Đột phá trong xuất khẩu lao động ở huyện Ngọc Lặc

Với địa hình chủ yếu là đồi núi, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 74,6%, quỹ đất sản xuất hạn hẹp nên tạo việc làm cho người lao động là chuyện không dễ đối với huyện Ngọc Lặc. Do đó, xuất khẩu lao động (XKLĐ) được xem như một giải pháp hiệu quả giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và tạo 'cú hích' trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Nhờ tiền của con trai và con dâu đi xuất khẩu lao động gửi về, bà Triệu Thị Liên ở xã Thạch Lập đã xây được nhà khang trang, tiện nghi đầy đủ.

Từ năm 2013 trở về trước, phong trào XKLĐ ở huyện Ngọc Lặc chưa có sự lan tỏa và thu hút người lao động (6 tháng đầu năm 2013 chỉ có hơn 20 lao động xuất cảnh). Để “xốc” lại phong trào XKLĐ, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ XKLĐ đến nhân dân, tổ chức các buổi tư vấn, định hướng và giới thiệu các công ty tuyển dụng có uy tín tham vấn cho người lao động. Bên cạnh đó, huyện phối hợp với Công ty CP Đầu tư Vĩnh Cát - Chi nhánh Thanh Hóa, Công ty CP Xây dựng và Xuất nhập khẩu Thiên Ân Thanh Hóa tổ chức các buổi hội thảo, tham vấn tại các xã, thị trấn, thôn, làng, bản để tuyển dụng lao động...

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng các đoàn thể, trong 5 năm, từ 2014 - 2018 toàn huyện có 1.211 người đi XKLĐ. Riêng 6 tháng đầu năm 2019 có 153 lao động xuất cảnh. Hiện tổng số lao động đang làm việc tại nước ngoài trên địa bàn huyện Ngọc Lặc là 650 người. Ước tính số tiền người lao động gửi về mỗi tháng hơn 8 tỷ đồng. Nhiều gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo có người đi XKLĐ đã thoát nghèo, trở thành hộ khá giả ở địa phương. Điển hình như gia đình anh Phạm Văn Quân ở thôn Thành Phong, xã Minh Tiến trước đây là hộ cận nghèo, đi XKLĐ với thu nhập bình quân 30 triệu đồng/tháng, sau hơn 1 năm làm việc ở nước ngoài, anh đã gửi tiền về trả hết nợ, mua được trâu, làm được nhà và mua sắm các tiện nghi phục vụ sinh hoạt gia đình. Hay như gia đình anh Cao Văn Lý năm 2011, với quyết tâm thoát nghèo, anh đã cùng vợ là chị Huỳnh Thị Lý ở làng 11 xã Kiên Thọ đi XKLĐ thị trường Ả- rập Xê-út. Sau khi hết hạn hợp đồng, anh chị đi tiếp lần hai, giờ về nước có cuộc sống tương đối khá giả. Anh chị không những xây được nhà mà còn mua được xe ô tô để kinh doanh. Cũng vì cuộc sống quá khó khăn nên ông Phạm Văn Biên ở thôn Thành Phong, xã Minh Tiến đồng ý cho con gái là Phạm Thị Quỳnh đi XKLĐ tại Nhật Bản vào tháng 1-2018. Từ số tiền con gái gửi về, gia đình đã trả hết nợ, làm được nhà, mua keo giống trồng trên đồi và đã vươn lên thoát nghèo. Ông Biên cho biết: Nếu con gái không đi XKLĐ thì gia đình chưa biết khi nào mới thoát nghèo. Giờ con gái gửi tiền về tôi sẽ làm sổ tiết kiệm để sau này về nước con nó có vốn làm ăn, lấy chồng.

Không những là điểm sáng trong công tác XKLĐ của các huyện miền núi mà điều đặc biệt ở huyện Ngọc Lặc là thị trường lao động những năm gần đây đã có sự chuyển dịch đáng kể. Nếu như năm 2014 tỷ lệ lao động xuất cảnh sang Ả-rập Xê-út chiếm 86,9%, Đài Loan 4,1%, Ma-lai-xi-a 8,1%, Nhật Bản 0,3% (chỉ có 1 người duy nhất) thì 6 tháng đầu năm 2019 tỷ lệ lao động xuất cảnh sang Ả-rập Xê-út chỉ còn 6,54%, Đài Loan 35,29%, Nhật Bản 47,06%, thị trường khác 11,11%.

Ông Lê Văn Dũng, Phó Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) huyện cho biết: Có sự chuyển dịch thị trường lao động một cách “ngoạn mục” như vậy do nhiều yếu tố như hiện trạng lao động, điều kiện kinh tế tài chính, vốn vay, nhưng quan trọng nhất là nhận thức người lao động được nâng cao. Để tiếp cận được thị trường tiềm năng có thu nhập cao, nhiều lao động đã tham gia các lớp học tiếng, học nghề điện, hàn, lắp ráp máy... trước khi xuất cảnh. Hiệu quả từ XKLĐ đã góp phần giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều từ 18,28% năm 2016 xuống còn 8,02% năm 2018.

Năm 2019, huyện Ngọc Lặc phấn đấu giảm 1.323 hộ nghèo, tương đương 4,18%. Để đạt mục tiêu đề ra, song song với giải quyết việc làm tại chỗ, huyện tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Nhà nước về XKLĐ nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành cũng như khơi dậy ý thức tự vươn lên của người dân tham gia XKLĐ để thoát nghèo. Đưa chỉ tiêu XKLĐ vào nghị quyết HĐND, chương trình hành động của UBND huyện và giao cụ thể đến từng xã, thị trấn. Kiện toàn ban chỉ đạo XKLĐ cấp huyện, xã; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó nêu cao vai trò của các tổ chức đoàn thể như đoàn thanh niên, hội liên hiệp phụ nữ, hội nông dân trong việc xây dựng kế hoạch và triển khai đến tất cả các hội viên, đoàn viên trên toàn huyện.

Cũng theo ông Dũng, khi phong trào XKLĐ lên cao, người lao động dần ý thức được hiệu quả trong công tác XKLĐ và tích cực tham gia. Tuy nhiên, để hướng đến thị trường có yêu cầu cao, đầu năm 2019, UBND huyện đã phối hợp với Sở LĐ-TBXH, Cục Quản lý lao động ngoài nước và Tổ chức JM Japan mở hội nghị tư vấn XKLĐ, hướng tới lao động là bộ đội xuất ngũ có nhu cầu đi làm việc tại Nhật Bản theo chương trình miễn phí của Bộ LĐ-TBXH. Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà người tham gia XKLĐ gặp phải, nhất là việc tiếp cận vốn vay, UBND huyện đã tổ chức hội nghị mời lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ngọc Lặc, các doanh nghiệp tuyển dụng lao động trên địa bàn huyện, một số xã đang có lao động vay vốn XKLĐ và một số hộ dân có lao động đã và đang làm thủ tục vay vốn... đối thoại trực tiếp để tìm ra giải pháp tốt nhất. Yêu cầu ngân hàng đơn giản hóa thủ tục, tránh phiền hà cho người lao động; đồng thời tuyên truyền rộng rãi về chính sách vay vốn, chính sách khuyến khích hỗ trợ XKLĐ để người lao động tích cực tham gia.

Mai Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/dot-pha-trong-xuat-khau-lao-dong-o-huyen-ngoc-lac/107354.htm