Đột phá phát triển chăn nuôi

Với sự tham gia của các tập đoàn, doanh nghiệp (DN) có uy tín như: TH True Milk, Việt Thắng, CP… ngành chăn nuôi được kỳ vọng sẽ tạo ra đột phá từ các trang trại quy mô lớn, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Đồng thời, các mô hình gia trại, tập trung, khép kín cũng có điều kiện phát triển.

Phục hồi sản xuất

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) An Giang Trần Tiến Hiệp cho rằng, chăn nuôi là ngành kinh tế quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, không những đáp ứng nhu cầu thực phẩm tiêu dùng hàng ngày của xã hội, mà còn giải quyết việc làm cho lao động thời vụ nhàn rỗi ở nông thôn. Chăn nuôi không chỉ góp phần giảm nghèo, mà còn là nguồn thu nhập quan trọng, giúp nhiều gia đình vươn lên làm giàu.

Những năm qua, ngành chăn nuôi An Giang dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng vẫn tăng trưởng ổn định. Trong đó, đã phát triển thêm nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn do DN đầu tư, góp phần hiện đại hóa ngành nông nghiệp của tỉnh.

Hiện nay, có nhiều trang trại đang thực hiện chăn nuôi heo gia công với tổng đàn trên 6.000 con như: trại An Khang (quy mô 1.500 con/trại), trại Trí Nghĩa (1.500 con/trại), trại An Tâm (500 con/trại), trại Định Thành (3.000 con/trại), riêng trại Việt Thắng đạt quy mô 1.500 con heo cụ kỵ, ông bà.

Đối với chăn nuôi gà, hiện có trại gà An Tâm tại Châu Phú với quy mô nuôi 20.000 con/trại (40.000 con/2 trại); trại Trí Nghĩa tại Tịnh Biên quy mô nuôi 15.000 con/trại (30.000 con/2 trại).

Đối với đàn bò, tỉnh tăng cường thực hiện gieo tinh nhân tạo cho đàn bò cái sinh sản, phát triển đàn bò thịt nuôi vỗ béo. Đến nay, đã phát triển các trang trại chăn nuôi bò thịt trên địa bàn tỉnh (trại SD 500 con, trại Cường Hạnh 200 con).

Phát triển chăn nuôi heo trang trại

Ông Hiệp cho biết, năm 2020, ngành chăn nuôi đặt kế hoạch GO (giá trị sản xuất) tăng khoảng 156 tỷ đồng so năm 2019. Chi cục CN&TY đang tập trung triển khai thực hiện các kế hoạch phát triển đàn heo như: kế hoạch nâng cao chất lượng đàn heo của tỉnh bằng phương pháp thay đàn cái nền; kế hoạch “Xây dựng mô hình thí điểm tái đàn heo trong giai đoạn bệnh dịch tả heo Châu Phi chưa có vaccine tiêm phòng” và kế hoạch “Tái đàn heo năm 2020 trong giai đoạn bệnh dịch tả heo Châu Phi được ngăn chặn”.

Đồng thời, tiếp tục mời gọi DN đầu tư vào phát triển chăn nuôi heo. Cùng với phát triển các trang trại nuôi gà, tỉnh định hướng phát triển các mô hình chăn nuôi vịt đẻ nuôi nhốt, an toàn sinh học, hạn chế chạy đồng hoặc chạy đồng có kiểm soát.

Song song đó, hỗ trợ hộ chăn nuôi, cơ sở ấp trứng gia cầm thay đàn giống nhằm nâng cao năng suất sinh sản của đàn vịt trên địa bàn tỉnh; hình thành và phát triển các chuỗi sản xuất, tiêu thụ trứng vịt, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm trứng vịt.

Đối với nuôi yến, tiếp tục hoàn chỉnh các quy định về quản lý nuôi chim yến trên địa bàn An Giang, xây dựng kế hoạch phát triển nghề nuôi chim yến bền vững, xây dựng và phát triển chuỗi tiêu thụ yến sào, truy xuất nguồn gốc tổ yến.

Hỗ trợ doanh nghiệp

Ông Trần Tiến Hiệp cho biết, thời gian tới, ngành CN&TY tiếp tục triển khai thực hiện đúng tiến độ, hiệu quả các dự án, kế hoạch hỗ trợ phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, gồm: kế hoạch hỗ trợ phát triển chăn nuôi nông hộ theo Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg năm 2020; kế hoạch phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; dự án “Phát triển đàn bò theo hướng công nghệ cao”; kế hoạch xây dựng hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tỉnh An Giang giai đoạn 2018-2025 (Quyết định số 2367/QĐ-UBND, ngày 27-9-2018 của UBND tỉnh); kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm...

Toàn tỉnh phấn đấu năm 2020, đàn heo đạt khoảng 84.000 con, tăng 38% so thời điểm cuối năm 2019 (tăng 31.000 con); chăn nuôi kiểm soát dịch bệnh và vệ sinh môi trường. Đối với chăn nuôi gia cầm, phát triển chăn nuôi theo hình thức chăn thả có kiểm soát, chăn nuôi quy mô lớn, trang trại, công nghiệp, phấn đấu đàn gà đạt khoảng 1,4 triệu con, đàn thủy cầm khoảng 3,2 triệu con. Đối với đàn bò thịt, ổn định khoảng 67.000 con.

Theo ông Hiệp, hiện đang có những dự án chăn nuôi lớn sắp triển khai tại An Giang. Trong đó, Công ty Việt Thắng dự kiến phát triển trại An Giang 3 lên quy mô 15.000 con heo nái sinh sản; Tập đoàn Thaco đầu tư phát triển trại heo thịt quy mô đến 500.000 con.

Trong khi đó, Tập đoàn TH True Milk đầu tư phát triển trại chăn nuôi bò sữa, nhà máy chế biến sữa trên địa bàn tỉnh với quy mô đến năm 2022 đạt 5.000 con, năm 2023 đạt 7.500 con, năm 2024 tổng đàn bò đạt 10.000 con. Trong đó, nhà máy chế biến sữa công suất 135 tấn sữa nguyên liệu/ngày của TH dự kiến hoàn thành năm 2022.

Để đạt GO ngành chăn nuôi năm 2020 tăng khoảng 156 tỷ đồng so năm 2019, Chi cục CN&TY đặt mục tiêu GO gia cầm tăng khoảng 37,6 tỷ đồng; phục hồi nhanh đàn heo và ổn định đàn bò, đảm bảo GO gia súc tăng khoảng 93,4 tỷ đồng; số lượng tổ yến cho thu hoạch ước tăng 1 tấn, GO tăng khoảng 25 tỷ đồng. Ước tính sản lượng thịt hơi năm 2020 tăng khoảng 3.000 tấn, trứng vịt tăng 5 triệu quả.

NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/dot-pha-phat-trien-chan-nuoi-a277237.html