Đột phá trong công tác cán bộ

Đến nay, Đắk Lắk đã tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp cơ sở. Đây là tiền đề quan trọng góp phần vào thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, nhiều cách làm mới được áp dụng hiệu quả trong công tác lựa chọn cán bộ.

Đường phố Buôn Ma Thuột rợp bóng cây xanh hai bên đường

Đường phố Buôn Ma Thuột rợp bóng cây xanh hai bên đường

Tổ chức thành công ĐH đảng bộ cơ sở

Thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị, đến nay, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã chỉ đạo 20 đảng bộ trực thuộc (trong đó có 15 đảng bộ huyện, thị xã, thành phố và 5 đảng bộ trực thuộc là Đảng bộ Khối các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh) tổ chức xong đại hội đại biểu nhiệm kỳ 2020-2025.

“Tỉnh ủy đã quán triệt công tác nhân sự nhiệm kỳ 2020-2025 ở các cấp ủy đặc biệt coi trọng chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý. Nhân sự được đề cử có phẩm chất, uy tín, thật sự trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong tình hình mới”.
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường, sau hơn 2 tháng triển khai, các đại hội các đảng bộ đã bám sát Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị, các quy định, hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên. Việc tổ chức đại hội được thực hiện nghiêm túc, trang trọng, thực hiện đủ 4 nội dung. Các đại hội cũng phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Coi trọng chất lượng, hiệu quả, đề cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, trước hết là người đứng đầu. Thực hiện tốt phương châm kế thừa, ổn định, đổi mới, sáng tạo, phát triển và đã thành công tốt đẹp.

“Đại hội các cấp đều diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, thực hiện đầy đủ các nội dung theo tinh thần Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị. Có bước đi, cách làm hết sức cụ thể, khoa học. Nhờ đó, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã lãnh đạo tổ chức thành công đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở”, Bí thư Bùi Văn Cường cho biết.

Bên cạnh đó, việc chuẩn bị văn kiện đại hội được các cấp ủy thực hiện chu đáo, thảo luận nhiều lần, lấy ý kiến rộng rãi. Qua đó phát huy trí tuệ của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân. Các ý kiến thảo luận ngắn gọn, đúng trọng tâm, góp phần nâng cao chất lượng văn kiện đại hội. Công tác chuẩn bị, tổ chức các đại hội bảo đảm đúng quy trình, quy định, phát huy dân chủ, tập hợp được trí tuệ của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Toàn cảnh thi tuyển Giám đốc Sở Công thương Đắk Lắk

“Tỉnh ủy đã quán triệt công tác nhân sự nhiệm kỳ 2020-2025 ở các cấp ủy đặc biệt coi trọng chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý. Nhân sự được đề cử có phẩm chất, uy tín, thật sự trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong tình hình mới. Đồng thời bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông, dân chủ, công tâm, khách quan, minh bạch. Gắn kết chặt chẽ với công tác quy hoạch cán bộ và sắp xếp, bố trí nhân sự lãnh đạo cơ quan nhà nước các cấp nhiệm kỳ tới. Đồng thời, mỗi cấp ủy chú trọng phát hiện, giới thiệu tham gia cấp ủy những nhân tố mới có đức, có tài, có uy tín, có triển vọng thông qua hoạt động thực tiễn, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số”, Bí thư Bùi Văn Cường cho biết.

Về định hướng phát triển cho nhiệm kỳ tới, tỉnh Đắk Lắk sẽ tập trung vào 3 khâu đột phá, 6 nhiệm vụ trọng tâm. Các nhiệm vụ gồm: Đẩy mạnh tái cơ cấu nền nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sạch, nông nghiệp hữu cơ, triển khai ứng dụng công nghệ cao trên diện rộng. Tăng cường năng lượng tái tạo. Phát triển giáo dục, y tế, khoa học nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tập trung phát triển công nghiệp chế biến sâu, công nghiệp có lợi thế cạnh tranh. Đảm bảo an ninh - quốc phòng tránh để bị động trong mọi tình huống. Xây dựng đảng, hệ thống chính trị vững mạnh, đội ngũ cán bộ giỏi để thúc đẩy phát triển.

Về 3 khâu đột phá tỉnh Đắk Lắk sẽ triển khai gồm: Thứ nhất, tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính tăng sự hài lòng người dân và doanh nghiệp. Thứ hai là tiếp tục đột phá nguồn nhân lực, cải cách đổi mới giáo dục và đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Thứ ba, tập trung đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối hệ thống giao thông với các tỉnh lân cận.

Tại cuộc làm việc với Ban thường vụ Tỉnh Ủy Đắk Lắk vừa diễn ra cuối tháng 9/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn của tỉnh để phát triển kinh tế đạt mức tăng trưởng khá. Thu hút đầu tư, thu ngân sách đạt và vượt kế hoạch, quốc phòng - an ninh đảm bảo ổn định. Công tác chuẩn bị đại hội Đảng chu đáo.

Thủ tướng đề nghị Đắk Lắk cần quan tâm hơn nữa đến công tác an sinh xã hội, bảo đảm đời sống người dân. Nỗ lực hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2020. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các phương án, kịch bản chỉ đạo đại hội Đảng bộ tỉnh sắp tới. Chuẩn bị chu đáo phương án nhân sự để bầu được Ban Chấp hành, Ban Thường vụ tâm huyết, đoàn kết cùng xây dựng tỉnh Đắk Lắk phát triển. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cần chủ động triển khai xây dựng đô thị Buôn Ma Thuột phát triển mạnh mẽ, toàn diện, xứng tầm đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên; tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, thu hút các nguồn lực đầu tư để thực hiện mục tiêu đề ra…

Nhiều đột phá mới

Một trong những cách làm mới trong công tác lựa chọn cán bộ của tỉnh Đắk Lắk thời gian qua là tiến hành thi tuyển cán bộ. Kế hoạch thí điểm đầu tiên thi tuyển Bí thư Huyện ủy Lắk và Buôn Đôn. Theo đó, việc tuyển chọn thí điểm Bí thư Huyện ủy 2 huyện dựa trên cơ sở Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác cán bộ.

Theo lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk, việc tuyển chọn vào chức danh Bí thư huyện ủy ở 2 huyện này nhằm thực hiện tuyển chọn theo cơ chế cạnh tranh, bình đẳng, dân chủ, công khai và khách quan. Trên cơ sở đó, để lựa chọn những công chức lãnh đạo, quản lý thực sự có năng lực, trình độ và triển vọng. Tạo môi trường, điều kiện để ứng viên nghiên cứu học tập nâng cao trình độ bản thân, chắt lọc các đề án, giải pháp khả thi để xây dựng phát triển huyện...

“Sau khi thực hiện quy trình 5 bước về tổ chức cán bộ, chúng tôi làm thêm một bước cuối cùng, tổ chức cho cán bộ thực hiện bảo vệ đề tài “Chương trình hành động” của mình trước hội đồng (Ban Thường vụ Tỉnh ủy-PV). Các ứng viên sẽ đứng ra bảo vệ đề án của mình trước Ban thường vụ Tỉnh ủy, với câu hỏi “nếu được làm Bí thư Huyện ủy, họ sẽ làm gì cho địa phương phát triển hơn”. Người nào đưa ra được những giải pháp tốt, chính sách tốt để giúp kinh tế - xã hội địa phương đi lên, người đó sẽ được chọn làm Bí thư Huyện ủy”, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường khẳng định.

Ngoài ra, các ứng viên tham gia tuyển chọn phải đáp ứng các điều kiện như có 3 năm liền kề hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ trở lên; không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4, Điều 82 Luật Cán bộ, công chức. Theo đó hai người có số điểm cao nhất là ông Võ Ngọc Tuyên (Phó giám đốc Sở KH&ĐT) giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Lắk và ông Ya Toan Ênuôl (Phó bí thư Thành ủy Buôn Ma Thuột) làm Bí thư Huyện ủy Buôn Đôn.

Tiếp đà thành công này, Đắk Lắk còn tổ chức thi tuyển nhiều chức danh khác như: Giám đốc Sở Công Thương và Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn…

Ngoài ra, Bí thư Bùi Văn Cường còn là người đề xuất, mời các đơn vị tư vấn phác thảo ý tưởng làm đường cao tốc từ Buôn Ma Thuột-Nha Trang (Khánh Hòa). Trên cơ sở đó, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk đề xuất Trung ương để thực hiện dự án này. “Nếu tuyến cao tốc được triển khai, sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ 6 đến 7 tiếng/200km xuống còn hơn 1 tiếng/105 km. Nhờ cao tốc, còn tạo sự kết nối rừng với biển, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng”, ông Cường nói.

N.L

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/dot-pha-trong-cong-tac-can-bo-1734194.tpo