Đột nhập 'xưởng cưa' giữa đại ngàn, xót xa nhìn rừng xanh 'chảy máu'

Rừng nguyên sinh bị lâm tặc khai phá tàn bạo suốt một thời gian dài. Sự việc một lần nữa dấy lên câu hỏi về công tác quản lý, bảo vệ rừng ở tỉnh Quảng Nam.

Gỗ vừa bị khai thác lậu nằm ngổn ngang. Ảnh minh họa

Gỗ vừa bị khai thác lậu nằm ngổn ngang. Ảnh minh họa

Độc chiêu vận chuyển gỗ về bìa rừng

Từ phản ánh của người dân, nhóm PV báo ĐS&PL lên đường tìm về rừng đại ngàn xã Trà Cót, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Mùa này khô hạn, nên dù len lỏi giữa rừng trời vẫn cảm thấy khô khốc, cháy da thịt. Từ ngã ba bìa rừng thôn 2, xã Trà Nú, PV băng rừng theo triền núi quanh co suốt hàng giờ liền để đến với con sông Ví.

Người dẫn đường cho PV là một người bản địa rành mạch mọi ngõ ngách của rừng già như con thú của rừng. “Phải băng cắt rừng chứ không đi theo đường mòn được. Đường mòn lâm tặc dùng để kéo gỗ cả rồi. Các anh là người lạ nếu bị lâm tặc thấy thì dễ gặp điều bất trắc”, hoa tiêu nói.

Nín thở và cảnh giác hơn sau lời nhắc nhở của người dẫn đường, PV âm thầm lội bộ cắt ngang qua nhiều cánh rừng. Men theo con sông Ví để cố lên thượng nguồn. Và rồi, cảnh tượng bàng hoàng hiện diện trước mặt. Rừng già “chảy máu”.

Tại khu vực rừng nguyên sinh này nhiều cây gỗ bị đốn hạ không thương tiếc. Nhiều cây gỗ có đường kính gần 1m, thân thẳng đứng dài 20m bị chặt hạ. Nhiều cây cổ thụ có gốc 2 - 3 người ôm, thân cây đã phân thành khúc còn bỏ tại hiện trường nằm ngổn ngang. Nhiều vị trí khác thì vương vãi những phần gỗ cho ra thành tấm, thành miếng để tiện đưa đi.

Có cây mới bị triệt hạ, gốc cây nhựa trào ra chưa khô. Có gốc cây bị cắt phá từ lâu, bắt đầu có dấu hiệu chết khô. Tiếp tục quần thảo trong khu vực rừng xã Trà Cót, PV ghi nhận có hàng chục gốc gỗ đã bị chặt hạ. Hiện trường cho thấy, lâm tặc đã vận chuyển đi khỏi rừng một lượng gỗ không nhỏ.

Cạnh đó, ước chừng vài chục mét khối gỗ theo khuôn khổ thành phách hình chữ nhật với nhiều chủng loại, trong đó chủ yếu gỗ phách dài hơn 3m, rộng 0.4m, cao 0.5m hoặc dài hơn 4m, rộng và cao khoảng 0.2 vẫn còn nằm la liệt ở hiện trường. Cùng với đó, cành lá, mùn cưa vương vãi khắp nơi.

Không chỉ gỗ, bằng chứng cho thấy lâm tặc hoạt động khu vực rừng này một thời gian dài là việc nhiều túi đựng đồ ăn, vật dụng các bếp lửa của những người khai thác gỗ vứt lại ngổn ngang.

Sau khi âm thầm ghi nhận, PV nhanh chóng rút lui để đề phòng bất trắc. Con đường đi xuống có phần dễ dàng hơn, cũng là lúc PV tận mắt thấy những rãnh đường mòn khét lẹt do gỗ kéo tạo thành.

Theo nhận định của người dẫn đường, có 2 cách để lâm tặc đưa gỗ về bìa rừng. Thứ nhất là kéo trực tiếp theo các con đường mòn nhỏ trên cạn. Cách làm này tốn công, nặng nề nhưng an toàn và rất khó phát hiện. Thứ 2, là lâm tặc mượn sức nước của sông suối để dẫn gỗ về xuôi. Cách này đỡ được công sức, nhưng dễ bị phát hiện, bởi mỗi khu rừng chỉ có một số ít con sông, suối.

Xem xét khởi tố điều tra

Theo lãnh đạo xã Trà Cót, địa phương có khoảng 4.000 ha rừng nguyên sinh tự nhiên. Trong đó, hơn 1.200 ha thuộc dự án Bảo vệ và quản lý tổng hợp các hệ sinh thái rừng thuộc các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và Gia Lai và khoảng 2.800ha giao khoán cho người dân quản lý.

Thời gian qua, cũng có một số hộ dân địa phương vào rừng chặt gỗ về làm nhà. Trong khi đó, vị lãnh đạo huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam thông tin rằng, đơn vị vừa nắm được thông tin báo chí cung cấp về vụ phá rừng ở xã Trà Cót. UBND huyện Bắc Trà My sẽ yêu cầu cơ quan chức năng khẩn trương điều tra sự việc.

Ở cấp độ quản lý sát sao nhất, ông Lê Văn Trường, Phó Hạt Trưởng hạt Kiểm lâm Bắc Trà My cung cấp thông tin, vị trí xảy ra vụ phá rừng ở khoảnh 5, tiểu khu 781, thôn 1 xã Trà Cót, huyện Bắc Trà My. Ngay khi nắm được thông tin, ngành kiểm lâm đã vào cuộc. Bước đầu, ngành kiểm lâm xác định, có 18 cây gỗ với vết cắt còn khá mới bị đốn hạ, đa số là gỗ xoan đào (chưa xác định khối lượng) cùng một số cây cũ đã bị đốn hạ trước đó.

Hiện, đơn vị này đang củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án “vi phạm về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. “Sau khi hoàn chỉnh hồ sơ khởi tố, Hạt sẽ chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bắc Trà My điều tra, xác định đối tượng vi phạm. Hiện, Hạt cũng đang tích cực bảo vệ hiện trường không để các đối tượng lợi dụng tẩu tán tang vật vi phạm cũng như đang tập trung thống kê khối lượng gỗ bị chặt hạ...”, ông Trường nói.

Theo chia sẻ của nhiều người dân địa phương, việc lâm tặc khai thác gỗ ở xã Trà Cót diễn ra rất tinh vi. Các đối tượng này vào tận rừng sâu, ở thượng rồi tổ chức chặt hạ. Gỗ sau khi được “xẻ thịt” sẽ được xẻ thành phách sau đó dùng trâu kéo, kéo ra khỏi rừng và đưa xuống xuôi tiêu thụ.

Câu chuyện rừng già “chảy máu” một lần nữa dấy lên câu hỏi về công tác quản lý rừng ở tỉnh Quảng Nam. Thời gian qua, liên tục những vụ phá rừng diễn ra ở dọc khắp các huyện miền núi tỉnh này.

Nhiều vụ án đã được khởi tố điều tra, bắt giữ nhiều nghi phạm. Tuy nhiên, không ít vụ bế tắc. Mới nhất, cuối tháng 3/2019, tại xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My, lâm tặc dùng cưa máy vào rừng phòng hộ Sông Tranh chặt hạ cây gỗ. Cơ quan chức năng xác định có 20 cây gỗ bị chặt với khối lượng hơn 17m3 . Vụ việc này đã được khởi tố, có 6 người liên quan, tuy nhiên đến nay vẫn chưa khởi tố bị can do thiếu chứng cứ.

Làm rõ trách nhiệm cán bộ báo cáo trước ngày 15/8

Theo chính quyền UBND huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, đơn vị này đã yêu cầu UBND xã Trà Cót kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, nhóm hộ được giao khoán diện tích quản lý, bảo vệ rừng liên quan. Cùng với đó, cũng phải làm rõ trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, điều hành quản lý, bảo vệ rừng của lãnh đạo xã, báo cáo kết quả về UBND huyện trước ngày 15/8

Nhâm Thân

Bài đăng trên báo Đời sống& Pháp luật Chủ Nhật số 32

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/phap-luat/dot-nhap-xuong-cua-giua-dai-ngan-xot-xa-nhin-rung-xanh-chay-mau-a288162.html