Cơ hội thuận lợi để phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ

Với tỷ lệ lớn người dân chưa tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, cùng chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, chương trình chuyển đổi số quốc gia và chính sách mở cửa lại nền kinh tế của Chính phủ…, rất nhiều điều kiện thuận lợi đã mở ra cho ngành Ngân hàng trong chuyển đổi số và phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ.

Liên quan đến phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ, ngày 25/3, tại TP. Hồ Chí Minh, Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế tại Việt Nam (IDG Vietnam) phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức sự kiện Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam năm 2022 (Vietnam Retail Banking Forum). Sự kiện có chủ đề: Hoạt động ngân hàng bán lẻ ‘‘bình thường mới’’ – Thích ứng, nhanh gọn, hiệu quả, tận dụng lợi thế số; đã thu hút khá nhiều chuyên gia đến từ các tổ chức tài chính, cơ quan quản lý nhà nước…

Tổng Thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng: Phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ là chiến lược trọng tâm của các ngân hàng. Ảnh Đỗ Doãn

Đóng góp tích cực cho tăng trưởng ngành Ngân hàng

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký VNBA cho biết, từ những bước đi ban đầu cách đây 10 năm, cùng với xu thế hội nhập và phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đến nay phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ đã trở thành xu hướng chuyển dịch tất yếu và là chiến lược phát triển trọng tâm của các ngân hàng.

Theo thống kê, năm 2021 tín dụng ngân hàng đã có sự chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng cho vay bán lẻ của nhóm ngân hàng quy mô vừa và lớn chiếm 40% - 50%, đặc biệt có ngân hàng lên đến gần 90%. Cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính đạt gần 200.000 tỷ đồng, tăng gần 6% so với năm 2020.

Các sản phẩm tiền gửi cũng đa dạng, linh hoạt hơn, qua đó có thể huy động nhanh và nhiều nhất nguồn vốn nhàn rỗi nhỏ lẻ từ khách hàng cá nhân. Các hình thức cho vay cá nhân ngày càng phát triển với thủ tục đơn giản, thuận tiện. Bên cạnh đó, các sản phẩm thẻ, chuyển tiền, ngân hàng điện tử, thanh toán hóa đơn, bảo hiểm,... cũng được các ngân hàng đưa ra nhiều chương trình, chính sách và khuyến mãi để thu hút người dùng.

Trong khi đó, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đạt mức tăng trưởng cao (qua kênh Internet tăng 48,8% về số lượng và 32,6% về giá trị, qua kênh điện thoại di động tăng 76,2% và 87,5%, thanh toán qua QRcode lên đến 200% so với năm 2020); tỷ trọng các giao dịch rút tiền mặt qua ATM trên tổng các giao dịch xử lý qua hệ thống của NAPAS giảm mạnh từ 26% năm 2020 xuống còn 12%...

Khách tham quan tìm hiểu các giải pháp công nghệ tại Triển lãm Ngân hàng bán lẻ. Ảnh Đỗ Doãn

Nhờ đẩy mạnh dịch vụ bán lẻ, các ngân hàng đã giữ được tốc độ tăng trưởng, vượt qua ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, đồng thời tạo ra những giá trị gia tăng, hỗ trợ khách hàng trong lúc khó khăn. Trong 2 năm qua (2020 và 2021) hệ thống ngân hàng đã miễn giảm hơn 37.500 tỷ đồng tiền lãi vay, miễn phí khoảng 80% số hượng giao dịch với số tiền 2.557 tỷ đồng.

‘‘Có thể nói, sự tăng trưởng của ngành Ngân hàng trong năm 2021 có đóng góp tích cực của dịch vụ bán lẻ, nó cũng là chìa khóa để ngành Ngân hàng thực hiện được nhiệm vụ giữ cho huyết mạch của nền kinh tế thông suốt trong mọi thời điểm, kể cả thời kỳ cao điểm của đại dịch’’ – ông Nguyễn Quốc Hùng nói.

Nắm bắt cơ hội phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ

Cũng tại diễn đàn, các chuyên gia kinh tế, chuyên gia công nghệ đã chia sẻ về các mô hình, kinh nghiệm phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ trong và sau dịch Covid -19 của các quốc gia phát triển; phân tích các thành tựu phát triển ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam; giới thiệu các giải pháp công nghệ nhằm giúp các ngân hàng xử lý nghiệp vụ một cách nhanh chóng, đưa ra các sản phẩm, dịch vụ sáng tạo trên nền tảng công nghệ sẵn có của ngân hàng…

Bên cạnh chương trình hội thảo là chương trình triển lãm ngân hàng bán lẻ, với nội dung cập nhật các thành tựu công nghệ tiên tiến nhất phục vụ phát triển ngân hàng số như bảo mật, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo và các giải pháp giúp phân tích nhu cầu khách hàng, gia tăng trải nghiệm khách hàng. Đặc biệt, Công ty CP Dịch vụ Dữ liệu công nghệ thông tin Việt Nam (VNG cloud) còn giới thiệu hàng loạt các giải pháp điện toán đám mây góp phần thúc đẩy hiệu quả hoạt động, vận hành ngân hàng số…

Có thể nói, đại dịch Covid-19 tuy đã chuyển sang giai đoạn mới song còn diễn biến phức tạp và vẫn tiếp tục lan rộng trên thế giới với nhiều biến chủng mới, vì vậy trạng thái “bình thường mới” sẽ luôn thay đổi. Tác động của đại dịch cùng với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang hình thành các xu hướng định hình ngân hàng bán lẻ trong khu vực và trên thế giới.

Toàn cảnh Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam năm 2022. Ảnh Đỗ Doãn

Với gần 50% dân số sử dụng thương mại điện tử, đặc biệt là thế hệ trẻ với hành vi tiêu dùng mới, với tỷ lệ lớn người dân chưa được tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, thì tiềm năng thị trường cho ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam là rất lớn. Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và chính sách mở cửa lại nền kinh tế của Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng trong chuyển đổi số và phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ trong thời gian tới.

‘‘Các ngân hàng vì thế cần nắm bắt thời cơ, tận dụng lợi thế số, chuyển đổi mô hình kinh doanh lấy bán lẻ làm trọng tâm, thích ứng với “bình thường mới”; đồng thời tăng cường hợp tác, phát triển mở rộng hệ sinh thái ngân hàng số nhằm mang đến cho khách hàng các sản phẩm, dịch vụ tài chính số đa dạng, phù hợp với thu nhập và đời sống của người Việt…’’ – ông Nguyễn Quốc Hùng khuyến nghị./.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/co-hoi-thuan-loi-de-phat-trien-dich-vu-ngan-hang-ban-le-102431.html