Đột phá trong đầu tư tài năng thể thao

Chủ động và đột phá là hai yếu tố quan trọng mà Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông vừa nhấn mạnh tại buổi làm việc với lãnh đạo Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT) để đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án 'Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035' đã được Chính phủ phê duyệt.

Đề án được xây dựng với mục tiêu chung là phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng vận động viên tài năng, có năng khiếu đặc biệt ở một số môn thể thao thành tích cao, được xem là thế mạnh của Việt Nam đã đạt trình độ và giành được thứ hạng cao tại các sự kiện thi đấu khu vực, châu lục, thế giới và Olympic; các huấn luyện viên tài năng, có trình độ chuyên môn giỏi, giàu kinh nghiệm, có khả năng đặc biệt trong việc hoạch định chiến lược huấn luyện vận động viên thi đấu đạt thành tích huy chương tại các đấu trường trong nước và quốc tế.

Theo đại diện Bộ VH-TT-DL, việc triển khai đề án cần phải xác định đúng đối tượng được tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện gắn với các môn thể thao trọng điểm, các nội dung trọng điểm của điền kinh, bơi lội, thể dục, cử tạ, xe đạp, bóng đá, bóng chuyền, cầu lông… để không bỏ sót bất cứ nhân tài ở địa phương nào. Điều này đã được ngành thể thao thực hiện khá tốt thời gian qua, nhất là khi tận dụng được tiềm lực đầu tư và đào tạo của các địa phương giàu truyền thống như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Cần Thơ, Bắc Ninh… Một khi sức mạnh tập thể và tinh thần đoàn kết được phát huy tối đa, ngành TDTT sẽ sớm đạt được chỉ tiêu tuyển chọn và đào tạo thêm 3.700 vận động viên (VĐV) cho các đội tuyển quốc gia, trong đó có 400 VĐV đẳng cấp quốc tế, đủ sức tranh chấp huy chương ở những đấu trường khốc liệt như Asiad, Olympic hay hệ thống giải vô địch châu Á, vô địch thế giới.

Tổng cục TDTT, Viện Khoa học TDTT, Trường Đại học TDTT Bắc Ninh, Đại học TDTT TPHCM là những đầu mối quan trọng của đề án, cho nên việc tận dụng các nguồn lực tại chỗ để phát triển phải mang tính liên tục và có sự phối hợp nhịp nhàng, để không bị lỡ nhịp, thiếu sót. Tiến sĩ Đặng Hà Việt, Hiệu trưởng Trường ĐH TDTT TPHCM, cho rằng, tiềm năng thể thao trong xã hội còn rất lớn, vấn đề là cách thức chúng ta khai thác phải có căn cơ, bài bản và khơi dậy được hết khả năng của các VĐV, duy trì trình độ của họ ở đẳng cấp cao từ tuổi năng khiếu cho đến khi đã khoác trên mình chiếc áo của đội tuyển quốc gia.

Nhanh, khéo léo và thông minh là những tố chất đặc thù của VĐV Việt Nam, vì vậy, nếu đội ngũ quản lý ngành, các HLV và thậm chí cả những chuyên gia nước ngoài khi được mời về đào tạo, cần khai thác triệt để, giúp VĐV phát lộ hết tài năng. Điều đó có nghĩa là công tác tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng cho khoảng 600 HLV tài năng, trong đó có khoảng 60 HLV cao cấp trong đề án cũng cần được ưu tiên đặc biệt. Một vấn đề quan trọng nữa là đẩy mạnh công tác xã hội hóa để tạo thêm nguồn lực tài chính cho ngành TDTT trong đào tạo VĐV đỉnh cao. Hiện tại, mới chỉ có bóng đá, bóng rổ, xe đạp, quần vợt và bóng chuyền đang làm và mang lại hiệu quả rõ rệt, thể hiện ở chế độ đãi ngộ cho VĐV cao, nhiều giải đấu và sự kiện quốc tế được tổ chức với chất lượng chuyên môn đạt tầm mức quốc tế.

Khi VĐV “sống được”, tức là môn thể thao cũng “sống được” và khả năng phát triển sẽ lớn hơn, có độ phủ rộng không chỉ ở đỉnh cao mà còn ở cả cấp độ phong trào, kích thích các đối tượng như học sinh, sinh viên và người dân cả nước cùng tham gia tập luyện. Đấy là một đích ngắm khác mà ngành TDTT đang hướng đến. Trước mắt, chuẩn bị nguồn nhân lực cho SEA Games 31 và hoàn thành chỉ tiêu có 20 VĐV giành vé dự Olympic Tokyo 2020 cùng diễn ra vào năm tới là cơ sở cho ngành TDTT đánh giá lại tiềm năng ở nhóm môn trọng điểm sẽ được đầu tư đặc biệt trong Đề án “Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035”.

LÊ QUANG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/dot-pha-trong-dau-tu-tai-nang-the-thao-662521.html