Đột phá giao thông, thúc đẩy tăng trưởng bền vững

Tỉnh Long An có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cửa ngõ từ miền Đông Nam Bộ đi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại. Thời gian qua, nhiều công trình, dự án giao thông được tỉnh quan tâm đầu tư đã góp phần thuận lợi trong việc đi lại, giao thương, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Tạo động lực phát triển

Tuyến đường tỉnh ĐT830 dài gần 60km, vận tốc thiết kế 80km/h từ huyện Đức Hòa đến Cảng Quốc tế Long An (huyện Cần Giuộc) là công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) đề ra. Công trình hoàn thành đã góp phần thay đổi diện mạo giao thông của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đến cảng biển hoặc đi TP Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận khác. Đồng thời, đã thiết thực phát huy hiệu quả 16 khu công nghiệp và 21 cụm công nghiệp, giúp tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh ước đạt 9,11%/năm.

Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An, giai đoạn 2 của công trình này dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2020, mở ra hướng đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế bền vững cho tỉnh và cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Công trình ĐT830 còn kết nối với các trục giao thông dọc hiện hữu như tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, Quốc lộ 1, Quốc lộ 50 tạo ra hệ thống kết nối giao thông liên hoàn, thông suốt, giúp phát triển logistics và vận tải đa phương thức. Đây là giải pháp để tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo động lực trong phát triển kinh tế, xã hội, nhất là phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Bên cạnh đó, các xã có tuyến đường đi qua cũng phát triển giao thông nông thôn, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.

Cầu Tân An mới trên Quốc lộ 1A được đưa vào sử dụng góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông khu vực đô thị TP Tân An, Long An. Ảnh: HÙNG KHOA

Cầu Tân An mới trên Quốc lộ 1A được đưa vào sử dụng góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông khu vực đô thị TP Tân An, Long An. Ảnh: HÙNG KHOA

Ông Trần Hồng Sơn, đại diện Công ty Cổ phần Long Hậu (chủ đầu tư Khu công nghiệp Long Hậu, huyện Cần Giuộc) khẳng định rằng, khi đường, cầu được đầu tư mới, sửa chữa, nâng cấp sẽ giúp việc giao thương hàng hóa, đi lại của người dân thuận lợi hơn. Không chỉ vậy, việc này còn tạo sự liên kết giữa các địa phương, vùng, tạo động lực cho sự phát triển. Khi có tuyến đường ĐT830, cùng hạ tầng giao thông trên địa bàn ngày càng hoàn thiện, các doanh nghiệp đã giảm được chi phí, thời gian vận chuyển hàng hóa.

Ngoài những công trình trọng điểm như đường ĐT830, trong 5 năm qua, Long An còn thực hiện 14 công trình giao thông đột phá phục vụ phát triển công nghiệp, với việc cải tạo, nâng cấp và mở rộng gần 95km đường với tổng mức đầu tư gần 5.900 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn vận động doanh nghiệp gần 3.000 tỷ đồng. Đến nay, có 9 dự án, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, 2 công trình sẽ hoàn thành trong năm 2020 và 3 công trình hoàn thành sau năm 2020. Khi các tuyến giao thông này được kết nối thông suốt, Cảng Quốc tế Long An sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận.

Mới đây, ngày 4-11, Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An đã động thổ thi công gói thầu số 5, thuộc dự án đường vành đai TP Tân An. Đây là công trình trọng điểm tiếp nối từ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025). Công trình này sau khi hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội, tạo trục giao thông liên hoàn, xuyên suốt để kết nối đô thị hiện hữu của TP với các đô thị phía Bắc, phía Nam của tỉnh. Đồng thời, tạo thành trục động lực kết nối giữa vùng Đồng Tháp Mười với các huyện phía Nam của tỉnh. Đồng chí Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch UBND TP Tân An kỳ vọng: “Tuyến đường này sẽ tạo sự kết nối để lưu thông hàng hóa, thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, góp phần hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật để thành phố đạt tiêu chí giao thông, tăng mật độ cây xanh, thu hút dân cư đô thị của đô thị loại I thời gian tới”.

Đột phá mạnh mẽ, tăng tính liên kết vùng

Với tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 50, Quốc lộ 62… đi ngang, đang tạo cơ hội cho các huyện trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh Long An như: Bến Lức, Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc… bứt phá phát triển mạnh. Xác định hệ thống giao thông có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nhiều năm qua, tỉnh Long An tập trung các nguồn lực để phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối thông suốt từ các khu kinh tế đến cảng biển, kết nối với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trong khu vực.

Đồng chí Nguyễn Hoài Trung, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An cho biết: “Nhiều năm qua, tỉnh tập trung huy động mọi nguồn lực để nâng cấp các tuyến đường, cầu trên địa bàn. Sự phát triển nhanh về hạ tầng giao thông cũng góp phần hiện thực hóa ba vùng quy hoạch chiến lược của tỉnh. Sở tiếp tục phối hợp các sở, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các công trình, sớm đưa vào sử dụng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn mới”.

Hạ tầng giao thông hoàn thiện tại tuyến tránh TP Tân An tạo trục động lực phát triển. Ảnh: THANH NGA

Trong giai đoạn phát triển 2020-2025, tỉnh Long An tiếp tục thực hiện chương trình đột phá là huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Tỉnh tập trung thực hiện 3 công trình trọng điểm gồm: Hoàn thiện Đường Vành đai thành phố Tân An, đường tỉnh 830E và đường tỉnh 827E. Đây là những tuyến giao thông rất quan trọng, tạo sự kết nối đồng bộ về giao thông và nền tảng phát triển đột phá cho toàn tỉnh, nhất là bảo đảm kết nối tốt với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trong khu vực. Ngoài ra, tỉnh còn huy động mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông, từng bước nhựa hóa các tuyến đường giao thông chính đến trung tâm các xã, vùng có truyền thống cách mạng, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh. Những vấn đề trọng tâm này đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.

Để thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ này, theo đồng chí Nguyễn Văn Được, Bí thư Tỉnh ủy Long An, với ý nghĩa chiến lược và tầm quan trọng của các công trình, dự án giao thông, Tỉnh ủy, UBND tỉnh sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên việc triển khai thực hiện bằng nhiều nguồn lực. Từ đó, tạo sự kết nối đồng bộ về giao thông giữa các địa phương phát triển công nghiệp của tỉnh với đô thị TP Hồ Chí Minh, Cảng Quốc tế Long An, tạo tiền đề thu hút các nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy khu vực này phát triển nhanh và bền vững.

HÙNG KHOA

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/chinh-sach/dot-pha-giao-thong-thuc-day-tang-truong-ben-vung-643106