Đột phá mới trong điều trị virus COVID-19

Bản đồ 3D cấu trúc phân tử của virus COVID-19 hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cách tiếp cận mới trong điều chế thuốc kháng và vaccine ngừa dịch.

Tính đến 7 giờ tối 20-2, tờ South China Morning Post dẫn nguồn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (TQ) ghi nhận toàn thế giới có 2.127 người tử vong vì bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới (tên chính thức là COVID-19) gây ra, 75.752 ca nhiễm. Như vậy, so với ngày 19-2, số ca lây nhiễm tăng gần 437 người.

Số ca tử vong bên ngoài đại lục đến nay đã lên đến 11 ca với một trường hợp ở Philippines ngày 2-2, một ở Đài Loan ngày 4-2, một ở Nhật ngày 13-2, một ở Pháp ngày 15-2, hai ở Hong Kong ngày 16-2 và 19-2. Riêng ngày 20-2, có hai trường hợp tử vong ở Iran, hai trên tàu Diamond Princess ở Nhật Bản và một trường hợp ở Hàn Quốc.

Các cơ quan y tế TQ cũng cho biết có 16.329 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính với COVID-19, tăng 1.877 người so với ngày 19-2.

Đáng chú ý, đài CNN trong ngày 20-2 dẫn một nghiên cứu mới đây của một nhóm chuyên gia ĐH Texas (Mỹ) khẳng định đã tạo ra bản đồ 3D đầu tiên về cấu trúc phân tử của protein sợi (spike protein) của COVID-19 (là phần mà virus gắn vào tế bào của người và bắt đầu lây nhiễm). Đây là bước tiến quan trọng trong việc phát triển vaccine và phương pháp điều trị dịch COVID-19.

Chìa khóa nằm trong cấu trúc virus

Trả lời phỏng vấn, nhóm nghiên cứu cho biết ban đầu nghiên cứu tập trung vào mã di truyền của virus được các nhà khoa học TQ chia sẻ công khai, sau đó sử dụng công nghệ kính hiển vi điện tử nghiệm lạnh để tạo ra protein sợi. Phần protein này có trong màng bọc của virus COVID-19 và được virus sử dụng để xâm nhập tế bào của vật chủ trong quá trình lây nhiễm. Xác định protein sợi giúp ích rất nhiều cho việc phát triển vaccine, kháng thể để chẩn đoán và điều trị bệnh.

“Protein sợi là kháng nguyên mà chúng tôi muốn đưa vào cơ thể người để khiến hệ miễn dịch phản ứng tạo kháng thể chống lại khi con người nhiễm virus thực sự” - người dẫn đầu nhóm chuyên gia ông Jason McLellan, cho biết.

Ông McLellan cũng chia sẻ ông và các đồng nghiệp đã dành nhiều năm nghiên cứu về các chủng khác của virus Corona, trong đó có SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) và MERS (Hội chứng viêm đường hô hấp Trung Đông). Nhờ vậy, các chuyên gia trên có thể phát triển được các phương pháp kỹ thuật cần thiết để giữ protein sợi ổn định.

Kết quả này là bước tiến quan trọng trong phát triển vaccine và phương pháp điều trị COVID-19. Protein sợi này đang được cân nhắc thử nghiệm để bào chế vaccine tiềm năng.

Ngoài ra, một công dụng nữa của bản đồ 3D cấu trúc phân tử là sẽ chỉ ra được kích thước và vị trí của chuỗi phân tử đường mà virus COVID-19 sử dụng để tránh bị hệ thống miễn dịch của con người phát hiện.

Các nhà khoa học Mỹ cũng sẽ gửi mô hình 3D này tới các nhà khoa học khác trên thế giới để hỗ trợ quá trình nghiên cứu toàn cầu. “Đây là một cấu trúc rõ ràng của một trong những protein virus Corona chủng mới quan trọng nhất, một bước đột phá thực sự trong phương diện hiểu biết về cách thức virus Corona này tìm ra và xâm nhập các tế bào” - nhà virus học Benjamin Neuman thuộc ĐH Texas A&M - Texarkana khẳng định.

Thời gian tới, nhóm nghiên cứu của ông Jason McLellan đang lên kế hoạch sử dụng protein sợi làm mồi nhử để phân tách các kháng thể được sản xuất tự nhiên từ các bệnh nhân bị nhiễm loại virus mới này và đã khỏi bệnh. Với số lượng đủ lớn, các kháng thể có thể giúp điều trị sự lây nhiễm của COVID-19 ngay sau khi tiếp xúc.

Một nhà nghiên cứu đang làm việc tại khu cách ly tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. (Ảnh chụp ngày 16-2) Ảnh: CCTV

Một nhà nghiên cứu đang làm việc tại khu cách ly tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. (Ảnh chụp ngày 16-2) Ảnh: CCTV

Đông y Trung Quốc cho kết quả khả quan

Song song với những đột phá của khoa học y học phương Tây, nền Đông y cổ truyền TQ cũng đạt được những tín hiệu tích cực trong nỗ lực điều trị dịch bệnh ở đại lục. Tân Hoa Xã ngày 20-2 dẫn nguồn nhiều bác sĩ y học cổ truyền khẳng định việc kết hợp thuốc Đông y và Tây y đã chứng minh khả năng rút ngắn thời gian điều trị.

Đơn cử, một bài thuốc có tên “Thanh phế bài độc thang” đã được đưa vào sử dụng và quan sát lâm sàng ở 57 bệnh viện chỉ định thuộc 10 tỉnh, thành của TQ. Kết quả cho thấy bài thuốc này có thể sử dụng cho cả bệnh nhân nhẹ, bệnh nhân nặng.

Trong cuộc họp với các ngoại trưởng ASEAN ngày 20-2, Ngoại trưởng TQ Vương Nghị kêu gọi các nước trong khối hỗ trợ TQ đẩy lùi dịch bệnh. Ông Vương cũng khẳng định Bắc Kinh đang mạnh mẽ chống dịch và COVID-19 “có thể kiểm soát và điều trị”.

“Các phương pháp điều trị của Đông y cho kết quả tốt vì hầu hết các bệnh nhân đã giảm đau, ho, khó thở và ăn có cảm giác ngon miệng hơn” - Hoàn Cầu thời báo dẫn lời ông Wen Minyong, Đội trưởng Đội y tế hỗ trợ Vũ Hán, cho biết.

Theo chuyên gia này, y học TQ cho rằng bệnh tật là do sự rối loạn của một hoặc nhiều cơ quan bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như nhiệt hoặc ẩm bên trong. Do đó, Đông y tập trung khôi phục các chức năng của cơ quan nội tạng thông qua một số liệu pháp nhất định. Hiện điều trị lâm sàng và phục hồi bằng Đông y cũng được đưa vào phiên bản mới nhất của chương trình chẩn đoán và điều trị COVID-19 do Ủy ban Y tế quốc gia nước này công bố.
Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 17-2, Vụ trưởng Vụ Hành chính y tế Cục Quản lý Trung y dược quốc gia TQ Tưởng Kiện khẳng định: “Tính đến thời điểm hiện tại, Trung y dược đã tham gia điều trị cho tổng cộng 60.107 người bệnh COVID-19 trên cả nước, chiếm 85,2%. Các khu vực ngoài Hồ Bắc, tỉ lệ bệnh nhân sử dụng Trung y dược được chữa khỏi, xuất viện và cải thiện bệnh tình chiếm 87%”.

Dù vậy, các bác sĩ và chuyên gia TQ vẫn khuyến cáo nhiều bài thuốc Đông y của nước này chỉ có tác dụng chữa bệnh, không có tác dụng phòng ngừa. Người bệnh không nên tự ý điều trị tại nhà. Khi có các triệu chứng vẫn cần phải đến cơ sở y tế khám bệnh và điều trị, bệnh tình cũng có thể tiến triển đột ngột, do vậy việc điều trị sớm là điều vô cùng quan trọng.

COVID-19 có cơ chế lây lan giống cúm thông thường?

Hãng tin Reuters ngày 19-2 dẫn một nghiên cứu của một số nhà khoa học tỉnh Quảng Đông phát hiện có cơ chế lây lan giống cúm thông thường khi bệnh nhân không có biểu hiện triệu chứng ra ngoài như sốt, ho vẫn giữ đầy đủ khả năng lây bệnh. Điều này cũng lý giải tại sao COVID-19 lại có tốc độ lây lan đáng lo ngại như hiện nay.

Bình luận về kết quả trên, BS Michael Poland thuộc cơ sở y tế Mayo ở TP Rochester (Mỹ) cho rằng nếu được xác nhận, đây sẽ là phát hiện rất quan trọng và sẽ thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận phòng, chống dịch hiện tại, vốn dựa phần nhiều vào kinh nghiệm ngừa dịch SARS trước đó.

VĨ CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/dot-pha-moi-trong-dieu-tri-virus-covid19-891080.html