫn có chuỗi giá trị còn rất ngắn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ ra rằng, Việt Nam đã và đang từng bước đảm bảo an ninh lương thực vững chắc trước các biến cố của thiên tai, rủi ro tác động biến đổi khí hậu cũng như những nguy cơ phi truyền thống và truyền thống khác. Tuy nhiên, những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt hiện nay là rất lớn như: Kinh tế nông nghiệp Việt Nam vẫn dựa trên quy mô sản xuất nhỏ lẻ; tác động của biến đổi khí hậu (nông nghiệp sẽ là lĩnh vực tổn thương lớn nhất trong nền kinh tế); tiếp nữa là quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng vào sân chơi toàn cầu, nơi có sự cạnh tranh rất cao với những rào cản phi thuế quan gắt gao.

Đột phá vào khâu chế biến và thâm nhập thị trường

Theo ông Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, trong chuỗi giá trị, vùng nguyên liệu là điểm khởi đầu và nền tảng. Việc xây dựng được vùng nguyên liệu sẽ là khâu đột phá, giải quyết được các khâu tiếp theo trong chuỗi giá trị. Trên nền tảng này, chúng ta sẽ phát triển hạ tầng cho nông nghiệp, từ xây dựng cơ sở hạ tầng đến áp dụng khoa học công nghệ..., nhưng quan trọng nhất vẫn phải bắt đầu từ tổ chức sản xuất, đó chính là phát triển hợp tác xã.

Về việc xây dựng vùng nguyên liệu, có thể học từ cách làm của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO). Cơ quan này đã xây dựng được chuỗi sản phẩm xoài ở đồng bằng sông Cửu Long và rau ở miền núi phía Bắc. Kết quả rất đáng kích lệ khi mà một trong hai doanh nghiệp đầu tiên được xuất khẩu xoài sang thị trường Mỹ là từ mô hình này.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, hội nhập toàn cầu là chủ trương đúng, tích cực xuyên suốt, tuy nhiên, ở giai đoạn đầu, chúng ta phải chấp nhận cuộc chơi chung, thách thức chung mà xuất phát điểm kinh tế chưa mạnh kể cả về năng lực khoa học, tiềm lực kinh tế, nhận thức chung. Để giải quyết những thách thức trên, không còn con đường nào khác ngoài việc Việt Nam phải tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất tập trung, phát triển những nhóm sản phẩm lợi thế, ứng dụng khoa học công nghệ mới nhất, tổ chức lại sản xuất và tiếp tục tận dụng được sự hợp tác quốc tế của các quốc gia, tổ chức và định chế tài chính.

Cách làm của UNIDO là chọn các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa để hỗ trợ theo hướng tiếp cận chuỗi. Doanh nghiệp được lựa chọn là ở vùng lõi nguyên liệu nhằm cắt giảm khâu trung gian, giảm chi phí rủi ro trong sản phẩm, đồng thời giám sát sâu hơn nguyên liệu đầu vào. Mô hình tổ chức này đã giúp cải thiện tổ chức sản xuất, ổn định chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch, từ đó nâng cao thu nhập cho nông dân, doanh nghiệp.

Ở khía cạnh khác, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione cho rằng, nông sản Việt Nam còn những quan ngại liên quan đến chất lượng và tính bền vững của tăng trưởng nông nghiệp. Ông gợi ý, Việt Nam phải cấp thiết củng cố mối liên kết giữa các tác nhân chính trong phát triển nông nghiệp cũng như tăng cường hợp tác liên tỉnh trong vấn đề quy hoạch sản xuất cũng như gia tăng xúc tiến thương mại để tăng tính hiệu quả hơn là chỉ tăng đơn thuần về sản lượng.

Các chuyên gia cho rằng, để tăng cường sức cạnh tranh cho nông sản trước hội nhập toàn cầu, ngành nông nghiệp cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, cần chú trọng thúc đẩy quan hệ đối tác công - tư trong nhiều lĩnh một cách hiệu quả, bền vững... Đồng thời, tăng cường đầu tư canh tác các sản phẩm hữu cơ, đảm bảo an toàn vệ sinh, truy suất được nguồn gốc.

Như Trần - Thanh Thủy

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/dot-pha-vao-khau-che-bien-va-tiep-can-thi-truong/