Đột phá bên trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng: Bí ẩn 2.000 năm sắp được giải mã trong thế kỷ 21!

'Thế kỷ 21 là kỷ nguyên mới của khám phá' - National Geographic.

Tiến sĩ Fredrik Hiebert - chuyên gia khảo cổ học thuộc Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ dự đoán những phát hiện đáng kinh ngạc mà chúng ta có thể tạo ra trong thế kỷ 21.

Khi Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ (National Geographic Society) trao tặng khoản tài trợ khảo cổ đầu tiên cho Hiram Bingham (1875 – 1956) vào năm 1912, nhà khảo cổ học đã đến Machu Picchu (Peru) với một trong những công nghệ tiên tiến nhất vào thời điểm đó: Một máy ảnh toàn cảnh Kodak.

Hơn 100 năm sau, các nhà khảo cổ học đã có một loạt các công cụ công nghệ đáng kinh ngạc để sử dụng, từ thiết bị viễn thám cho phép chúng ta "nhìn thấy" ngoài tầm thị giác - cho đến máy tính mạnh mẽ đến mức chúng có thể xử lý những gì con người cần trong một giây, mà trước đây cần hàng ngàn năm để làm.

Tiến sĩ Fredrik Hiebert - chuyên gia khảo cổ học thuộc Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ (National Geographic Society). Ảnh: National Geographic

Tiến sĩ Fredrik Hiebert - chuyên gia khảo cổ học thuộc Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ (National Geographic Society). Ảnh: National Geographic

Nhà khảo cổ học Fredrik Hiebert cho biết: "Có một lý do giải thích tại sao National Geographic gọi thế kỷ 21 là" kỷ nguyên mới của khám phá". Vì cơ hội cho những gì chúng ta có thể khám phá trong thế kỷ này - và những câu hỏi cuối cùng chúng ta có thể trả lời - gần như vô hạn".

Vậy đâu là những bí ẩn cổ đại có thể được giải mã trong thế kỷ 21 này? Fredrik Hiebert của National Geographic đưa ra những gợi ý:

1. Tìm thấy lăng mộ của Thành Cát Tư Hãn, Alexander Đại đế

Năm 2020, một bức tranh khảm được phát hiện bên trong một ngôi mộ khổng lồ có tường bằng đá cẩm thạch gần địa điểm cổ đại Amphipolis ở miền bắc Hy Lạp đã làm dấy lên suy đoán rằng ngôi mộ thuộc về một thành viên của gia đình Alexander Đại đế. Nguồn: ARISTIDIS VAFEIADAKIS / ZUMA PRESS / CORBIS

Nhà khảo cổ học Fredrik Hiebert cho biết công nghệ như radar xuyên đất (GPR) cho phép các nhà khảo cổ tìm kiếm dưới lòng đất mà không cần đào. Đối với Dự án Thung lũng Khans của National Geographic, nhóm của ông đã sử dụng hình ảnh vệ tinh để xác định các vị trí tiềm năng cho khu chôn cất của Thành Cát Tư Hãn, sau đó sử dụng GPR để xác định vị trí lại một lần nữa.

"Mặc dù chúng tôi không xác định được lăng mộ của Thành Cát Tư Hãn vào thời điểm đó, nhưng đó là một cách tuyệt vời để khảo sát những khu vực đất rộng lớn để tìm ra manh mối dù là nhỏ nhất. Bí ẩn những lăng mộ của Thành Cát Tư Hãn hay của Alexander Đại đế sẽ sớm được sáng tỏ" - Fredrik Hiebert nói.

2. Bước vào lăng mộ của vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc: Tần Thủy Hoàng

Một đội quân đất sét giống như người thật, bảo vệ lăng mộ rộng lớn của Tần Thủy Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc. Các nhà khảo cổ vẫn chưa khám phá được những bí mật trong khu mộ hoàng đế. Ảnh: O. LOUIS MAZZTENTA, NAT GEO IMAGE COLLECTION

Các nhà khảo cổ biết vị trí của khu chôn cất Tần Thủy Hoàng — được bao quanh bởi hàng nghìn chiến binh đất nung của ông ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc — nhưng việc các vật phẩm được lưu giữ trong lăng mộ hơn 2.000 năm có thể bị hư hỏng nếu tiếp xúc với không khí khiến họ - dù rất muốn - vẫn chưa thể bước vào lăng.

Tiến sĩ Fredrik Hiebert cho biết: "Các công cụ viễn thám như GPR và từ kế có thể cho chúng tôi ý tưởng về cấu trúc bên trong. Việc 'bước vào' lăng mộ sẽ do các thiết bị robot nhỏ bé thực hiện. Bước đột phá này vừa giúp các nhà khoa học thu thập dữ liệu khảo cổ vừa không phương hại đến lăng mộ của vị hoàng đế Tần Thủy Hoàng".

Cho đến nay, quần thể lăng mộ khổng lồ của Tần Thủy Hoàng vẫn luôn có sức hấp dẫn các nhà khoa học bởi bí mật bên trong lăng mộ lớn, hàng nghìn năm tuổi này vẫn còn để ngỏ.

3. Khám phá các thành phố chưa từng được biết đến trước đây — hoặc thậm chí các nền văn minh — ở Trung và Nam Mỹ

Fredrik Hiebert cho biết: "Các nhà khảo cổ đang sử dụng LiDAR [phương pháp khảo sát đo khoảng cách tới mục tiêu bằng cách chiếu sáng mục tiêu đó bằng một tia laser xung quanh và đo các xung phản xạ bằng một cảm biến] để 'nhìn thấy' bên dưới những tán rừng rậm rạp ở những nơi như Honduras và Belize để xác định vị trí các khu định cư mà chúng tôi chưa biết đến".

Năm 2020, các nhà khảo cổ được trang bị một máy quét LiDAR, sử dụng ánh sáng laser để thăm dò bên dưới tán rừng, đã phát hiện ra tàn tích của một thành phố đã mất nằm sâu trong rừng mưa Honduras. Nhà khảo cổ học Fredrik Hiebert cho biết công nghệ như vậy đang mở ra một “kỷ nguyên khám phá mới”. Nguồn: DAVE YODER, NATIONAL GEOGRAPHIC

Phương pháp này giúp các nhà khoa học có cơ hội khám các thành phố/nền văn minh ở Trung và Nam Mỹ.

4. Giải mã bí ẩn ngôn ngữ của người Minoan cổ đại

Di chỉ khảo cổ đồ đồng Phaistos trên đảo Crete là một trong những trung tâm quan trọng nhất của nền văn minh Minoan. Nguồn: GORDON GAHAN, NAT GEO IMAGE COLLECTION

Đã hơn một thế kỷ kể từ khi nền văn minh Minoan rực rỡ của Địa Trung Hải được phát hiện, nhưng các học giả vẫn không thể giải mã ngôn ngữ của họ, được gọi là Linear A.

Nhà khảo cổ Hiebert cho biết: "Cho đến nay chúng tôi có hơn 1.400 ví dụ về Linear A để nghiên cứu. "Và bây giờ chúng ta có Big Data (Dữ liệu Lớn) trong bộ công cụ của mình. Tại sao chúng ta không đưa phần mềm trí tuệ nhân tạo có tên Watson của IBM vào để giải mã vấn đề?"

5. Tìm hiểu mục đích của các đường Nasca

Các nhà nghiên cứu vẫn đang đưa ra giả thuyết về mục đích của các đường Nasca ở Peru. Những biểu tượng địa lý phức tạp này có đại diện cho các chòm sao không? Chúng có liên quan đến nguồn nước không?

Ở sa mạc ven biển phía nam Peru, những hình vẽ ngổn ngang được khắc trên đất lần đầu tiên được phát hiện vào những năm 1920. Nguồn: ROBERT CLARK, NAT GEO IMAGE COLLECTION

Hiebert đồng ý với quan điểm của nhà nhân chủng học và nhà thám hiểm National Geographic Johan Reinhard, người nói rằng không có đánh giá nào chứng minh một lý thuyết về các đường Nasca.

Hiebert nói: "Đây là nơi mà việc sử dụng phân tích máy tính thông minh để thu thập các bộ dữ liệu địa lý để tìm ra đáp án mà đường Nasca muốn truyền tải. Bí ẩn này tồn tại quá lâu rồi!"

6. Khôi phục một người Neanderthal nguyên vẹn

Theo nhà khảo cổ Hiebert, khi hiện tượng ấm lên toàn cầu khiến các tảng băng và sông băng tan chảy, thì "rất có thể" một ngày nào đó một người Neanderthal được bảo tồn tốt (trong băng) sẽ xuất hiện, giống như voi ma mút 40.000 năm tuổi được tìm thấy ở Siberia vậy.

Bị đóng băng trong 40.000 năm, con voi ma mút này được phát hiện vào năm 2007 bởi những người chăn nuôi tuần lộc ở Siberia. Các nhà khoa học cho rằng, những phần còn lại bị đóng băng lâu ngày khác có thể xuất hiện từ các tảng băng đang co lại. Nguồn: FRANCIS LATREILLE, NAT GEO IMAGE COLLECTION

7. Xác nhận sự hiện diện quy mô lớn của người Viking ở Bắc Mỹ

Cũng giống như việc nhiệt độ tăng sẽ khiến các sông băng tiết lộ bí mật trong lòng của chúng, các bờ biển tan băng ở Canada sẽ phơi bày một mạng lưới các khu định cư của người Viking buộc chúng ta phải viết lại "khám phá" về châu Mỹ, chuyên gia Hiebert dự đoán.

Nhà khảo cổ học Patricia Sutherland (mặc áo khoác màu cam) và các đồng nghiệp của cô ấy làm việc tại Thung lũng Tanfield của Đảo Baffin, Canada. Nguồn: DAVID COVENTRY, NAT GEO IMAGE COLLECTION

"Chúng tôi đã xác định được hai địa điểm của người Viking ở châu Mỹ, và một khi chúng tôi hiểu rõ hơn về bản chất của những khu định cư này, tôi chắc chắn rằng chúng tôi sẽ bắt đầu nhận ra chúng dọc theo bờ biển Đại Tây Dương".

Bài viết sử dụng nguồn: Nationalgeographic

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/dot-pha-ben-trong-lang-mo-tan-thuy-hoang-bi-an-2000-nam-sap-duoc-giai-ma-trong-the-ky-21-8202151016954362.htm