Đột phá từ một dự án

Trời đã ngả chiều, chúng tôi bắt đầu cơ động vào khu tăng gia sản xuất tập trung của Bộ CHQS tỉnh Hà Nam. Xe bon bon trên con đường bê tông mới trải.

Trung tá Trần Văn Thắng, Phó chủ nhiệm Hậu cần Bộ CHQS tỉnh nói với chúng tôi: "Nếu đến cách đây một năm thì chúng ta phải đi bộ trên con đường này, xe không thể cơ động nổi vì nó chỉ là đường mòn, đất đá gồ ghề. Thế nhưng nhờ có sự ủng hộ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự tham mưu đúng, trúng của Bộ CHQS tỉnh, con đường dài gần 2km đã được làm mới. Bộ đội trong khu tăng gia sản xuất vui một thì bà con sống dọc hai bên đường vui đến hai, ba...". Chúng tôi để ý thấy bên cạnh con đường bê tông là đường điện hạ thế mới dựng, trên đầu cột còn gắn biển "Bộ CHQS tỉnh Hà Nam". Anh Thắng nói đây là đường điện phục vụ sẵn sàng chiến đấu trong khu vực phòng thủ, trước mắt là cấp điện cho khu vực này...

Chăn nuôi bò sinh sản ở căn cứ hậu cần Bộ CHQS tỉnh Hà Nam.

Vào đến khu tăng gia sản xuất tập trung, đồng thời là khu thao trường diễn tập, bắn đạn thật của Bộ CHQS tỉnh, chúng tôi được anh Thắng đưa đi giới thiệu khu nuôi bò theo dự án, khu trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ, hệ thống cấp nước sạch, hệ thống công trình đang xây dựng... Tuy còn ngổn ngang công việc, nhưng nhìn về tương lai thì khu vực lô nhô núi đá này sẽ được quy hoạch gọn gàng thành từng khu, từng dãy với đầy đủ chức năng theo đúng nghĩa của một căn cứ hậu phương trong khu vực phòng thủ. Tôi để ý thấy cán bộ, chiến sĩ trong khu tăng gia sản xuất tập trung ai cũng hối hả với công việc. Khách đến, họ chỉ kịp chào, rồi ai nấy lại tiếp tục phần việc của mình. Anh Thắng bảo: "Lúc đầu vào đây, khối lượng công việc lớn, nhân lực lại hạn chế nên một người phải làm việc bằng hai, bằng ba. Hơn nữa, điều kiện sinh hoạt lại khó khăn, điện thì tù mù, nước lúc nào cũng thiếu, đi chợ thì phải "cuốc bộ" cả năm, sáu cây số... Các anh nghĩ xem, nếu không phải là những người có trách nhiệm thì làm sao có thể trụ được".

Đúng là như vậy, sau một hồi trèo núi lội khe, chúng tôi cũng nhận ra sự cố gắng của những cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Nhớ lại lúc ở Bộ CHQS tỉnh, Thượng tá Đặng Ngọc Quyết, Chủ nhiệm Hậu cần Bộ CHQS tỉnh, có nói với chúng tôi: "Việc triển khai dự án khu tăng gia tập trung vừa là nhiệm vụ nhưng cũng là khâu đột phá của ngành hậu cần trong thực hiện Phong trào Thi đua Quyết thắng. Bộ CHQS tỉnh biết đây là việc khó nên đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo, đồng thời lựa chọn những đồng chí có trách nhiệm vào cắm chốt trong đó, bảo đảm cho dự án được thực hiện đúng tiến độ, hiệu quả...".

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, không phải ngẫu nhiên mà ngành hậu cần Bộ CHQS tỉnh Hà Nam lại có thể hoàn thành tốt công việc khó khăn như thế. Ngược lại thời gian, từ năm 2013 đến nay, Phòng Hậu cần liên tục được cấp trên khen thưởng với nhiều danh hiệu: Đơn vị Quyết thắng, Cờ thi đua đơn vị xuất sắc, bằng khen... Sở dĩ đạt được thành tích ấy là do đơn vị đã biết cụ thể hóa các tiêu chí của phong trào thi đua thành các chỉ tiêu, việc làm, sản phẩm cụ thể. Mặt khác, lãnh đạo, chỉ huy Phòng Hậu cần đã thực hiện tốt vai trò tham mưu nên đã tạo ra sự đồng thuận trong toàn lực lượng. Bản thân mỗi cán bộ, chiến sĩ của ngành hậu cần đã luôn nhận rõ trách nhiệm, vị trí, vai trò của mình và luôn cố gắng thực hiện tốt. Đó là những kinh nghiệm mà Phòng Hậu cần Bộ CHQS tỉnh Hà Nam đã rút ra sau một hành trình thi đua khá thành công của họ.

Bài và ảnh: VŨ NGUYỄN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-phong-toan-dan/dot-pha-tu-mot-du-an-548835